Hợp tác đào tạo cử nhân điều dưỡng với ĐH Khoa học ứng dụng Satakunta, Phần Lan

Ngày 19/3, lễ ký kết hợp tác đào tạo cử nhân điều dưỡng giữa trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) và trường Đại học Khoa học ứng dụng Satakunta, Phần Lan (SAMK) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Chương trình có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Phần Lan, đại diện Sở Y tế TP. Đà Nẵng cùng các đơn vị liên kết trong lĩnh vực điều dưỡng, y tế tại các điểm cầu.

Đây là chương trình liên kết quốc tế 1+3 đầu tiên giữa ĐH Đông Á với một trường đại học tại Phần Lan. Hợp tác là nỗ lực trong việc gia tăng tiếp cận cho sinh viên Việt Nam với chương trình quốc tế điều dưỡng chất lượng của châu Âu, giúp sinh viên trang bị một trình độ chuyên môn tốt và nền tảng tiếng Anh vững vàng, môi trường học tập hiện đại, tiếp cận nền y tế chất lượng hàng đầu thế giới. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc tại Phần Lan và các nước châu Âu hoặc trở về Việt Nam phát triển nghề nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành điều dưỡng.

Phát biểu mở đầu lễ ký kết hợp tác, TS. Jari Multisilta - Hiệu trưởng trường ĐH SAMK nhận định: Phần Lan và Việt Nam chia sẻ cùng một mục tiêu đó là đem lại nền giáo dục chất lượng cao cho người trẻ - những người có kỹ năng chuyên nghiệp có thể đóng góp vào sự thành công và thịnh vượng của cộng đồng. Mục tiêu của giáo dục điều dưỡng là đào tạo nghề nghiệp chăm sóc sức khỏe, giúp sinh viên có thể làm việc như một chuyên gia trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác nhau như chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc khách hàng tại nhà riêng hoặc các trung tâm tư vấn mở đến các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện cũng như các doanh nghiệp tư nhân với bằng cấp điều dưỡng Phần Lan có giá trị cao và đem lại cho sinh viên cơ hội việc làm quốc tế.”

Tham dự và chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa ĐH Đông Á và ĐH SAMK qua màn hình trực tuyến từ Helsinki (Phần Lan), bà Đặng Thị Hải Tâm - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Phần Lan cho biết: Chương trình hợp tác này là một minh chứng điển hình cho việc chuyển từ hướng hợp tác đơn thuần mang tính lý thuyết của hai nước thành một giải pháp thực tiễn cho thị trường lao động. Chương trình đào tạo cử nhân về điều dưỡng là một giải pháp mới và bền vững để tuyển nhân lực cho ngành y tế ở Phần Lan (so với các giải pháp mà Nhật và Đức đã thực hiện trong ngành này ở Việt Nam cho đến nay). Để đáp ứng nhu cầu tuyển 100.000 điều dưỡng trong 5 năm tới ở Phần Lan, Đại sứ quán hy vọng rằng chương trình này sẽ được mở rộng tới nhiều trường đại học ở Việt Nam.”

Đồng thời, bà Đặng Thị Hải Tâm cũng khuyến khích tạo kênh thông tin cho cộng đồng điều dưỡng Việt Nam ở Phần Lan - là công cụ để cung cấp, chia sẻ mọi thông tin về nghề nghiệp, một mặt giúp điều dưỡng viên Việt Nam hội nhập vào môi trường làm việc ở Phần Lan, mặt khác có thể hỗ trợ thông tin cho sinh viên khi theo học chương trình này.

Th.S Lương Minh Sâm - Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Á cho biết: “Đối với ngành Điều dưỡng, Đại học Đông Á đã có hợp tác với các đối tác Nhật Bản hơn 10 năm nay cả về chương trình giảng dạy, thực tập internship và làm việc tại Nhật với rất nhiều sinh viên trường sang làm việc tại các bệnh viện và cơ sở y tế ở Nhật. Điều dưỡng cũng là ngành đầu tiên của trường hợp tác với Hiệp hội điều dưỡng Caritas Đức để sinh viên tham gia internship trên nguyên tắc là các bang của Đức công nhận chương trình đào tạo Điều dưỡng và tiếp nhận sinh viên ĐH Đông Á đến Đức làm việc ngay khi tốt nghiệp.

Ở hợp tác lần này, trong những năm đầu, mô hình hợp tác sẽ theo hướng 1+3, sau đó sẽ chuyển sang chương trình 2+2 và song bằng, tăng thêm lợi thế cho sinh viên trên thị trường việc làm trong và ngoài nước.”

Trước đó, ngày 12/3, Lễ ký kết hợp tác chương trình nhượng quyền đào tạo cử nhân Kinh tế gồm 5 chuyên ngành giữa ĐH Đông Á và ĐH Liverpool John Moores, Anh cũng đã được diễn ra qua hình thức trực tuyến. Năm 2021, ĐH Đông Á cũng đã đạt được các thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo với các đại học uy tín tại Mỹ, nổi bật là chương trình đào tạo thạc sĩ QTKD và Cử nhân QTKD theo chương trình ĐH Lincoln, Hoa Kỳ và chương trình liên kết đào tạo 1+3 cử nhân chuyên ngành QTKD, Khoa học máy tính với ĐH Angelo State, Hoa Kỳ.