Hội thảo quốc tế “Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”

Ngày 24/10, phiên khai mạc hội thảo khoa học quốc tế “Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045” đã chính thức diễn ra tại Đại học Đông Á.

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và trường Đại học Đông Á, diễn ra liên tục trong 2 ngày 24 và 25/10.

Đây cũng là hội thảo quốc tế lần thứ 40 được Đại học Đông Á phối hợp tổ chức cùng các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức, nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND Thành phố Đà Nẵng, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, đại diện các cơ quan quản lí của Việt Nam và Nhật Bản, cùng gần 200 các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu,… ở Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu khai mạc, GS. Tetsuya Watanabe - Chủ tịch ERIA cho biết: Trong 2 năm thực hiện công trình nghiên cứu “Việt Nam 2045 - các vấn đề và thách thức đối với phát triển” bằng cách tiếp cận tổng thể, công trình nghiên cứu đưa ra khuyến nghị chính sách để Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. "Chúng tôi hy vọng, sẽ giúp Việt Nam lựa chọn mô hình tốt nhất để phát triển nhằm đạt được mục tiêu này. Đồng thời, mong muốn hợp tác với các trường đại học ở miền Trung Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao" - GS. Tetsuya Watanabe nói.

Trong phiên đầu tiên của hội thảo sáng nay, nội dung tập trung vào mô hình, đường hướng phát triển của Việt Nam sau 40 năm đổi mới.

Theo TS. Võ Trí Thành - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể như chuyển đổi từ một quốc gia nghèo thành quốc gia có thu nhập trung bình và trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn cao, và đất nước cũng đã chịu những hậu quả về môi trường do sự tăng trưởng của mình.

“Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, nên bây giờ để đảm bảo thành công mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045, cần phải rút ra bài học từ những kinh nghiệm trong quá khứ, nhấn mạnh vào quyết tâm chính trị, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.

Các hành động chính sách quan trọng bao gồm tăng cường năng lực công, cải thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tái cơ cấu, nâng cao phát triển nguồn nhân lực và củng cố Hệ thống Đổi mới Quốc gia để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đạt được các mục tiêu phát triển” - TS. Võ Trí Thành phát biểu.

Về các vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng - chính sách để tránh bẫy thu nhập trung bình, GS. Trần Văn Thọ (Giáo sư danh dự Đại học Waseda Nhật Bản) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang tăng trưởng dựa trên năng suất nhân tố tổng hợp và vai trò của cải cách thể chế trong việc duy trì tăng trưởng.

GS. Trần Văn Thọ nói: “Đổi mới sáng tạo chúng ta nói nhiều nhưng con số cụ thể thì còn rất yếu, rất mỏng. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được tăng trưởng dài hạn, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cải thiện thị trường yếu tố sản xuất, nâng cao giáo dục và đào tạo, cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Chuyển dịch cơ cấu là vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay”.

Đề cập nội dung làn sóng mới của chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo như là động lực cho Việt Nam, ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đặt trọng tâm vào đổi mới và chuyển đổi số. Sự phát triển của nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập, với mục tiêu cuối cùng là đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045.

Nghị quyết của chính phủ về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư năm 2019 đặt tầm nhìn cho Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu về sản xuất thông minh và đổi mới tại châu Á vào năm 2045. “Để đạt được nền kinh tế số, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức, bao gồm cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, ban hành các luật cơ bản để hỗ trợ chuyển đổi số, và phát triển nguồn nhân lực am hiểu công nghệ số” - ông Nguyễn Ánh Dương phát biểu.

TS. Đinh Thị Hiền Lương (Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam) thảo luận về chính sách tự chủ và thích ứng chiến lược để phát triển của Việt Nam trong thời kỳ mới. Từ đó, đưa ra ứng phó của Việt Nam để làm sao giữ đà tăng trưởng, tham gia các sân chơi lớn... để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng.

Ông Lương Minh Sâm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đông Á cho biết, hội thảo là diễn đàn để các học giả, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà quản lý đến từ các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và Nhật Bản thảo luận kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh đương đại; đồng thời đưa ra các khuyến nghị về chính sách nhằm đạt được mục tiêu của Việt Nam hướng đến nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.