Ô nhiễm môi trường, chất lượng của hệ thống thoát nước vệ sinh môi trường, các dự án đã công bố chậm triển khai gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, hỗ trợ tàu nằm bờ của ngư dân tiếp tục ra khơi... là những vấn đề trọng tâm trong phiên chất vấn sáng 8-7.
Ngư dân không dễ gì bỏ biển
Ngư dân vẫn hoạt động bình thường nhằm đảm bảo đời sống cũng như tham gia bảo về chủ quyền vùng biển của Việt Nam và phản đối tàu nước ngoài ngăn chặn tàu Việt Nam hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Các lực lượng chức năng cần đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển, giữ liên lạc và hỗ trợ ngư dân gặp nạn kịp thời. Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Bùi Văn Tiếng (Thanh Khê) vì sao sản lượng khai thác hải sản 6 tháng đầu năm đạt khá nhưng một số tàu của quận Thanh Khê, Sơn Trà nằm bờ ngay chính vụ, có phải vì lệnh cấm phi lý của Trung Quốc hay không; ông Trần Văn Hào, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn khẳng định: Những thông tin trên một số tờ báo trước đó về số lượng 80% tàu của ngư dân Đà Nẵng nằm bờ vì lệnh cấm đánh bắt hải sản của Trung Quốc là không chính xác, không có cơ sở.
Ông Hào nhấn mạnh, ngư dân không dễ gì bỏ biển thuộc chủ quyền của mình. Lệnh cấm của Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác của ngư dân ta. Nguyên nhân chính tàu nằm bờ là hiệu quả kinh tế thấp. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm, các đơn vị thu mua chế biến hải sản khó tìm đầu ra cho sản phẩm dẫn đến giá thu mua nguyên liệu giảm. Trong khi đó, ngư dân phải tăng chi phí mỗi chuyến đi biển do giá xăng dầu tăng liên tục. Chính sách hỗ trợ dầu cho ngư dân (theo Quyết định 289 của Chính phủ) chỉ thực hiện trong năm 2008. Mặt khác, còn do thiếu lao động đi biển, nguồn tại chỗ chỉ đáp ứng 20%. Ông Hào cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ, đào tạo nguồn lao động biển.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh chất vấn: Một số ngư dân quen đánh bắt gần bờ nay nếu được vay vốn có đi xa bờ được không, có khả năng trả được vốn không? Giải quyết vấn đề này như thế nào? Ông Hào trả lời: Đào tạo thuyền viên chính quy, lao động cho nghề biển rất khó khăn, trong khi Bộ NN&PTNT không đồng ý cho mở Trung tâm đào tạo lao động biển tại miền Trung. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Anh Đào (Thanh Khê) đề nghị thành phố phải xây chương trình hành động phát triển kinh tế biển một cách mạnh mẽ, đề nghị Chính phủ cho mở trường đào tạo nhân lực nghề biển, đầu tư đóng tàu, cơ sở chế biến hải sản một cách đồng bộ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn liên quan đến chính sách hỗ trợ ngư dân trong gói kích cầu của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết: Năm 2009, ngư dân không được hỗ trợ tiền dầu nhưng được vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn từ gói kích cầu của Chính phủ. Thành phố cũng đã rót vốn hỗ trợ ngư dân 3,6 tỉ đồng để đóng mới, mua ngư lưới cụ, hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên, nhưng đến nay, chưa thấy các quận báo cáo đã thực hiện đến đâu.
Nước thải ô nhiễm vẫn đổ ra biển
Các chất vấn đối với Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đều liên quan đến vấn đề xử lý các điểm nóng môi trường mà sở này cứ... hứa mãi tại các khu công nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu, đốt rác y tế gây khói và mùi hôi ở bãi rác Khánh Sơn, ô nhiễm do xe vận chuyển đất đá tại mỏ đá Phước Thuận. Đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn (Thanh Khê) nhắc lại: Trong kỳ họp trước, Sở TN-MT đã hứa giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường về nước thải trong quý IV/2008 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Cụ thể là các điểm: miệng cống đổ nước thải ra biển Mỹ Khê, sông Phú Lộc, khu vực Đảo Xanh. Ngày 30-6-2009, UBND thành phố đã họp giải quyết các điểm nóng môi trường. ĐB đề nghị cho biết là giải quyết bao lâu, bao giờ xong?
