Ngày 14/12, Trường Đại học Đông Á đã phối hợp với Đại học RMIT tổ chức Hội thảo Phát triển nghiệp vụ giảng dạy tiếng Anh. Chương trình hội thảo có sự tham gia đông đủ của giảng viên - cán bộ khoa Ngoại ngữ và Ban chương trình tiếng Anh của ĐH Đông Á, Cao đẳng Công Kỹ Nghệ Đông Á. Diễn giả chính của chương trình ông Joel Swenddal và bà Heather Swenddal - giảng viên của Chương tình tiếng Anh - phụ trách phát triển nghiệp vụ giảng dạy tiếng Anh (ELT- English Language Teaching) của ĐH RMIT.
Mục đích của hội thảo là nhằm tạo điều kiện cho giảng viên của nhà trường và các đồng nghiệp chia sẻ hiểu biết từ kinh nghiệm, trải nghiệm có được trong quá trình giảng dạy; giúp họ có thêm cơ hội cọ xát với các chuyên gia giảng dạy tiếng Anh chuyên nghiệp, hiện đại và chuẩn mực; đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu sử dụng của người học – tạo bước đệm cho hành trình thực hiện mục tiêu sinh viên Đông Á giao tiếp tốt tiếng Anh.
Phương pháp giảng dạy sáng tạo từ kinh nghiệm của đồng nghiệp
Việc dạy và học tiếng Anh sao cho hiệu quả trong toàn trường đã được đặt ra từ rất sớm và đã được các giảng viên trong trường trình bày trong các tham luận ở những hội thảo trước đây. Tại hội thảo lần này, diễn giả cùng với các giảng viên tham gia đã trao đổi và thảo luận đi sâu vào những vấn đề cụ thể như: Việc dạy học viên cách phát âm, Giảng dạy tiếng Anh kết hợp sử dụng máy tính, Xây dựng vốn từ vựng, và Phương pháp học dựa trên nhiệm vụ thực tế.
PGS. TS. Trần Thị Hồng: Hội thảo sẽ mang đến nhiều điều bổ ích và lý thú
Phương châm chính được ĐH Đông Á trong chương trình tiếng Anh toàn trường với tiêu chí ‘dạy cho mục đích thực tế’ , “dạy cho thực hành được ngay”.
Cũng trong nội dung buổi hội thảo, những khó khăn, thách thức và hiệu quả của việc đưa phương pháp mới vào ứng dụng trong giảng dạy tiếng Anh cũng đã được thảo luận. Hội thảo thống nhất, bên cạnh việc áp dụng phương pháp giảng dạy tiếng Anh TESOL, các giảng viên cần thêm tích cực để tiếp cận với những chuẩn mực mới thiên về khơi gợi tính sang tạo, hứng thú của học viên trong việc học tiếng Anh
Các giảng viên trong phần thảo luận và bài tập nhóm
Mục tiêu sinh viên giao tiếp tốt tiếng Anh: Phải Vượt qua những khó khăn
Theo ghi nhận của các diễn giả, mặt bằng chung về ngoại ngữ của hầu hết các sinh viên ở các trường đại học của ta là thấp, các em mất kiến thức căn bản, lại thêm việc thiếu tự tin trong giao tiếp nên có thể nói khó khăn là rất lớn. Các giảng viên phải nỗ lực để cho học viên những trải nghiệm ngày một tốt hơn, tìm ra những cách hiệu quả nhất để hỗ trợ học viên trong việc học tiếng Anh. Cần có thêm nhiều diễn đàn để những người giảng dạy tiếng Anh trao đổi, học hỏi và hỗ trợ cho nhau một cách hiệu quả và toàn diện nhằm giúp sinh viên phát triển sự độc lập và tự tin thể hiện tốt nhất khả năng của mình trong quá trình học.
Ông Joel Swenddal
Ở các bài tập đưa ra trong hội thảo, hầu hết đều theo hình thức làm việc nhóm. Việc đưa vào các trò chơi nhằm giúp học viên thư giãn, thêm gắn kết với nhau để thêm gần gũi, tự tin và hỗ trợ tốt cho nhau là phương pháp tốt để học viên tự tin trong việc học, nhất là giao tiếp bằng tiếng Anh. Việc tổ chức cho các học viên tham gia những đội nhóm, câu lạc bộ tiếng Anh rất quan trọng để học viên có thêm nhiều sân chơi theo phương châm “chơi mà học”.
Trong thời gian qua, việc đưa các trò chơi nhỏ, bài tập nhỏ vào trong những tiết học tiếng Anh đã được các giảng viên của nhà trường chú trọng đầu tư. Bên cạnh đó, câu lạc bộ tiếng Anh là một sân chơi nổi bật thu hút nhiều sinh viên trong trường tham gia và đã giúp nhiều thành viên cải thiện đáng kể kỹ năng ngoại ngữ của mình. Ngoài ra, giao tiếp với người bản ngữ để quen dần với ngữ điệu của họ cũng rất được nhà trường quan tâm. Từ năm 2012, sinh viên ĐH Đông Á đã có 25% tín chỉ tiếng Anh được học với người bản ngữ.
Sinh viên học tốt tiếng Anh: Hành trình cần sự kiên trì
Diễn giả Heather Swenddal: Kiên trì rất quan trọng
“Nhưng tất cả những điều ở trên chỉ là điều kiện cần đối với người dạy tiếng Anh, chưa đủ để đảm bảo học viên học tốt tiếng Anh. Kết quả thu được sẽ là thất bại nếu thiếu sự kiên trì của người học, và tất nhiên, không thể thiếu cả sự kiên trì từ long yêu nghề, yêu học viên của người dạy.” – bà Heather Swenddal nhấn mạnh.
Lòng kiên trì được khởi phát chính từ ý thức và tâm niệm “đầu tư kiến thức để biến đổi cuộc sống” của học viên và sẽ được nuôi dưỡng bởi chính đội ngũ giảng viên tận tâm và yêu nghề của nhà trường.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng khoa Ngoại ngữ: “Các nội dung trao đổi rất thiết thực. Những bài tập nhỏ được diễn giả đưa ra trong hội thảo có tính hấp dẫn và gợi cho người tham gia phải hợp tác theo hình thức nhóm để giải quyết.”
“Đây là dịp tốt để chúng tôi học tập những kinh nghiệm của các diễn giả là những chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giảng dạy tiếng Anh, đồng thời cũng là dịp để chúng tôi chia sẻ những trải nghiệm nghề nghiệp trong quá trình giảng dạy tiếng Anh. Những kinh nghiệm và trải nghiệm ấy đều bổ ích và lý thú. Đồng thời, qua hội thảo, chúng tôi cũng nhận ra cần mạnh dạn đưa thêm những phương pháp mới vào giảng dạy và cần được phát huy hơn nữa tinh thần của người học.” - Thạc sĩ Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
|