Lễ Công bố quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk

Ngày 27/11, Lễ Công bố quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk đã chính thức diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột – thủ phủ vùng Tây Nguyên.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo chính quyền địa phương và các sở ngành, BGH các trường THPT trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, các trường đại học, các chuyên gia và các doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước, BGH và giảng viên Đại học Đông Á đã cùng nhau chứng kiến nghi thức cắt băng khánh thành – nghi thức khai mở và chính thức đi vào hoạt động của Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk.

Thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk

Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã trao quyết định thành lập phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk cho Ban Giám hiệu và Hội đồng trường ĐH Đông Á – chính thức khai mở hoạt động tuyển sinh và đào tạo một cơ sở giáo dục chất lượng, quy tụ đầy đủ các điều kiện cho việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong hệ thống cơ sở đào tạo và thực hành hiện đại, không gian học tập hứng khởi, khai phá việc làm tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế địa phương và hội nhập quốc tế cho sinh viên.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ niềm vui và lời chúc mừng về một bước tiến mới đầy ý nghĩa của Trường Đại học Đông Á trong nỗ lực phát triển sự nghiệp giáo dục và định hướng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, thiết thực phục vụ quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung; xác lập chiến lược phát triển dài hạn với một tầm nhìn khoa học thích ứng nhanh bối cảnh mới của đất nước. “Quan sát quá trình hoạt động của Trường Đại học Đông Á thời gian qua, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự năng động trong tư duy chiến lược về cải tiến chất lượng đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng các sản phẩm ứng dụng và tính khởi nghiệp cao. Trong đó đặc biệt ấn tượng với chiến lược xây dựng “định vị” chất lượng sinh viên nhà trường bằng những hợp tác chiến lược với các đối tác nước ngoài có uy tín, nhằm trang bị cho sinh viên có ưu thế về kỹ năng, chuyên môn, thái độ chuyên nghiệp và ngoại ngữ tốt đang làm việc tại Nhật, tại Đức,… Đây là một hướng đi mang tính khác biệt, một kinh nghiệm cần được khuyến khích, nghiên cứu nhân rộng.

 

Tọa lạc tại thành phố Buôn Ma Thuột, Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk được xây dựng trên tổng diện tích mặt bằng 10 ha, gồm 3 block nhà A, B, C đang vận hành với công năng 115 phòng học lý thuyết, 27 phòng thực hành chuyên môn, thư viện, hội trường lớn, khu thể thao đa năng cùng đầy đủ các phòng chức năng. Quy mô đào tạo năm đầu tiên trong giai đoạn 2022-2030 của phân hiệu sẽ gồm 6 ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Công nghệ thực phẩm, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin. Đây đều là các ngành học phù hợp với xu hướng phát triển lâu dài tại vùng Tây Nguyên, và cũng là các ngành đào tạo thế mạnh trong quy mô 36 ngành thuộc 9 nhóm ngành của ĐH Đông Á. “Chứng kiến cơ sở vật chất khang trang, hiện đại của Phân hiệu từ không gian học tập, tổng quan kiến trúc và hệ thống hạ tầng thực hành nghề nghiệp tiện ích cho sinh viên, đến một hệ sinh thái Nhà trường - Sinh viên - Doanh nghiệp được kết nối chặt chẽ từ sớm, tạo mạng lưới đa dạng việc làm tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế địa phương và hội nhập quốc tế cho sinh viên,… Tất cả điều này khiến tôi tin vào hiệu quả và thành công mà Phân hiệu mang lại trong thời gian tới.”, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đặt kỳ vọng Trường Đại học Đông Á tiếp tục phát huy tốt thế mạnh đào tạo và ưu thế kết nối việc làm cho sinh viên tại các thị trường nhân lực trong nước và các nước phát triển, thiết thực đóng góp cho việc thực hiện “mục tiêu kép” về chất lượng và việc làm cho nguồn nhân lực trong chiến lược dài hạn của địa phương và khu vực Tây Nguyên. Đó là xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy quản trị và khả năng ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ hiện đại, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm tại chỗ của địa phương; và một nguồn nhân lực trình độ cao được đào tạo, rèn luyện trong môi trường quốc tế tại các nước phát triển trở về đóng góp cho quê hương. Đây không chỉ là nhu cầu mà còn là “xương sống” phát triển cho vị thế trọng yếu về kinh tế - xã hội của vùng đất chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước theo định hướng nghị quyết của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại Lễ công bố quyết định phân hiệu, TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Đại học Đông Á nhấn mạnh: “Đại học, với tinh thần rộng mở và khoáng đạt, sẽ và phải đóng góp cho cộng đồng, đóng góp vào việc nâng cao năng lực làm việc của một vùng, vì giáo dục và văn hoá không thể không song hành cùng nhau. Đại học cũng là nơi mời gọi cộng đồng trí thức cùng tham gia với những hoạt động phong phú và hữu ích để đóng góp cho nơi này và xã hội.

