Ngày 26/11, Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo về “Giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” với sự tham gia diễn thuyết của diễn giả, GS.TS. Hồ Tú Bảo - Giám đốc Viện John Von Neumann tại Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự tham gia báo cáo chuyên đề của các Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ trong và ngoài nhà trường.
Từ lâu, khái niệm về Cách mạng công nghiệp 4.0 đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc ứng dụng cuộc cách mạng này trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học vẫn còn là một thách thức cho các cơ sở giáo dục bởi tính chất phức tạp đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng, phương pháp. Theo đó, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, cũng như các giảng viên, sinh viên thuộc trường Đại học Đông Á .
ThS. Lương Minh Sâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa cho các báo cáo viên
Với chuyên đề “Trao đổi về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời chuyển đổi số”, GS.TS. Hồ Tú Bảo - chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và học máy, đã chỉ ra rằng khái niệm “Cách mạng công nghiệp 4.0” nên được gọi bằng cái tên chính xác là “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Giáo sư khẳng định trong trong thời chuyển đổi số người lao động cần phải có nhiều kỹ năng mới như: kỹ năng quản lý, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng mềm. Và để đào tạo được nguồn nhân lực này đòi hỏi các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học, cần thay đổi mục tiêu, nội dung và cách thức giáo dục, trong đó phải đặc biệt chú trọng đến khả năng tự học và tiếng Anh của sinh viên.
GS.TS Hồ Tú Bảo trình bày chuyên đề “Trao đổi về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời chuyển đổi số”
TS. Nguyễn Phước Minh - Trưởng khoa CNTP - SH của Trường Đại học Đông Á với chuyên đề "Cách thức thực hiện bài báo khoa học và đăng ký xuất bản trên tạp chí quốc tế có chỉ số ISI/Scopus" đi sâu vào mô tả những trở ngại của người nghiên cứu về ngoại ngữ, phương tiện nghiên cứu, thời gian, kinh phí và thể thức thực hiện một bài báo đủ tiêu chuẩn để được đăng trên các tạp chỉ nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới. Theo đó, Tiến sĩ chỉ ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn, trở ngại mà cụ thể là tại Trường Đại học Đông Á, để các giảng viên có thể tiếp cận gần hơn với việc đưa các công trình nghiên cứu của mình ra thế giới.
Báo cáo “Tăng cường thực tế ảo trong giáo dục” của Th.S Đặng Ngọc Huy, một chuyên gia Công nghệ thông tin của FPT Software Đà Nẵng thu hút được sự chú ý của nhiều người bởi tính ứng dụng thực tế của chuyên đề trong môi trường giáo dục. Việc áp dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo vào giáo dục mang lại cho người học cơ hội tiếp cận các mô hình thực tế, nâng cao sự trải nghiệm và thích thú trong học tập. Ngoài ra, tăng cường thực tế ảo còn giúp tiết kiệm được chi phí thông qua việc ảo hóa các mô hình, thiết bị dùng trong việc dạy và học.
Ngoài ra, Hội thảo còn được nghe báo cáo chuyên đề của PGS.TS Nguyễn Văn Nhận - Trưởng khoa KT Điện - Ôtô trường Đại học Đông Á với đề tài “Dạy tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên ngành Ôtô tại trường đại học Đông Á” và chuyên đề “Phong cách lãnh đạo trong quản lý chất lượng” của TS. Nguyễn Anh Quân – Phó trưởng khoa Y, trường Đại học Đông Á.
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp
Sau gần 4 giờ đồng hồ làm việc trên tinh thần khoa học, trao đổi, chia sẻ và cầu thị, Hội thảo “Giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 tại trường Đại học Đông Á năm 2018” đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Nguyễn Thị Quỳnh Như