Gắn đào tạo Nông nghiệp với công nghệ cao, tăng ưu thế việc làm sau tốt nghiệp

Tiến sĩ Phan Thu Thảo - Trưởng khoa Thực phẩm, Trường Đại học Đông Á đã dành chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành Nông nghiệp hiện nay, sự ưu việt trong gắn đào tạo Nông nghiệp với công nghệ cao cũng như việc kết nối gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp tại Đại học Đông Á.

Sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao, Trường Đại học Đông Á chăm sóc các giống lan hồ điệp

1. Ngành Nông nghiệp đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thu Thảo, Trưởng khoa Thực phẩm, Trường Đại học Đông Á cho biết, hiện nay, ngành Nông nghiệp thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Các doanh nghiệp yêu cầu đội ngũ nhân sự không chỉ có chuyên môn kỹ thuật mà còn phải sở hữu kỷ luật làm việc và các kỹ năng mềm như sử dụng và quản lý công nghệ, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, thương thảo, giải quyết vấn đề, cùng với tinh thần siêng năng học hỏi. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp đòi hỏi sự bền bỉ và khả năng tìm tòi, sáng tạo, bởi đây là lĩnh vực kết hợp cả lao động trí óc và chân tay.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng rất cần nhân lực am hiểu công nghệ và thông thạo ngoại ngữ để không chỉ làm việc với các công ty trong nước mà còn có thể hợp tác với các tập đoàn quốc tế, xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài và tiếp thu tri thức từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đầu ra của các trường đại học hiện chưa đáp ứng được yêu cầu này, bởi một số kỹ năng thực tế mà doanh nghiệp cần lại chưa được chú trọng trong chương trình đào tạo.

2. Gắn đào tạo Nông nghiệp với công nghệ cao

Chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp của trường đa dạng và toàn diện, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại.

Chương trình không chỉ tập trung vào các kiến thức chuyên môn như trồng trọt, chăn nuôi, quản lý trang trại, mà còn tích hợp các kỹ năng mềm cần thiết. Sinh viên được trang bị kỹ năng làm việc nhóm, tư duy thiết kế ý tưởng, kiến thức về SEO, marketing, và khởi nghiệp. Những nội dung này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ về ngành mà còn nâng cao khả năng sáng tạo và năng lực thích nghi với thị trường.

Về mặt chuyên môn thực tế, sinh viên được đào tạo thông qua các hoạt động thực hành tại các trang trại hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Quá trình học tập này giúp sinh viên nắm vững các bước cơ bản trong sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ cao, tạo nền tảng vững chắc để phát triển sự nghiệp trong ngành Nông nghiệp hiện đại.

Theo cô Thảo, sinh viên ngành Nông nghiệp tại trường bắt đầu hành trình học tập bằng việc nghiên cứu nhu cầu thị trường để xác định các loại nông sản có tiềm năng tiêu thụ, kinh doanh hoặc xuất khẩu. Điều này yêu cầu sinh viên thu thập thông tin từ nhiều nguồn, cả địa phương lẫn các khu vực mục tiêu.

Sau đó, sinh viên sẽ lựa chọn đối tượng sản xuất cụ thể, như nhóm cây trồng hay vật nuôi phù hợp với thị trường. Quá trình này bao gồm phân tích các yếu tố như đặc điểm địa phương, nhu cầu tiêu thụ, và tiềm năng xuất khẩu, nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng qua các môn học về đất đai, dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác, và phòng trừ sâu bệnh, kết hợp với nghiên cứu chuyên sâu thông qua đồ án hoặc đề án. Những học phần này giúp các bạn hiểu rõ kỹ thuật và đặc điểm của cây trồng, vật nuôi đã chọn.

Sau khi học xong lý thuyết, sinh viên tham gia thực tập tại các trang trại hoặc doanh nghiệp nông nghiệp để rèn luyện kỹ năng thực hành và làm việc thực tế. Mỗi kỳ thực tập giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, và chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường lao động.

Bên cạnh các kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi, sinh viên ngành Nông nghiệp còn được học sâu về kỹ thuật bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Điều này giúp sinh viên không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn nâng cao giá trị thông qua các phương pháp chế biến phù hợp.

Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị kiến thức về quản lý trang trại, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Các công nghệ hiện đại như IoT (Internet of Things), hệ thống tưới tiêu tự động, điều khiển nhà lưới và nhà kính tự động được tích hợp vào chương trình học. Nhờ đó, sinh viên có cơ hội làm quen với các công cụ, thiết bị hiện đại để sinh viên đỡ bỡ ngỡ khi đi vào thực tiễn.

3. Mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

Một trong những điểm nổi bật của Trường Đại học Đông Á là chương trình thực tập nghề nghiệp phong phú, được triển khai từ sớm để giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế. Ngay từ năm nhất, sinh viên đã có cơ hội tham gia các đợt kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp. Đến năm hai, năm ba, sinh viên tiếp tục thực tập tại doanh nghiệp. Như vậy, đến năm thứ ba đại học, sinh viên được thực tập ba đợt, cùng hàng chục đợt kiến tập và thực hành thực tế tại các cơ sở sản xuất.

Những trải nghiệm này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về môi trường làm việc mà còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành. Thay vì chỉ dừng lại ở lý thuyết, sinh viên được đào tạo để thành thạo thao tác kỹ thuật thực tế, trau dồi kỹ năng quản lý. Sự kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng thực hành sẽ giúp sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Trường Đại học Đông Á luôn duy trì kết nối và trao đổi chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Hằng năm, nhà trường tổ chức lấy ý kiến từ doanh nghiệp về các nội dung cần cải tiến trong chương trình học, từ đó cập nhật và điều chỉnh kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trong chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp của nhà trường, 1/5 thời lượng học tập được dành cho việc rèn luyện các kỹ năng mềm. Sinh viên được trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết, truyền thông, thiết kế ý tưởng, giải quyết vấn đề, quản lý dự án và khởi nghiệp. Đây là những “hành trang” cần thiết giúp sinh viên sẵn sàng hội nhập và làm việc hiệu quả trong môi trường thực tế.

Ngoài ra, trường cũng đặc biệt chú trọng bồi dưỡng ngoại ngữ cho sinh viên. Sinh viên được rèn luyện để đạt trình độ ngoại ngữ đáp ứng chuẩn đầu ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Trích từ bài viết trên Tạp chí Giáo dục VN: Trường đại học chỉ ra một số tố chất mà người học ngành Nông nghiệp cần có