Giám đốc Sở TN-MT, ông Nguyễn Điểu cho biết đã có biện pháp xử lý cải tạo miệng cống đổ nước thải sau khi xử lý ra biển Mỹ Khê và giảm được mùi hôi. Tuy nhiên, đại biểu Ngô Văn Dũng khẳng định, nhiều cử tri phản ánh cứ mưa xuống là miệng cống đổ ra biển Mỹ Khê vẫn còn bốc mùi hôi. Về nguyên nhân gây ô nhiễm ở khu vực Đảo Xanh, ông Điểu cho hay là do nước thải của 20 nhà hàng đổ ra và khu dân cư đổ trực tiếp vào hồ. Sở TN-MT đang hoàn thành hồ sơ thiết kế tuyến cống thu gom nước thải khu vực này về trạm xử lý chung và sẽ thi công trong tháng 8 này.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn truy tiếp: Sông Phú Lộc gần trạm xử lý nước thải trên đường Nguyễn Tất Thành sao vẫn để nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông? Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh cũng đồng tình: Nguyên tắc xử lý là không được đổ trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra biển. Ông Điểu thừa nhận sông Phú Lộc bị ô nhiễm rất nặng. Tuy nhiên, xử lý nước thải của thành phố chưa hoàn thiện, hiện chỉ có thể dùng chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi mà thôi. Để xử lý căn bản ô nhiễm sông Phú Lộc còn phải chờ triển khai dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên (vốn Ngân hàng Thế giới) mới cải tạo được môi trường.
Nói về chất lượng lò đốt rác thải y tế tại bãi rác Khánh Sơn, ông Điểu khẳng định: Đưa vào sử dụng lò đốt thứ hai có công suất 200 khối/giờ thiêu hủy rác ở nhiệt độ 1.400ºC thì không có khói màu đen và không hôi, không ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đại biểu Dương Thành Thị (Liên Chiểu) vẫn khẳng định, cử tri phản ánh lò đốt này vẫn xả khói hôi và đề nghị Sở TN-MT kiểm tra lại xem có thiêu hủy rác đúng qui trình, đúng nhiệt độ thiết kế hay không.
Trong phần trả lời chất vấn của mình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương thừa nhận hệ thống xử lý nước thải thuộc dự án thoát nước vệ sinh môi trường (vốn Ngân hàng Thế giới) đã đưa vào sử dụng nhưng có vấn đề trục trặc và đến nay vẫn chưa bàn giao được. UBND thành phố nhận khuyết điểm về chưa xử lý tốt nước thải và sẽ soát xét vấn đề kỹ thuật của dự án này để có giải pháp xử lý, hoàn thiện.
Quý 1-2010 sẽ triển khai dự án Khu đô thị Thủy Tú
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Nga (Hòa Vang), ông Võ Duy Khương cho biết Khu đô thị Thủy Tú (công bố qui hoạch từ tháng 4-2004) sẽ triển khai trong quý I/2010. Trước đây thành phố giao cho công ty FBS làm chủ đầu tư nhưng đơn vị này không đủ năng lực. Dự án đã được điều chỉnh quy hoạch vào tháng 1-2008 và giao cho công ty Cổ phần Phương Nam làm chủ đầu tư. Ông Khương cho biết, việc thu hồi đất để xây dựng Thủy điện sông Nam - sông Bắc sẽ không ảnh hưởng đến đất sản xuất của đồng bào Cơtu. Thủy điện này cũng sẽ tạo một nguồn nước sạch phục vụ cho thành phố.
Về nguy cơ Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 gây ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng, ông Khương cho biết UBND thành phố đã cử lãnh đạo Sở NN&PTNT tham gia tổ công tác của Bộ Công-Thương kiểm tra đánh giá tác động của công trình này và sẽ có báo cáo về kết quả với cử tri.
Sơn Trung-Mỹ Hạnh (Theo báo Đà Nẵng)