Báo Lao động - Tuyển sinh đại học và truyền thông “dèm” ở Miền Trung

Trong vài ngày qua, bên cạnh thông tin thời sự về COVID-19 một chiến dịch truyền thông “dèm” (chê bai, nói xấu) lẫn nhau, trước mùa tuyển sinh, giữa các trường đại học trên địa bàn Miền Trung-Tây Nguyên cũng diễn ra khốc liệt không kém. Mỗi trường đều có lực lượng sinh viên, giáo viên hùng hậu, đủ để tạo ra những diễn đàn trên không gian mạng, chê bai, nói xấu nhau sôi động đến độ gây hỗn loạn trong môi trường học thuật đại học.

Đến nay, gần như mỗi tỉnh khu vực Miền Trung-Tây Nguyên có một trường đại học. Riêng thành phố Đà Nẵng, ngoài Đại học Đà Nẵng, với hệ thống đại học vệ tinh như kinh tế, ngoại ngữ, bách khoa, công nghệ… còn có các trường đại học tư thục khá đình đám như Duy Tân, Đông Á, Kiến trúc…

Các trường đại học ở khu vực Đà Nẵng thu hút rất lớn số lượng học sinh cuối cấp PTTH của các tỉnh miền Trung với hai lý do: Một là chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất hơn hẳn các đại học địa phương; hai là cơ hội tìm được việc làm ở thành phố lớn cao hơn nhiều, so với các nơi khác, đồng thời tấm bằng cũng tỏ ra danh giá hơn.

Một đoạn nội dung dèm pha các trường đại học cùng ngành học, trong lá thư gửi đến giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh các trường PTTH ở Miền Trung (ảnh TL)
Một đoạn nội dung dèm pha các trường đại học cùng ngành học, trong lá thư gửi đến giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh các trường PTTH ở Miền Trung (ảnh TL)

 Tình trạng tuyển sinh ngày trở nên khó khăn hơn khi các trường ra sức mở nhiều ngành học  tương tự nhau, trong đó “hot” nhất vẫn là du lịch, dịch vụ, kiến trúc, tài chính ngân hàng… Có trường còn coi các ngành học này là thu nhập chính. Thêm vào đó cơ chế tự chủ đại học, càng đẩy nhanh tiến trình cạnh tranh thu hút sinh viên giữa các trường đại học trên địa bàn.

Và sự cạnh tranh đó đã làm nảy sinh những chiến dịch truyền thông nặc danh “dèm” nhau để tạo lợi thế thu hút người theo học. Tiếc thay hiện tượng này lôi cuốn hàng vạn sinh viên, kể cả giáo viên vào tranh cãi loạn xạ đến mức gần như trở thành một cuộc chiến.

Cao điểm vài ngày vừa qua, hàng loạt giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, học sinh các trường  PTTH khu vực Miền Trung- Tây Nguyên nhận được lá thư nặc danh dài 4 trang, liệt kê ưu nhược điểm của các đại học trong khu vực có cùng ngành học. Điều đặc biệt của lá thư là chê bai tất cả các trường, duy chỉ giới thiệu một trường đại học mang tên DT như một hiện tượng.

Ví dụ ở trang 1 của thư “dèm” ngành du lịch Đại học KT Đà Nẵng, “mới mở 4,5 năm nay; học phí cao so với các trường khác”; hay đội ngũ giáo viên Đại học ĐA, bị chê là “non về chuyên môn cũng như kinh nghiệm”; rồi đại học KTr là “lập lờ tên gọi”… trong khi duy nhất có đại học DT được giới thiệu như một mô hình giáo dục mẫu, với “Ngành quản trị du lịch… ngoại ngữ” được xếp đầu bảng ở Đà Nẵng; thương hiệu đào tạo lớn nhất nước”…

Trước đó nhiều trang mạng xã hội cũng được dựng lên bởi những kẻ giấu mặt mang danh đại học DT, mở ra những diễn đàn chê bai các trường đại học khác nặng nề, tạo ta sự tranh luận gay gắt giữa sinh viên các trường; thậm chí dẫn đến đe dọa thanh toán, “xử” nhau… gây ra một sự hỗn loạn “vô tiền khoáng hậu” trong môi trường học thuật hiện nay ở Miền Trung.

Về hiện tượng nói trên TS Trương Sĩ Quý, Giáo viên Đại học Đà Nẵng nhận xét: “Nhà trường là nơi hun đúc tài năng và sự chính trực cho thế hệ trẻ. Thầy giáo và Nhà trường không được phép tạo ra cũng như không được cho phép xuất hiện sự dối trá hay ích kỷ nơi đây”.

Ở một thái độ khác, lãnh đạo một trường kêu gọi sinh viên: “Năm nay có lẽ họ đang phải đối mặt khó khăn khi chính sv mình còn không tin tưởng vào mình. Các bạn học sinh THPT hãy lên các diễn đàn của Sinh Viên Đà Nẵng để xem những ... nói gì về ngôi nhà chung của họ, về lãnh đạo nhà trường, về chính sách mà lãnh đạo trường dành cho các bạn sinh viên….”.

Thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan chức năng, trong đó Bộ giáo dục cần sớm có cuộc điều tra nguồn phát tán thông tin “bẩn” gây ra sự xáo trộn trong dư luận giữa các trường đại học tại Đà Nẵng, và miền Miền Trung chung; đồng thời có biện pháp xử lý mạnh tay, để trả lại sự thuần khiết, chính trực cho môi trường học thuật của các trường đại học.