Từ 120 đề tài nghiên cứu ứng dụng được đăng ký và triển khai, 51 đề tài chất lượng nhất được đề cử tham gia tranh tài ở vòng Bứt phá Cuộc thi sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp trường Đại học Đông Á năm 2024.
Ngày 10/5, Đại học Đông Á tổ chức vòng Bứt phá Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 10 năm 2024 với 51 đề tài ứng dụng đến từ các nhóm sinh viên ở các khối ngành.
Từ 120 đề tài nghiên cứu ứng dụng được đăng ký và triển khai, 51 đề tài chất lượng được đề cử tham gia tranh tài ở Cuộc thi sinh viên Nghiên cứu khoa học 2024 với hai hình thức trình bày báo cáo.
Các đề tài lọt vào vòng Bứt phá là những đề tại nghiên cứu, những giải pháp mang tính sáng tạo và mới mẻ dưới góc độ sinh viên về các vấn đề mang tính thực tiễn xã hội cao được trình bày trực tiếp tại Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội đồng Khoa học sức khỏe, Hội đồng Ngôn ngữ và 2 Hội đồng Kinh tế - xã hội.
PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á phát biểu khai mạc cuộc thi
Ban giám hiệu tặng hoa cho Chủ tịch các hội đồng giám khảo
Tại chương trình, không gian trưng bày khoa học công nghệ "The Science Show of UDA Students 2024" cũng được tổ chức tại tiền sảnh. Theo đó, không gian trưng bày 51 poster là các đề tài và kết quả nghiên cứu tham gia cuộc thi năm nay.
Trong số 51 đề tài tham gia, nhiều đề tài được đánh giá mang tính mới mẻ, gắn với nhịp sống công nghệ số, các vấn đề thời sự về phát triển bền vững có thể ứng dụng phục vụ cộng đồng và khởi nghiệp như: Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị sản xuất khí Hydrogen và giải pháp lắp đặt chuyển đổi xe gắn máy sử dụng nhiên liệu xăng sang sử dụng Hydrogen”, “Ứng dụng xử lý ảnh để điều khiển tín hiệu đèn giao thông”, “Xây dựng hệ thống quản lý và chăm sóc tự động cho cây trồng”,…
Trong bối cảnh lo ngại về biến đổi khí hậu ngày càng tăng và sự giảm dần của nguồn năng lượng hóa thạch, nhóm sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô đã lên ý tưởng về một phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng của các khí thải động cơ đối với không khí. Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị sản xuất khí Hydrogen và giải pháp lắp đặt chuyển đổi xe gắn máy sử dụng nhiên liệu xăng sang sử dụng Hydrogen” đã đưa ra giải pháp chuyển đổi xe gắn máy từ sử dụng nhiên liệu xăng sang dần sử dụng hydrogen một cách hiệu quả và bền vững.
Nhóm sinh viên khóa 20 ngành CNKT Ô tô với giải pháp chuyển đổi xe gắn máy sử dụng nhiên liệu Hydrogen
Trong khi đó, nhận thấy những năm gần đây thành tựu công nghệ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giúp tăng sản lượng và tiết kiệm sức lao động đáng kể, nhóm sinh viên Công nghệ thông tin đã mang đến đề tài “Xây dựng hệ thống quản lý và chăm sóc tự động cho cây trồng”. Với mong muốn cung cấp các giải pháp thử nghiệm cho việc ứng dụng công nghệ vào canh tác nông nghiệp tại Việt Nam, sinh viên đã xây dựng một hệ thống kết hợp các giải pháp IoT và AI vào mô hình canh tác khí canh để xây dựng một hệ thống quản lý và chăm sóc cây trồng canh tác từ xa và đem lại hiệu quả.
Sinh viên khoa Công nghệ thông tin tự tin giới thiệu sản phẩm "Smart Farm" với cô Hiệu trưởng TS. Nguyễn Thị Anh Đào
Năm nay cơ cấu giải thưởng cuộc thi được thay đổi, chia thành 5 nhóm ứng với mức độ phát triển của các đề tài. Các nhóm giải thưởng được phân loại dựa trên các “thước đo” đánh giá: Ý tưởng khoa học, Bài báo khoa học, Sản phẩm ứng dụng/dịch vụ, Bài báo khoa học và Giải pháp hữu ích, Bài báo khoa học và Bảo hộ trí tuệ, Đề án/ý tưởng khởi nghiệp, Sản phẩm khởi nghiệp, Phương án kinh doanh, Chứng nhận Sở hữu trí tuệ.