Trong 2 ngày 7-8/10 vừa qua, ĐH Đông Á phối hợp với ĐH Slippery Rock (Hoa Kỳ) tổ chức chương trình Hội thảo “Kỹ thuật xây dựng giáo trình và nâng cao năng lực giảng viên” khoa Điều dưỡng.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Mary Ann - trưởng khoa Điều dưỡng ĐH Slippery Rock, cho rằng: Điều dưỡng là một trong những nghề đòi hỏi số lượng lao động lớn không chỉ ở các nước phát triển. Với công nghệ ngày càng hiện đại, tiên tiến, nhiều loại bệnh trước đây không có phương pháp điều trị thì giờ đây đã có thể điều trị được, tuổi thọ trung bình của con người ngày càng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người già tăng,… chính vì vậy, nguồn Điều dưỡng viên luôn thiếu hụt. Mỹ là một trong những nước đang thiếu hụt nguồn nhân lực Điều dưỡng trầm trọng, có đến 100.000 vị trí còn trống, buộc các bệnh viện và các cơ sở y tế ở Mỹ phải bổ sung đội ngũ nhân lực từ nước ngoài.
Học trực tuyến với các giáo sư đầu ngành tại Mỹ
PGS.TS Mary Ann cũng cho biết thêm, tuy nói khan hiếm như thế, nhưng không phải bất cứ ai hoàn thành chương trình đào tạo Điều dưỡng là có thể hành nghề được. “Điều dưỡng được hành nghề” (tức những người đã tốt nghiệp một trường đào tạo Điều dưỡng) phải đăng ký để vượt qua kỳ thi của Hội đồng quốc gia phụ trách cấp giấy phép hành nghề. Không vượt qua kỳ thi thì dù tốt nghiệp ngành Điều dưỡng cũng không được hành nghề.
Đối với Việt Nam - là nước thuộc nhóm đang phát triển, số người cao tuổi cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Do tỷ suất sinh tăng và tỷ suất tử giảm cùng với tuổi thọ tăng, dân số cao tuổi Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số. Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ người cao tuổi so với tổng dân số ở Việt Nam sẽ đạt đến con số 10% vào năm 2017, hay dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017. Giống như việc gia tăng dân số, dân số già hóa cũng gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội.
Đứng trước số lượng người già tăng nhanh trong những thập kỷ qua và còn tiếp tục tăng trong những năm tới, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này đã trở thành nhiêm vụ cấp bách. Để giúp chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đạt hiệu quả tốt, bên cạnh các nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực Y - Sinh học cơ bản thì việc nâng cao và đổi mới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Điều dưỡng phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và bệnh nhân là điều hết sức cấp bách, có ý nghĩa quan trọng.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó khoa Điều dưỡng ĐH Đông Á, trường đang đào tạo Điều dưỡng theo bộ chuẩn năng lực của điều dưỡng Việt Nam được cấu trúc theo khuôn mẫu chung của điều dưỡng khu vực Châu Á Thái Bình Dương và ASEAN để đáp ứng yêu cầu của khu vực và dễ so sánh với chuẩn năng lực điều dưỡng các nước. Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với các chuyên gia Điều dưỡng hàng đầu từ Mỹ, Nhật Bản nhằm cải tiến giáo trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn Điều dưỡng quốc tế với mong muốn giúp sinh viên Điều dưỡng đáp ứng trình độ chuyên môn và tay nghề Điều dưỡng khi gia nhập vào thị trường Điều dưỡng viên tại các nước.
Xác định khâu cốt yếu và bền vững vẫn là việc thường xuyên tự học tập, đào tạo của mỗi giảng viên, hội thảo đã đưa ra bàn luận sôi nổi về danh mục các năng lực giảng dạy của giảng viên bao gồm: Xây dựng giáo trình giảng dạy, kỹ năng quản lý học viên, điều phối hoạt động trong lớp, kỹ năng trình bày, kỹ năng khuyến khích sự tham gia của học viên, kỹ năng lượng giá, đánh giá, công cụ đánh giá, kỹ năng sử dụng các phương tiện đào tào, kỹ năng phối hợp với các bệnh viện, kỹ năng phản hồi,.. nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Điều dưỡng viên sau khi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngành điều dưỡng tại Việt Nam và thế giới.
Ngoài ra, trong buổi hội thảo, các học viên còn được tham gia vào hệ thống đào tạo trực tuyến dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư đầu ngành của Mỹ.
Song hành với chương trình tập huấn là chuỗi hoạt động giao lưu, tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau giữa Việt Nam và Mỹ, qua đó tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết nghề nghiệp trong mối quan hệ toàn cầu hóa và giao thoa văn hóa.
Thông qua các hoạt động tại hội thảo lần này, ngoài việc tập huấn nâng cao kỹ thuật xây dựng giáo trình và năng lực giảng dạy của giảng viên khoa Điều dưỡng, cũng nhằm mục đích rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung theo hướng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo theo lộ trình chung của nhà trường.
Dũng Võ