Xã hội mong đợi đại học những nghiên cứu lý thuyết hàn lâm nhưng cũng mong đợi đại học giải quyết những nhu cầu cấp thiết. Nên ĐH cùng lúc đầu tư các chương trình đào tạo dài hạn, cũng phải bằng nhiều phương thức, tổ chức hoặc đỡ đầu cho các chương trình đào tạo nghề nghiệp ngắn hạn theo hướng thực nghiệp, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết cho công cuộc phát triển khu vực. Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk sẽ thúc đẩy đồng thời các ngành Kinh tế, Logistics, các ngành du lịch-dịch vụ, kỹ thuật, các ngành sức khỏe và ngôn ngữ. Thật thú vị khi có thể góp sức đào tạo những chủ nhân trên mảnh đất này vừa có nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ lữ hành-khách sạn vừa có năng lực giao tiếp các ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung … để mời gọi bạn bè quốc tế, để phát triển kinh tế du lịch trên vùng đất có nhiều sắc thái văn hóa này.

Với sự hiện diện của Phân hiệu tại đây, các đối tác Nhật Bản của Nhà trường cũng đã bước đầu gợi mở tiến tới cùng hợp tác phát triển các sản phẩm thuộc các ngành Nông nghiệp kỹ thuật cao và Kỹ thuật nông cơ, các sản phẩm xuất khẩu đa dạng từ kỹ thuật thâm canh, thực phẩm sạch…”

TS. Nguyễn Thị Anh Đào cũng thông tin, đến nay, đã có hơn 500 sinh viên ĐH Đông Á làm việc, học tập tại Nhật, sắp tới là Úc, Đức, Đài Loan và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các sinh viên được các đối tác đánh giá cao và tiếp nhận làm việc sau khi tốt nghiệp, đó cũng chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho cộng đồng doanh nghiệp và trong tương lai, trong đó có vùng đất Tây Nguyên này. “Chúng tôi mong đợi, một phần lớn SV học tại Phân hiệu sẽ sang nước ngoài làm việc, và thêm phần lớn làm việc cho các công ty nước ngoài đang hoạt động trong nước. Đó cũng là cách để chuẩn bị đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho cộng đồng doanh nghiệp ở các lĩnh vực, và một phần lớn SV trở về khởi nghiệp sau thời gian SV tốt nghiệp đi làm.”, TS. Anh Đào chia sẻ.

Hợp tác đào tạo, nghiên cứu và tuyển dụng sinh viên

Dịp này, các thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và tuyển dụng sinh viên cũng được ký kết chính thức giữa ĐH Đông Á với các doanh nghiệp và đơn vị đối tác.

Trong đó, VNPT Đắk Lắk và Đại học Đông Á đã đạt được thỏa thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi số; đào tạo, phát triển và tuyển dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Viễn thông - Công nghệ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2022-2025. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm và công nghệ mới; đầu tư xây dựng hệ thống phòng lab thực tập cho sinh viên như: Lab Blockchain, Kubernetes (K8s)/ Docker Swarm, các hệ thống máy chủ cloud, ảo hóa,…; hợp tác phát triển hạ tầng dịch vụ viễn thông cũng như các giải pháp chuyển đổi số cho trường đại học, triển khai các dự án viễn thông – CNTT cho địa phương,...

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và ĐH Đông Á sẽ phối hợp xây dựng “Vườn sưu tập Cà phê” tại Trường Đại học Đông Á; xúc tiến kết nối sinh viên ĐH Đông Á thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Đồng thời, hợp tác cũng được kỳ vọng tạo ra hệ sinh thái mới trong hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực liên quan đến cà phê.

Được biết, từ hội thảo Chỉ dẫn địa lí Nhật Bản đối với cà phê Buôn Ma Thuột do Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) phối hợp tổ chức vào ngày 9/8, các chuyên gia từ Viện AIIT cũng sẽ đồng hành cùng các nhà sản xuất cà phê tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã có chỉ dẫn địa lí tại Việt Nam trong quá trình thực hiện hồ sơ để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Trong khi đó, Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) và ĐH Đông Á cũng đạt được thống nhất để tiến tới hợp tác đào tạo và cung ứng nhân lực các ngành Công nghệ thực phẩm, Nông nghiệp Công nghệ cao, Quản trị kinh doanh, Kế toán làm việc ở các nông trường của Thagrico tại Việt Nam, Lào và Campuchia; hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên ĐH Đông Á và các chuyên gia từ Thagrico. Hợp tác được kỳ vọng sẽ đặt nền móng chặt chẽ cho gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp, giữa đào tạo và việc làm cho sinh viên ngay từ khi vừa nhập học.

