Chiều ngày 16/03, Đại học Đông Á tổ chức buổi 2 của chuỗi Seminar “AI – ChatGPT trong giáo dục, nghiên cứu khoa học và truyền thông”.
Seminar được diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Đỗ Sính – Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Đặc biệt, chương trình đợt này còn có phần chia sẻ đầy thú vị đến từ diễn giả Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom). Ông tham dự và trao đổi cùng Đại học Đông Á về chuyên đề “Công nghệ và giáo dục, ứng dụng ChatGPT vào giảng dạy, học tập”.
Trước ý kiến về ảnh hưởng của ChatGPT đến nghề giáo, diễn giả cũng bày tỏ: “ Dưới sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, vai trò của người thầy nhanh chóng chuyển từ việc truyền đạt kiến thức sang xây dựng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển cho sinh viên”. Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo sẽ giúp giáo viên truy cập và truyền tải thông tin nội dung dễ dàng hơn, mang lại sự linh hoạt trong giảng dạy cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập cá nhân hóa của học viên.
Tiếp nối diễn giả Hoàng Nam Tiến là những chuyên đề báo cáo đến từ các giảng viên nhà trường về sự tác động của ChatGPT tại Đại học Đông Á và ứng dụng nó như thế nào đối với từng ngành cụ thể.
Theo đó, các báo cáo lần lượt mang đến những kết quả nghiên cứu về sự tác động của Open AI – ChatGPT đến phương thức tiếp cận và đào tạo sinh viên tại Đại học Đông Á trong giai đoạn mới. Riêng nghiên cứu về ứng dụng với ngành Marketing; trưởng ngành cũng đưa ra những định những định hướng nhằm thích ứng với AI – ChatGPT đối với các ngành đào tạo này tại trường.
Các chuyên đề đều khẳng định AI đang là xu hướng công nghệ phát triển nhanh nhất hiện nay. AI đã và tạo ra những thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục sẽ bị tác động mạnh trong vài năm tới. Tuy vậy, các diễn giả và báo cáo viên cũng nhận định rằng việc áp dụng AI cần được định hướng và giám sát chặt chẽ để đảm bảo sử dụng AI-ChatGPT đúng mục đích và an toàn trong học thuật.
Không chỉ tập trung lắng nghe chia sẻ của các diễn giả, giảng viên sinh viên Đại học Đông Á còn tích cực tương tác trong phiên thảo luận. Điều này cũng cho thấy sức hút của ứng dụng công nghệ mới ra đời này là rất lớn.
Trong thời gian tới, Đại học Đông Á vẫn sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu và thảo luận định hướng về công nghệ và giáo dục trong tương lai, trang bị các kỹ năng thích ứng cho giảng viên trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của AI – ChatGPT.