Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009: Có thể bỏ thi cao đẳng

Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các trường cao đẳng (CĐ) cho biết năm 2009, Bộ chủ trương tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh, mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi đại học (ĐH) của TS theo đề thi chung của Bộ, có cùng khối thi. Hiện Bộ đang xin ý kiến của các trường về chủ trương này.

Chỉ còn 2 đợt thi ĐH

Công văn cho biết, năm 2008, đã có gần 100 trường CĐ không tổ chức thi, mà sử dụng kết quả thi ĐH-CĐ theo đề thi chung của Bộ để xét tuyển. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội và nâng cao chất lượng tuyển chọn vào các trường CĐ, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009, Bộ chủ trương chỉ tổ chức 2 đợt thi ĐH như sau: đợt 1: ngày 4 và 5, thi khối A, V; đợt 2: ngày 9 và 10 thi khối B, C, D và các khối năng khiếu. Tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh, mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH của thí sinh (TS) theo đề thi chung của Bộ, có cùng khối thi. Riêng các trường CĐ thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật và các trường CĐ có đào tạo năng khiếu nghệ thuật, được sử dụng kết quả thi ĐH cùng khối thi để xét tuyển (các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT và các môn năng khiếu, nghệ thuật theo đề thi riêng của các trường ĐH) hoặc chỉ sử dụng kết quả thi ĐH các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT và chỉ thi tuyển các môn năng khiếu.

Sẽ giảm TS ảo, bớt tốn kém

Thực tế những năm vừa qua cho thấy, càng ngày càng có nhiều trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh mà chỉ dùng kết quả thi ĐH để xét tuyển bởi các trường nhận thấy việc tổ chức thi tuyển không mấy hiệu quả. Số lượng TS đăng ký dự thi CĐ có lượng TS ảo rất lớn. Điều này đã gây khó khăn cho các trường trong công tác xét tuyển. Năm vừa qua, có một số trường, có số lượng TS đăng ký dự thi đông đã xét tuyển với mức điểm rất cao nhưng rồi TS không đến dự thi vì hầu hết những TS này đều đã trúng tuyển ĐH. Điều đó đặt các trường vào tình thế không tuyển đủ TS mặc dù nguồn tuyển có vẻ rất dồi dào. Việc không tổ chức đợt thi CĐ sẽ còn một lợi ích khác khá quan trọng là sẽ phân luồng TS ngay từ đầu. Khi TS đã không đủ sức thi ĐH-CĐ, thì có thể tham gia ngay vào việc xét tuyển bậc TCCN hoặc trường nghề.

Có ảnh hưởng đến quyền lợi của TS?

Việc không thi CĐ, về lý thuyết TS muốn thi CĐ sẽ buộc phải tham gia kỳ thi ĐH. Và như vậy, TS sẽ phải đến các trường ĐH ở thành phố để dự thi. Sẽ có lo ngại rằng: nếu như thế thì liệu có bớt tốn kém cho TS hay không? Như đã phân tích ở trên, con số TS đăng ký dự thi CĐ có số lượng ảo rất lớn. Chính vì thế, có thể dự báo rằng, việc bỏ bớt một kỳ thi CĐ, lượng TS dự thi ĐH vẫn không thay đổi. Vì vậy việc phát sinh tốn kém là rất ít. Hơn nữa, không nhất thiết TS phải đến thành phố dự thi vì ở hầu hết các địa phương đều đã có trường ĐH. TS có thể tham dự ở ngay tại trường ĐH đóng trên địa phương của mình. Tuy nhiên, một vấn đề cần được cân nhắc là liệu khi bớt đi một kỳ thi, có ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của TS hay không? Khi chỉ còn 2 đợt thi ĐH, TS sẽ chỉ còn 6 cơ hội lựa chọn thay vì thêm 2 cơ hội vào CĐ như năm 2008. Nếu tham dự cả hai đợt thi, mà không trúng tuyển nguyện vọng 1, TS sẽ được cấp mỗi đợt 2 giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển đợt 2, 3 vào các trường ĐH-CĐ. Nếu tham dự một đợt thi mà không trúng tuyển, TS chỉ còn 2 cơ hội xét tuyển đợt 2, 3 vào các trường ĐH, CĐ khác. Tuy nhiên, một lợi thế cho TS là lúc này tất cả các trường CĐ đều tổ chức xét tuyển nên cơ hội sẽ rộng mở hơn cho những TS chưa trúng tuyển.

Dù sao đây cũng là một vấn đề cần được tham gia lấy ý kiến từ phía các nhà chuyên môn và cần có sự phân tích khoa học từ phía Bộ GD-ĐT để tránh gây tâm lý lo lắng cho xã hội.

Vũ Thơ
Qttin
(Theo Thanh Nien Online)