Tham dự và phát biểu qua màn hình trực tuyến, ông Ito Chihiro - Hiệu trưởng Trường Đại học công lập Wakayama, Nhật Bản nhận định: “Thông qua việc hợp tác với Đại học Đông Á, mà cụ thể là thỏa thuận hợp tác quốc tế và trao đổi sinh viên đang được bàn thảo để tiến tới ký kết chính thức thời gian tới, Đại học Wakayama mong muốn đóng góp một phần vào sự phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và thế giới.” Ông Ito cũng bày tỏ tin tưởng Phân hiệu Đắk Lắk sẽ là một môi trường tốt để thúc đẩy việc học tập và thực nghiệp của sinh viên ĐH Đông Á - những công dân ưu tú sẽ gánh vác tương lai của Việt Nam.

Dịp này, các nhà khoa học trong và ngoài nước hợp tác nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Đông Á và Phân hiệu Đắk Lắk cũng chính thức ra mắt tại chương trình. Trong đó có GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự tại Đại học Waseda (Tokyo), cũng là giáo sư danh dự của Đại học Đông Á,… “Sự hiện diện của các nhà khoa học hôm nay cũng thay cho cam kết đồng hành của những trí thức luôn sẵn lòng đóng góp vào chiến lược phát triển cùng Tây Nguyên, cùng đất nước để cùng nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ sinh viên hội nhập và làm việc ở các nước phát triển, học hỏi cách phát triển ở họ sau đó quay trở về đóng góp quê hương.”, ông Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường chia sẻ.

Học bổng khuyến học cho học sinh THPT tại Tây Nguyên

Tại Lễ công bố quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk, Quỹ học bổng Hoa Anh Đào ĐH Đông Á cũng trao 14 suất học bổng khuyến học đến các học sinh THPT trên địa bàn Tây Nguyên.

Theo đó, với mỗi suất học bổng trị giá 3 triệu đồng, đây là sự khích lệ dành đến nỗ lực vượt khó học giỏi trong năm học vừa qua của các bạn học sinh trước ngưỡng cửa đại học đang đến gần. Tổng giá trị học bổng được trao dịp này lên đến hơn 50 triệu đồng.

GS. Trần Văn Thọ và góc nhìn về “Biến động kinh tế thế giới và phương hướng phát triển của Việt Nam”

Mở đầu Lễ công bố quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk là phần trình bày của GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự tại ĐH Waseda, Nhật Bản về “Biến động kinh tế thế giới và phương hướng phát triển của Việt Nam”.

Dẫn dắt từ câu chuyện nhìn Việt Nam từ thế giới quanh ta, những biến động, trào lưu mới của thế giới là gì và có tác động như thế nào, GS. Trần Văn Thọ tiếp nối chia sẻ về Việt Nam hôm nay và nhìn về 2045; chiến lược, chính sách để có một nền kinh tế vững chắc và phát triển: công nghiệp hóa và nông nghiệp, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực,…

Trong bài trình bày, GS. Trần Văn Thọ chỉ ra rằng, từ hơn 10 năm nay, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa đã làm thay đổi sâu sắc cung cầu lao động. Đến năm 2030 thế giới có tới 400 triệu lao động (12%) bị thay thế bằng tự động hóa, từ 400 triệu đến 1 tỷ lao động (12-30%) hiện đang làm việc sẽ phải tự thay đổi kỹ năng để thích ứng.

Các trào lưu mới của thế giới như cách mạng công nghệ, CNTT và kỹ thuật số phát triển, đại dịch và biến động quan hệ kinh tế, chính trị thế giới đã gây ra những tác động như rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (GSC) và chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), làm cho khuynh hướng chững lại của toàn cầu hóa càng mạnh hơn, làm trầm trọng vấn đề lương thực và năng lượng trên thế giới, cầu lao động giảm và thay vào đó là nhu cầu nhân lực có kỹ năng cao và thường xuyên thích ứng với thay đổi kỹ thuật, công nghệ.

