Ngày 22/11, Đại học Đông Á phối hợp Văn phòng Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) tại Hà Nội và Đại học Cyber Ngoại ngữ Hàn Quốc đồng tổ chức hội thảo quốc tế về “Giáo dục tiếng Hàn tại miền Trung Việt Nam trong bối cảnh xã hội siêu kết nối”.

Hội thảo quốc tế này là diễn đàn học thuật đầu tiên tại miền Trung về giáo dục tiếng Hàn, và cũng là hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 41 được Đại học Đông Á phối hợp tổ chức cùng các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức, nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tham dự hội thảo có đại diện Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, Văn phòng Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) tại Hà Nội, ĐH Cyber Ngoại ngữ Hàn Quốc cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu,… ở Việt Nam, Hàn Quốc và gần 200 giảng viên, sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc Đại học Đông Á.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Ngô Quang Vinh – Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Á nhận định: “Chúng ta đang sống trong một xã hội siêu kết nối - nơi công nghệ và trí tuệ nhân tạo ngày càng len lỏi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ học thuật, nghiên cứu đến giảng dạy. Không chỉ các giảng viên, sinh viên mà cả các công cụ hỗ trợ giảng dạy và học tập cũng đã được nâng tầm, giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, tạo điều kiện để kiến thức được lan tỏa rộng rãi hơn bao giờ hết. Các nền tảng học tập trực tuyến, lớp học trực tuyến theo thời gian thực (Real-time online learning) hay những khóa học dưới hình thức VOD – học qua video bài giảng mà sinh viên được tiếp cận thông qua dự án KF Global e-School của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) được các giáo sư Đại học Cyber ngoại ngữ Hàn Quốc giảng dạy,… chính là minh chứng sống động cho sức mạnh của xã hội siêu kết nối trong giáo dục.”

Đề cập đến tính hiệu quả trong áp dụng công nghệ vào giáo dục và vai trò dẫn dắt của người giảng viên, khi “Sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang lại nhiều góc nhìn mới mẻ, sáng tạo hơn. Điều này cũng đặt ra câu hỏi lớn: Làm thế nào để tận dụng hiệu quả những công nghệ này trong giáo dục nói chung, và giáo dục tiếng Hàn nói riêng? Và hơn thế nữa, làm sao để những giảng viên - với vai trò là những người dẫn dắt, có thể truyền cảm hứng và hướng dẫn sinh viên sử dụng công nghệ để học tiếng Hàn một cách thông minh, sáng tạo và nhân văn?”, TS. Ngô Quang Vinh cũng bày tỏ kỳ vọng, các tham luận chuyên môn tại hội thảo sẽ đưa ra nhiều giải pháp thiết thực cho “bài toán” nắm bắt cơ hội mà xã hội siêu kết nối mang lại, kết hợp sức mạnh của công nghệ với sự tận tâm trong giảng dạy, để đưa giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam nói chung và nhất là tại miền Trung nói riêng phát triển lên một tầm cao mới.

Bà Lim Bora – Tham tán lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà Chính phủ Hàn Quốc thiết lập và vận hành 2 tổng lãnh sự quán bên cạnh đại sứ quán. Đây là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của mối quan hệ Hàn – Việt và vai trò chiến lược của thành phố Đà Nẵng. Theo thống kê, năm 2023, trong số khoảng 3,6 triệu người Hàn Quốc đến Việt Nam, có khoảng 40% (tương đương 1,415 triệu người) đã đến thăm Đà Nẵng. Và từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2024, đã có khoảng 1,26 triệu người Hàn Quốc đến thăm thành phố này. Dự kiến, tổng số lượt giao lưu song phương giữa hai nước trong năm nay sẽ đạt khoảng 5,18 triệu. Vì vậy, việc hợp tác chặt chẽ về xuất nhập cảnh và lưu trú giữa nhân dân hai nước cần được duy trì.

Trong bối cảnh lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực và hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp Hàn Quốc và các tổ chức liên quan về các trường đại học xuất sắc trong khu vực.” 

Ông Woo Hyung Min – Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) tại Hà Nội cho biết: “Tại Việt Nam, hiện có 46 trường đại học trên toàn quốc thành lập ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc và Hàn Quốc học, với hơn 25.000 sinh viên đang theo học. Đặc biệt, vào năm 2021, tiếng Hàn trở thành một trong những môn ngoại ngữ một, và đang được giảng dạy thí điểm tại các trường THCS và THPT trên toàn quốc.

Trong bối cảnh hoạt động giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhu cầu học tiếng Hàn ngày càng tăng cao; việc nâng cao chất lượng phải là sự tiên quyết để có được sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục tiếng Hàn, hội thảo này chính là cơ hội để cùng trao đổi về phương pháp giảng dạy tiếng Hàn phù hợp với phương hướng phát triển, cũng như môi trường đào tạo đang có sự chuyển hóa không ngừng, từ đó góp một phần quan trọng trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Hàn.”

Diễn ra trong cả ngày 22/11 qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, hội thảo gồm các phiên báo cáo tham luận, trao đổi chuyên môn cùng một phiên trải nghiệm trực tiếp giảng dạy tiếng Hàn bằng phương tiện kỹ thuật số “tạo file nghe tiếng Hàn bằng công nghệ TTS (Text-to-Speech)”.

Hội thảo tập trung những phân tích chuyên môn sâu và đề xuất giải pháp phát triển giáo dục tiếng Hàn, trong đó chú trọng các giải pháp ứng dụng công nghệ số, truyền thông đa phương tiện và AI,… Các báo cáo xoay quanh các chủ đề: Xã hội siêu kết nối và những thay đổi trong môi trường giáo dục tiếng Hàn ở nước ngoài; Hướng phát triển giáo dục Tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam và đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng lực của giáo viên trong thời đại số; Thực trạng và phương hướng phát triển giáo dục tiếng Hàn tại miền Trung Việt Nam; Nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục thông qua việc áp dụng chương trình KF Global e-School; Ứng dụng truyền thông đa phương tiện vào giảng dạy tiếng Hàn;…

Hội thảo quốc tế “Giáo dục Tiếng Hàn tại miền Trung Việt Nam trong bối cảnh xã hội siêu kết nối” được kỳ vọng trở thành không gian kết nối sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn các giảng viên trẻ; tăng môi trường quốc tế để sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tiếp cận với tiếng Hàn nhiều hơn; hình thành mạng lưới và thúc đẩy giao lưu, trao đổi học thuật sinh động giữa các trường đại học tham gia chương trình Global e-School tại Việt Nam. “Đồng thời, với việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng - mô hình đột phá đầu tiên ở Việt Nam, tích hợp đô thị kinh doanh với hoạt động chế xuất và dịch vụ giá trị cao, được đánh giá là "cú hích" lớn cho kinh tế TP. Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung, thì việc đào tạo và phát triển nhân lực vừa thông thạo ngoại ngữ vừa am hiểu kiến thức liên ngành, đa ngành ở các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật công nghệ cao,… qua sự kết nối hợp tác quốc tế giữa các trường đại học với các cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế cũng sẽ góp phần tạo nên nguồn lực chất lượng cao tại chỗ ổn định, gắn kết và đóng góp trực tiếp vào mục tiêu chiến lược của thành phố.”, TS. Phan Hoàng My Thương – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, Đại học Đông Á cho biết.