Vào ngày 24/12, tại Đại học Đông Á đã diễn ra hội thảo khoa học “Phương án di thực, nhân giống, bảo tồn và mô hình tre trúc tại công viên văn hoá chuyên đề tre Việt”. Hội thảo là dịp để ban chủ nhiệm đề tài thảo luận với các chuyên gia và các đơn vị liên quan về những giải pháp tối ưu trong việc di thực các loài tre trúc về Quận Sơn Trà.
Hội thảo khoa học “Phương án di thực, nhân giống, bảo tồn và mô hình tre trúc tại công viên văn hoá chuyên đề tre Việt” đã được tổ chức vào ngày 24/12 tại Đại học Đông Á nhằm thảo luận và đưa ra những phương án hiệu quả cho việc di thực và phát triển các loại tre trúc tại khu vực Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Di thực một số loài tre, trúc phục vụ công viên văn hóa chuyên đề tre Việt”, được UBND TP. Đà Nẵng giao Đại học Đông Á chủ trì thực hiện vào tháng 6/2023.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của các đại diện từ UBND Quận Sơn Trà, các phòng ban chức năng của quận, các trung tâm, công ty, chi cục liên quan, cùng các giảng viên của các trường đại học tại Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ hội thảo, ba báo cáo tham luận đã được trình bày. Trong đó, các báo cáo đi sâu phân tích các phương án di thực, nhân giống và bảo tồn các loài tre trúc quý hiếm, với mục tiêu lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện sinh thái của khu vực, phục vụ cho công viên văn hóa chuyên đề tre Việt.
Báo cáo đầu tiên được ThS. Ma Thanh Thuyết trình bày với chủ đề "Kỹ thuật bảo tồn và phát triển mô hình trồng tre trúc - bài học kinh nghiệm từ Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ". Báo cáo này nhấn mạnh tầm quan trọng của cây tre trong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và văn hóa cũng như những thách thức đang đối mặt hiện nay. Dựa trên các nội dung này, ban chủ nhiệm đề tài sẽ lựa chọn những kỹ thuật phù hợp để áp dụng trong phương án bảo tồn và phát triển các loài tre trúc phục vụ công viên văn hóa chuyên đề Tre Việt.
Tiếp theo là báo cáo của KS. Phạm Quang Thái với nội dung “Phương án di thực một số loài tre, trúc quý hiếm vùng núi cao”, nhằm cung cấp những kinh nghiệm và kỹ thuật khi di thực từng loài tre trúc đặc biệt từ các vùng núi cao về vùng thấp.
Cũng tại chương trình, TS. Phan Thu Thảo - Trưởng khoa Thực phẩm, Đại học Đông Á đã trình bày báo cáo “Kết quả di thực 30 loài tre trúc Việt Nam, trồng tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng”. Báo cáo này đưa ra kết quả nghiên cứu thực tế về việc di thực 30 loài tre trúc từ các vùng miền khác nhau trên cả nước, đánh giá sự thích ứng bước đầu của chúng tại khu vực Sơn Trà.
Trong suốt hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về việc lựa chọn các loài tre, trúc phù hợp và phương pháp di thực hiệu quả. Chương trình đã ghi nhận các ý kiến đóng góp và đưa ra giải pháp tối ưu để hoàn thiện dự án.
Ban chủ nhiệm đề tài cũng đồng ý xem xét và bổ sung các quy trình kỹ thuật nhân giống, phương án bảo vệ, phương án quản lý, phương án tiêu thụ,… nhằm hoàn thiện đề tài trước hội đồng nghiệm thu vào sáng ngày 4/1.
Hội thảo khoa học lần này đã góp phần tạo nền tảng cho việc triển khai dự án di thực và phát triển mô hình tre trúc tại công viên văn hóa chuyên đề tre Việt. Những kết quả đạt được sẽ giúp đề tài sớm hoàn thiện và mang lại giá trị cao trong việc bảo tồn, nhân giống và phát triển các loài tre trúc, góp phần nâng cao giá trị văn hóa và du lịch cho TP. Đà Nẵng trong tương lai.