Hội thảo khoa học An toàn thông tin

Ngày 11/8, Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về An toàn thông tin.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp với sự tham gia của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng, VNPT Đà Nẵng, Hội Tin học thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu từ Viện AIIT, Nhật Bản và Viện IAD ĐH Đông Á, các doanh nghiệp trong lĩnh vực An ninh mạng, giảng viên và sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu ĐH Đông Á.

Dẫn báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hôm 8/8 cho thấy, trong nhóm các tỉnh, thành phố, Đà Nẵng lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước về giá trị DTI 2021. “Không chỉ là diễn đàn khoa học chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp kỹ thuật cao trong lĩnh vực an toàn thông tin, hội thảo còn là không gian phát triển các hợp tác đa phương giữa các nhà nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo nhân lực chuyên môn cao và hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng góp trực tiếp vào quá trình xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng.”, ông Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á phát biểu tại Hội thảo.

Mở đầu Hội thảo, tham luậnHệ thống đánh giá các nhà cung cấp an ninh mạng, các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thông tin và phát triển nguồn lực an toàn thông tin của bà Mari Aoba - Viện AIIT, Nhật Bản đưa ra những hướng dẫn trong việc lựa chọn các nhà cung cấp giải pháp bảo mật phù hợp với nhu cầu của tổ chức;  Làm thế nào để có thể đánh giá đúng chất lượng của doanh nghiệp tương xứng với chất lượng các dịch vụ mà họ cung cấp. Báo cáo cũng nêu các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực về an toàn thông tin của doanh nghiệp, đồng thời cũng đưa ra các hướng dẫn về tổ chức các cuộc thi về bảo mật thông tin (CTF). Tiếp đó, GS. Mitsuhiro Maeda - Viện AIIT, Nhật Bản trình bày về chuyển đổi lâm nghiệp và mô hình lâm nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, trong đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ bằng việc tận dụng lợi thế của công nghệ kỹ thuật số.

Báo cáo của TS. Thái Thanh Hải – Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin & Truyền thông TP. Đà Nẵng chia sẻ “Kinh nghiệm triển khai bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, hiện nay thành phố Đà Nẵng đã áp dụng Tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013 về Quản lý an toàn thông tin đối với Trung tâm dữ liệu; tổ chức triển khai mô hình 4 lớp an toàn thông tin, kiến trúc kỹ thuật và các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin lớp mạng và lớp thiết bị đầu cuối,... Báo cáo cũng nhận định, an toàn thông tin (cùng với nhân lực số) có vị trí xuyên suốt ở các lớp hạ tầng, dữ liệu và ứng dụng trong quá trình thực hiện 3 trụ cột chuyển đổi số (Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số) của chiến lược xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số mục tiêu 2030, tầm nhìn 2045.

Sự bùng nổ về công nghệ cũng như các thiết bị thông minh trong chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ vừa là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, ứng dụng các thành tựu công nghệ thông minh vào trong các hoạt động sản xuất nhưng cũng là thách thức lớn khi tội phạm mạng ngày càng tinh vi và có xu hướng tăng về quy mô và số lượng. Dẫn ra số liệu thống kê về an ninh mạng cho thấy sự gia tăng đáng kể các vụ vi phạm và tấn công mạng; dự đoán thiệt hại của tội phạm mạng toàn cầu gây ra trong năm 2021 lên tới 6 nghìn tỷ USD và năm 2025 lên đến 10.5 nghìn tỷ USD (theo Cybercrime magazine), tham luận Giải pháp an toàn thông tin và dữ liệu trong tổ chức doanh nghiệp” của nhóm tác giả TS. Nguyễn Nho Túy, ThS. Nguyễn Thanh Thủy và KS. Nguyễn Văn Quang Tân đến từ VNPT Đà Nẵng mang đến các giải pháp, mô hình đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giúp bảo vệ các tổ chức, doanh nghiệp được an toàn, hình thành nên “hệ miễn dịch không gian số - VNPT Cyber Immunity” từ đó giúp tổ chức doanh nghiệp tự tin hơn trên không gian mạng như giải pháp Pentest, VNPT MSS, VNPT SmartIR và nhiều bộ giải pháp khác.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, bên cạnh các giải pháp dịch vụ an toàn thông tin, một trong những yếu tố cốt lõi để đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu chính là con người. Các hệ thống dù được đầu tư, xây dựng bài bản đến đâu cũng cần đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực tham gia vận hành, khai thác và phát triển. Do đó rất cần các trường đại học, cơ sở giáo dục tham gia đồng hành, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số đủ năng lực, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và cùng hợp tác nghiên cứu những giải pháp, công nghệ mới. Bên cạnh đó, nhận thức về an toàn thông tin của người dùng hằng ngày cũng rất quan trọng, ngoài việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực thì các trường đại học và cơ sở giáo dục cần nâng cao nhận thức an toàn thông tin của học sinh, sinh viên trong đời sống hằng ngày thông qua các chương trình đào tạo.

Đồng quan điểm về phát triển nguồn nhân lực tương thích với năng lực nghề nghiệp và yêu cầu của lĩnh vực An toàn thông tin, TS. Đỗ Sính – Trưởng khoa CNTT Đại học Đông Á cũng cho rằng, sự phối hợp giữa trường đại học với các doanh nghiệp chuyên về an toàn thông tin và các chuyên gia an toàn thông tin trong việc triển khai đào tạo, hướng dẫn thực hành/thực tập và đánh giá thường xuyên sinh viên… sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và lợi thế cạnh tranh cho nhân lực theo thực tiễn yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Tại phiên thảo luận, bà Mari Aoba khuyến cáo việc nên thuê đơn vị độc lập ở ngoài thực hiện xây dựng và vận hành hệ thống ATTT của đơn vị. Các doanh nghiệp và đơn vị tham gia hội thảo cùng quan điểm về việc nên tổ chức diễn tập về phòng thủ và tấn công, bảo vệ ATTT ở nhiều cấp độ để tăng khả năng thích ứng và bảo vệ từ xa.