Trong giáo dục, bạn hỏi tôi về một phép tính ngang giá như trong những phép toán mà tôi dạy cho sinh vên ư? Mãi không thể có được, bởi tình thầy trò, nghĩa đậm tình sâu, chỉ có thể nói một câu: Hãy cho đi để nhận lại một tương lai. Trân trọng giới thiệu bài viết của ThS. Lê Thị Thanh Lai - khoa Luật Kinh tế Đại học Đông Á nhân mùa Hiến chương năm nay.
Viết cho mùa tri ân
Tôi chọn cho mình chủ đề “Nghề Giáo - Nghề Duyên Nợ” bởi lẽ theo tôi nếu ko có Nợ và Duyên ắt hẳn có rất nhiều thầy cô giáo, có rất nhiều lãnh đạo ngành và rất nhiều đồng nghiệp của tôi sẽ không đã, đang và luôn đồng hành cùng nhau trong sự nghiệp giáo dục, trong công cuộc “trồng người”. Và hơn thế, nếu không xác định đó là Duyên – Nợ, chúng ta sẽ thật khó đi một quãng đường dài gắn với nghề, sẽ không thể chung tay chèo và cùng nhìn về một hướng.
Duyên của nghề Giáo là khi tôi và nhiều đồng nghiệp khác biết rằng đây không phải là sự lựa chọn tiên quyết của mình. Tốt nghiệp ngành Luật tôi muốn mình sau này sẽ trở thành thẩm phán, tốt nghiệp Kế toán bạn muốn mình sau này sẽ là một Kiểm toán tài năng, tốt nghiệp Hành chính, Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, Bác sĩ….nhiều người đều trả lời: chưa khi nào họ nghĩ rằng mình sẽ đi vào nghề sư phạm, sẽ gắn với bảng đen, sẽ khoác lên mình tà áo dài dịu dàng mà đĩnh đạc. Một sự run rủi, một quyết định thử sức, một trải nghiệm để rồi khi ngoảnh lại, chúng ta đều đã có thâm niên nghề, đều gắn với nghề trong bánh xe đồng hành thời gian: từ thanh xuân đến trung niên, thậm chí đến cả khi tóc bạc hoa râm.
ThS. Lê Thị Thanh Lai (bìa phải) cùng các đồng nghiệp tại khuôn viên trường Đại học Đông Á ngày 20-11
Duyên của nghề giáo là khi mỗi thầy cô đều cảm nhận yêu biết bao những công việc tỉ mẫn, kiên nhẫn và chuẩn mực ấy. Mỗi ngày qua đi, mỗi mùa thi qua, mỗi khóa học ra trường,…tất thảy chúng ta đều bước những bước đồng hành, cùng dạy và hướng các em - những cô cậu sinh viên thành những công dân trưởng thành, có ích cho xã hội như sứ mệnh nhà trường đã đặt ra và chú trọng: “Đầu tư kiến thức, phát triển năng lực cá nhân, chuyên môn nghề nghiệp để tạo dựng con đường thành công và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng xã hội”.
Duyên với nghề là vậy, thật đáng trân quý. Còn Nợ với nghề là gì? Có phải chúng ta đã nghe, đã nhìn thấy đâu đó trong mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân. Nhiều người lướt qua đời nhau, chỉ một người dừng lại; nhiều sự gặp gỡ chỉ có một sự tương phùng. Quả đúng vậy. Nợ trong nghề giáo là khi chúng ta có nhiều sự lựa chọn, nhưng rồi ta lại chọn nghề này; là khi mọi cung bậc cảm xúc hỉ-nộ-ái-ố của một con người, bạn và tôi - những người thầy người cô không thể để mặc nhiên như muôn vàn người khác, nghề khác trong xã hội; là khi chúng ta mang hạnh phúc vào cả trong giấc mơ và mang muộn phiền vào cả trong kỳ nghỉ. Thậm chí thời thanh xuân, thuở mới vào nghề, tôi đã từng thốt lên rằng “Cô giáo thì cũng là người mà” để được một lần an nhiên nắm tay người yêu đi giữa sân trường.
Nợ với nghề là khi những đồng nghiệp của tôi ngồi cùng tôi hôm nay luôn biết rằng mọi cái khi cho đi còn lớn hơn rất nhiều những gì ta nhận lại. Trong giáo dục, bạn hỏi tôi về một phép tính ngang giá như trong những phép toán mà tôi dạy cho sinh vên ư? Mãi không thể có được, bởi tình thầy trò, nghĩa đậm tình sâu, chỉ có thể nói một câu: Hãy cho đi để nhận lại một tương lai.
Tôi nhớ câu nói của một cô giáo dạy môn Tâm lý học khi tôi còn ngồi trên giảng đường đại học: Bạn có thể phụ mình, người yêu có thể phụ mình, thậm chí chồng (vợ) có thể phụ mình, nhưng tuyệt nhiên nghề không phụ mình, chỉ có mình phụ nghề. Và câu nói ấy giờ đây là hành trang trong túi kiến thức cẩm nang tư vấn sinh viên của tôi khi tôi “định hướng nghề” cho các em.
Cuối cùng, tôi xin được mượn lời bài hát “Nếu em được lựa chọn” để khẳng định với chính mình và để tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam: “Nếu bây giờ được lựa chọn một lần nữa, thì chắc có lẽ vẫn chọn nghề như ngày xưa”.
Cảm ơn cảm xúc trong nghề đã cho tôi có cơ hội đứng trên bục trong ngày hôm nay.
Bài viết của ThS. Lê Thị Thanh Lai - Khoa Luật Kinh tế Đại học Đông Á