18 giờ 30 ngày 17-9, chương trình giao lưu với ca sĩ Cao Minh mới bắt đầu nhưng trước đó hơn nửa tiếng, gần 1.000 chỗ ngồi tại hội Trường ĐH Đông Á đã chật kín. Tất cả đều háo hức mong chờ giây phút người nghệ sĩ này bắt đầu câu chuyện bằng những trải nghiệm trong cuộc đời âm nhạc của ông.
Nghệ sĩ Cao Minh cùng lãnh đạo Trường ĐH Đông Á trong đêm giao lưu. Ảnh: BÌNH AN
Cao Minh mở đầu chương trình bằng cách kể lại mối tình đơn phương thời trai trẻ và cách so sánh đầy hóm hỉnh giữa mình và nhà thơ Đỗ Trung Quân. Ca khúc Phượng hồng vang lên đầy ngẫu nhiên làm cả hội trường lắng đọng. Ông tự nhận mình không hát hay, nhưng “nếu các bạn chịu khó thả hồn mình vào ca từ, bài hát sẽ hát hay thôi. Giọng hát không đẹp, chỉ có linh hồn đẹp, tâm hồn đẹp thôi”.
Ca sĩ Cao Minh - diễn viên trong phim Đại gia đình (vai nhạc sĩ Đoàn Gia Phụng) - chia sẻ:
- Người ta thường chia ra các dòng nhạc như: nhạc đỏ, nhạc vàng, dân ca, trữ tình hay nhạc trẻ… Tất cả những khái niệm đó không nằm trong người tôi. Tôi chỉ biết đó là âm nhạc. Tôi không chia ra dòng nhạc cụ thể nào. Đối với tôi, âm nhạc là đạo, lao động là tu tâm.
Với âm nhạc thì nó mông lung lắm. Nó như linh hồn. Nhưng người cảm nhận linh hồn như thế nào là đúng, như thế nào là sai. Âm nhạc có tác động rất mạnh đến con người trong cuộc sống hằng ngày như thế.
Tôi nhận thấy âm nhạc hiện nay giống như những thức ăn, như đồ dùng - đó là một công nghệ. Riêng nhạc trẻ có thể xem như một món hàng ưa thích của tuổi trẻ mà ở đó không có tuổi lớn. Nó như là một trào lưu xã hội.
* Sáng tác theo trào lưu có thể đáp ứng kịp thời thị hiếu của một lượng khán giả, nhưng thường không bền. Liệu nhạc trẻ Việt có đang rơi vào tình trạng này không?
- Có thể xem nhạc trẻ hiện nay có hai thái cực: một cực trừ và một cực cộng. Nếu trừ thì xã hội sẽ không xài, nhưng nếu cộng nhiều quá thì xã hội cũng sẽ không xài. Đó là dạng đột biến. Người trẻ hiện nay có cách tiếp cận âm nhạc riêng, không theo kiểu triết lý văn chương như ông bà ta ngày xưa và họ bị mê hoặc bởi âm thanh. Đến một độ tuổi nào đó, họ mới giật mình tự xét rằng ca sĩ đó hát không hay. Mặc dù, trên thực tế ca sĩ đó hát còn hay hơn ngày khởi đầu, nhưng vì thẩm mỹ âm nhạc thay đổi, thời cuộc thay đổi nên suy nghĩ của người trẻ cũng thay đổi.
* Âm nhạc dân tộc và sự ứng xử của giới trẻ ngày nay luôn là vấn đề nóng đối với việc bảo tồn các giá trị âm nhạc truyền thống. Ông suy nghĩ như thế nào về việc giới trẻ ngày nay đang ngày một xa rời dòng nhạc này?
- Trước hết cần nói là không chỉ có người trẻ mà ngay cả người lớn cũng vậy. Đây là một hiện tượng rất đáng báo động hiện nay, nhất là khi nền kinh tế - văn hóa nước ta đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Ví như tại sao cho đến khi cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù và quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thì chúng ta mới quý. Những di sản văn hóa đó là của ta, là linh hồn của ta mà bình thường thì ta không thấy. Do đó, cả người lớn và người trẻ nên trân trọng âm nhạc dân tộc như quý dòng máu trong tim mình, như hơi thở của mình.
Giới trẻ là đối tượng rất dễ dàng bị tác động và họ luôn thích những gì mới mẻ, thời thượng. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cứ theo cái đà này thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ đánh mất, bị lạc lối. Tôi nghĩ để âm nhạc truyền thống không bị mai một, cần có sự chung tay của toàn xã hội để không còn những trường hợp “đột biến” như trong thời gian qua.
* Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, âm nhạc dân tộc không còn phù hợp với thời đại. Ông có nghĩ rằng chúng ta nên cải biên dòng nhạc truyền thống không?
- Không thể cải biên âm nhạc truyền thống. Nếu cải biên thì chúng ta sẽ phá đi linh hồn tổ tiên đã có từ ngàn đời của mình. Nếu ai không biết thờ cúng tổ tiên người đó sẽ không thành người chân chính, không được xã hội trọng dụng.
* Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm cũng như lời khuyên cho khán giả nói chung, cũng như giới trẻ nói riêng, về cách cảm thụ âm nhạc sao cho đúng đắn để có thể gìn giữ được các giá trị của âm nhạc?
- Không cần cầu kỳ gì cả, muốn cảm nhận được âm nhạc thì hãy để âm nhạc qua một bên mà đọc kỹ từng câu, từng lời của bài hát. Riêng về âm nhạc không lời thì có đa hướng để tưởng tượng. Với một nhạc sĩ có tài, họ sẽ hướng mọi người theo cùng một con đường, nhưng một người nghệ sĩ không tài năng thì không khéo sẽ thành thảm họa. Điều trên hết là ý thức của người nghe.
BÌNH AN thực hiện
Nguồn báo Đà Nẵng