36 năm sự kiện Gạc Ma: Gieo hạt giống tình yêu và trách nhiệm

TP - Với cô và trò trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma đã trở thành biểu tượng giúp các bạn trẻ hun đúc từ lòng biết ơn để nỗ lực hơn trong học tập, sẵn sàng dấn thân và cống hiến.

Nhiều năm qua, mỗi dịp tưởng niệm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988) không thể thiếu cô Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng trường ĐH Đông Á. Với những lời thăm hỏi động viên, những suất quà sẻ chia với gia đình thân nhân của 10 liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam. Năm thì tổ chức ở đình làng, năm thì bên vịnh biển…

Nhưng xúc động nhất là “Vòng tròn bất tử” tại cuộc hội ngộ giữa cựu binh Dương Văn Dũng (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) với 6 đồng đội từng sát cánh bên nhau ở Gạc Ma lịch sử. Sau sự kiện 14/3/1988, anh Dũng bị phía Trung Quốc giam giữ 4 năm trời. Anh cũng là cựu binh Gạc Ma cuối cùng tại Đà Nẵng còn sống đến thời điểm đó (2016).

Chiều thứ Bảy ngày 19/11/2016 ấy, anh Dũng bất ngờ được đánh thức trên giường bệnh bởi những gương mặt, vòng tay đồng đội từ mọi miền đất nước tìm về. Một cuộc gặp tràn nụ cười và nước mắt. Anh Dũng hôm đó một lần nữa được mặc bộ đồ Hải quân, đã khóc vì hạnh phúc giữa vòng tay đồng đội và gia đình. Trên tấm phông in hình “Vòng tròn bất tử” là dòng chữ “Dũng Gạc Ma, cố lên”, mọi người có mặt cùng vỗ tay hát những bài hát về Trường Sa. Tất cả đều không cầm được nước mắt.

Cô Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng trường ĐH Đông Á trao quà hỗ trợ cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma

Có được cuộc hội ngộ đặc biệt đó, cánh nhà báo chúng tôi, những người đứng ra tổ chức, không thể quên ơn các đơn vị báo đài, quân đội, doanh nghiệp, trường học đã chung tay tiếp sức cho người lính Gạc Ma quả cảm. Trong đó có sự tiếp sức quan trọng của TS. Nguyễn Thị Anh Đào cùng các sinh viên ĐH Đông Á. Những cái ôm động viên, những suất quà ý nghĩa mà cô Đào tặng anh Dũng cùng các đồng đội, lo đến cả chuyện ăn, nghỉ, tham quan cho những cựu binh Gạc Ma khi về Đà Nẵng. Khoảng 3 tháng sau anh Dũng qua đời. Vợ con anh dù bệnh tật đau đớn nhưng anh rất vui, và yên tâm, bởi biết rằng luôn có đồng đội ở bên mình và gia đình...

“Vòng tròn bất tử” Gạc Ma là hình tượng mang tính giáo dục trách nhiệm cho các bạn trẻ hôm nay, giúp các bạn biết hun đúc từ lòng biết ơn để nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện, sẵn sàng dấn thân và cống hiến”. Cô Anh Đào tâm sự.

Cô Anh Đào cho biết, ngay từ chương trình học tập đầu khóa, trường đã giáo dục lòng biết ơn, trách nhiệm cho sinh viên qua những thước phim, hình ảnh những người ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc. Hành trình ấy còn được nhà trường thực hiện xuyên suốt, bằng các hoạt động như: nhắn tin ủng hộ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa”; quyên góp hơn 100 triệu đồng để ủng hộ lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền Biển Đông; trao tặng 200 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân đang ngày đêm bám ngư trường Hoàng Sa; tham gia triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” và trao tặng Bảo tàng Đà Nẵng bức tranh cát thể hiện bản đồ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa; hỗ trợ gia đình ngư dân gặp nạn trên biển, chia sẻ cùng gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma, thân nhân các tử sĩ Hoàng Sa,…

Năm trước, triển lãm và tuyên truyền biển đảo “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” được tổ chức tại nhà trường. Sinh viên của trường nhiều năm qua cũng đến thăm nom, dọn dẹp nhà cửa, tặng quà và kiểm tra sức khỏe cho các mẹ liệt sĩ Gạc Ma Trường Sa tại Đà Nẵng. Đồng thời thực hiện công trình thanh niên bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa trong khuôn viên trường; tủ sách “Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa”...

Bạn Trần Đình Mệnh Định, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin (ĐH Đông Á) cho hay “Năm nay em sẽ tham dự lễ dâng hương, tri ân 36 năm Gạc Ma để “làm đầy” hành trang giá trị trách nhiệm của thế hệ trẻ. Trước sự hy sinh của các anh, em luôn tự nhủ sẽ cố gắng phấn đấu học tập tốt nhất để sau này có thể đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình cho quê hương, đất nước”.

Theo: Báo Tiền phong

Đại học Đông Á eMagazine khác