GS. Trần Văn Thọ cũng chỉ ra những đặc tính của kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng từ đại dịch và các trào lưu mới của kinh tế chính trị thế giới như hội nhập cao nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững, Việt Nam đang có một lực lượng lao động khá đông mà phần lớn chưa đủ năng lực, chưa thích ứng với nhu cầu mới,… Đồng thời nêu các đối sách của Việt Nam trong chiến lược trung hạn và dài hạn để xây dựng nền kinh tế vững chắc. Về trung hạn, cần chú trọng hơn thị trường trong nước, làm thâm sâu (deepening) công nghiệp hóa; tăng cường sản xuất và củng cố mạng lưới các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm, y tế), quan tâm đến an ninh kinh tế với tiềm năng nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam, và ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động. Về dài hạn, cần thay đổi tư duy phát triển và đổi mới sáng tạo để tăng trưởng nhanh và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình. GS cũng đề cập tư duy mới trong thời đại dịch, trong đó: Nông, công nghiệp và dịch vụ hầu như đồng thời phát triển; “Tập trung vừa phải” là từ khóa mới cho vấn đề đô thị hóa để vừa tập trung vừa giãn cách; Hồi quy các giá trị truyền thống về an sinh xã hội.

Trong chiến lược, chính sách Việt Nam hướng về năm 2045 trước trào lưu mới của thế giới, có 2 từ khóa liên quan là đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Việt Nam trong dài hạn sẽ xây dựng nền kinh tế vững mạnh, tự chủ; kết hợp nông, ngư nghiệp với công nghiệp, kinh tế số và một số ngành dịch vụ để hiện đại hóa; Đặt lại vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn; chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp thực phẩm và xây dựng hạ tầng kinh tế và văn hóa, chú trọng khu vực y tế,...

Trong vấn đề đào tạo lao động, GS. Trần Văn Thọ cũng đề xuất xây dựng chiến lược phát triển tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động 65 triệu hiện nay và khoảng 70 triệu trong 15 năm tới; Tiến hành đồng thời cả công, nông và dịch vụ; đặc biệt có chiến lược công nghiệp hóa sâu, rộng và chú trọng nông nghiệp trong thời đại mới. Trước mắt, khẩn trương xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo để có lực lượng lao động thời đại mới đáp ứng nhu cầu mới.

Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển nông nghiệp và công nghệ thực phẩm Tây Nguyên”

Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển nông nghiệp và công nghệ thực phẩm Tây Nguyên” cũng là một nội dung nằm trong chuỗi hoạt động thành lập Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk ngày 27/11.

Hội thảo quy tụ sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm cả nước, giảng viên, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, ngành Nông nghiệp và các chuyên gia Viện Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Nguyên ĐH Đông Á theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo được chia làm 2 phiên với các báo cáo khoa học trình bày tại hội thảo là những góc nhìn chuyên môn sâu, những chia sẻ kết quả nghiên cứu mới và đề xuất các giải pháp phát triển nông sản chủ lực Tây Nguyên. Tiêu biểu là các tham luận về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp và xử lý bảo quản sau thu hoạch; thách thức và triển vọng trong chế biến và kinh doanh các nông sản phẩm từ Tây Nguyên; giải pháp và định hướng hợp tác phát triển hồ tiêu Tây Nguyên; nấm thực phẩm và nấm dược liệu – từ nghiên cứu đến ứng dụng sản xuất tại Tây Nguyên, phát triển kit test phát hiện nhanh nấm Lasiodiplodia theobromae gây bệnh chết ngược trên cây ăn quả,…

“Là không gian trao đổi kiến thức, chia sẻ sáng kiến, hội thảo còn là diễn đàn phát triển các hợp tác đa phương trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, đóng góp nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên.”, TS. Đỗ Sính – Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Á phát biểu tại chương trình.

Triển lãm ảnh “Sắc màu văn hóa Tây Nguyên” – công viên khoa học và văn hóa

Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra không gian triển lãm ảnh nghệ thuật và trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp tại khuôn viên phân hiệu.

Trong đó, triển lãm ảnh với chủ đề “Sắc màu văn hóa Tây Nguyên” của TS. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tấn Vịnh - giảng viên Đại học Đông Á. 30 tác phẩm được trưng bày khắc họa những nét đặc sắc về con người và văn hóa của vùng đất Tây Nguyên - nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Êđê, M’nông, Jrai, Bhanar, Xơ đăng, Giẻ-Triêng, Xtiêng, Mạ, Kơ Ho... Triển lãm cũng nhằm góp phần tôn vinh những tinh hoa di sản văn hóa, lưu giữ nét hoang sơ đại ngàn, quảng bá tiềm năng du lịch, tài nguyên nhân văn của Tây Nguyên, đặc biệt là thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nơi đặt Phân hiệu Đại học Đông Á.

Được biết, không gian văn hóa đọc tại khuôn viên và thư viện phân hiệu luôn sẵn sàng mở cửa đón cư dân địa phương ghé đến tham quan và đọc sách mỗi ngày. Đồng thời, ĐH Đông Á cũng ấp ủ dự định lập công viên văn hóa và công viên khoa học – không gian gợi mở những ý tưởng đổi mới sáng tạo, kết nối các liên kết hợp tác về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp và giảng viên, sinh viên ở giai đoạn phát triển tiếp theo.

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí