Workshop chuyên môn "Kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo thiết kế vi mạch" nằm trong chuỗi hoạt động phát triển ngành bán dẫn - vi mạch tại Đại học Đông Á.
Ngày 15/3, Viện IAD Đại học Đông Á chủ trì workshop chuyên môn về "Kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo thiết kế vi mạch".
Workshop thu hút sự quan tâm và tham dự qua hình thức trực tiếp và trực tuyến của đông đảo các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hấp dẫn này cùng với giảng viên và sinh viên khối kỹ thuật Đại học Đông Á, đặc biệt là sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ thông tin.
4 chuyên đề được trình bày và thảo luận chuyên sâu tại workshop gồm: Kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên; Ứng dụng học máy - một số case studies trong dự án nghiên cứu và thực tiễn; Trí tuệ nhân tạo đối với sản xuất thông minh trong ngành công nghiệp 5.0: phương pháp, ứng dụng trong ngành bán dẫn và những thách thức; Kinh nghiệm về việc tích hợp và giảng dạy các kiến thức về trí tuệ nhân tạo vào các chương trình đào tạo đại học và sau đại học.
Trong đó, chuyên đề về "Kinh nghiệm về việc tích hợp và giảng dạy các kiến thức về trí tuệ nhân tạo vào các chương trình đào tạo đại học và sau đại học" của PGS. TS Trần Kim Phúc - Giảng viên cao cấp, nhà nghiên cứu tại Đại học Lille (Ensait & Gemtex, Pháp), Cố vấn khoa học Đại học Đông Á cũng chi tiết các giải pháp nhằm tích hợp AI trong giáo dục 5.0, tận dụng thế giới phẳng trong giáo dục,...
Workshop được kỳ vọng không chỉ là không gian học thuật, nơi chia sẻ các kiến thức mới về vi mạch, bán dẫn, AI,... giữa các nhà khoa học mà còn là địa chỉ trao đổi ý tưởng, cơ hội "nhúng" vào chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học ứng dụng trong các module nghề nghiệp cho sinh viên Đại học Đông Á.