Viện Nghiên cứu và đào tạo kỹ năng mềm Young Lion Đại học Đông Á chính thức khởi động chương trình tầm soát và chăm sóc sức khoẻ tinh thần trong sinh viên và giảng viên toàn trường Đại học Đông Á.
Chương trình được tổ chức xuyên suốt trong tháng 10/2024 bên cạnh các hoạt động thường xuyên tại phòng Tham vấn tâm lí nhà trường. Theo đó, các bàn tư vấn do các bác sĩ, chuyên gia tâm lí trực tiếp tham gia sẽ được đặt thêm tại tiền sảnh để hỗ trợ nhận diện tiến tới phối hợp can thiệp sớm sau tầm soát cho sinh viên, giảng viên.
Tại chương trình “Nhận diện và chăm sóc sức khoẻ tinh thần trong trường học” nhân kỷ niệm ngày sức khoẻ tâm thần thế giới 10/10, chuyên đề “Hẹn hò với hạnh phúc” là cách gần gũi và dễ hiểu để TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – chuyên gia tâm lý chuyển tải các nội dung về chăm sóc sức khoẻ tinh thần trong trường học. Thông qua các thang đánh giá lo âu, diễn giả cũng giúp các bạn sinh viên có mặt tại chương trình trực tiếp tự nhận diện các dấu hiệu và mức độ của mệt mỏi tinh thần, qua đó tiếp cận với các nhóm liệu pháp tự phục hồi đa dạng.
Tiếp nối chuyên đề là phần đối thoại đầy cởi mở giữa sinh viên với các chuyên gia và khách mời về nhận diện và chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Dẫn dắt bằng chính những “ca” đã điều trị thành công của bác sĩ tâm thần, bằng chính câu chuyện trải nghiệm sau khi trải qua và vượt lên của “nhân vật”, diễn đàn đã giúp sinh viên được “giải mã” các vấn đề về sức khoẻ tinh thần mà các bạn trẻ thường ngại nói, nhất là các áp lực đồng trang lứa thường gặp và tìm được “liệu pháp chữa lành” tích cực cho bản thân.
Phát biểu tại chương trình, thầy thuốc nhân dân, BS.CKII. Lâm Tứ Trung – Phó Chủ tịch Hội tâm lí trị liệu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm tham vấn và chăm sóc sức khoẻ tinh thần Đại học Đông Á nhận định: “Nhìn chung, giới trẻ hiện nay thường đối mặt với rất nhiều áp lực đến từ việc học tập, kỳ vọng của gia đình, những vấn đề về kinh tế, sức khỏe, những tác động của mạng xã hội, bạo lực học đường… có xu hướng tăng cao và phức tạp. Chỉ xét riêng về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần và sự phát triển toàn diện của vị thành niên do UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố, thì có khoảng 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đây vừa là nguyên nhân, vừa là biểu hiện, đồng thời là hệ quả của những áp lực mà học sinh đang gánh chịu.
Có nhiều nguyên nhân khiến không ít các bạn trẻ ngại nói về sức khoẻ tâm thần. Đó có thể do nhận thức của giới trẻ về sức khoẻ tâm thần chưa đúng đắn, ngại phải đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng… Hơn nữa, tâm lý chung của người trẻ thường cho rằng mình ổn và có thể tự “chữa lành” những thương tổn về tâm lý. Chưa kể, có một bộ phận chưa chấp nhận mình có các triệu chứng rối loạn tâm lý, hoặc ngại và sợ cái nhìn từ xung quanh về chuyện thăm khám, điều trị các rối nhiễu tâm lý.”