Học cách suy nghĩ lạc quan trước mọi hoàn cảnh, phấn đấu vượt qua khó khăn…là những điều được cô Kumi Kaise, đến từ tổ chức giáo dục Yamamomo Nhật Bản (Incorporated Educational Institution) chia sẻ với các bạn sinh viên Trường Đại học Đông Á tại buổi Talkshow với chủ đề: “Làm sao để thiết lập mục tiêu và biến ước mơ thành hiện thực” được tổ chức vào sáng 27/3.
Trong không khí cởi mở, sôi nổi tại buổi Talkshow, các bạn sinh viên đến từ các Khoa Du lịch, Quản trị, Sư phạm, Luật được nghe cô Kumi Kaise chia sẻ về khái niệm Mentor. Theo đó, mentor theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là bạn thân nhất, đồng thời là người lãnh đạo giỏi. Theo ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, mentor nghĩa là sự ái mộ, gần gũi. “Mentor là người mà bạn có thể tìm tới khi gặp khó khăn, là người khiến bạn cảm thấy an tâm và hạnh phúc khi chia sẻ, đưa ra những lời khuyên lúc bạn rối trí. 3 điểm quan trọng để trở thành một Mentor chính là: Mentor có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào, Mentor có mục tiêu riêng của mình và tin rằng mọi việc rồi sẽ ổn cả” cô Kumi Kaise chia sẻ.
Cô Kumi Kaise chia sẻ tại Talkshow
Trả lời câu hỏi của cô Kumi Kaise về những tố chất của một người để có thể trở thành mentor? Nhiều bạn sinh viên đã có những chia sẻ rất thú vị về góc nhìn của mình. “Một Mentor là người đáng tin cậy, là người có sự hiểu biết nhất định, không tiết lộ những tâm sự của mình với bất kỳ ai” - Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên Khoa Sư phạm chia sẻ. Trong khi đó, Phạm Ngọc Luân Lý, sinh viên Khoa Du lịch lại cho rằng: Mentor bên cạnh là người đáng tin cậy, còn phải là người biết lắng nghe, cảm thông, biết đồng cảm với những câu chuyện mà chúng ta tâm sự với họ.
Đồng tình với các em sinh viên, cô Kumi Kaise cho rằng: để nâng cao kỹ năng giao tiếp, sự lắng nghe và thấu hiểu là những yếu tố vô cùng quan trọng để trở thành một Mentor. Cô Kumi Kaise cũng khuyến khích các em cẩn phải tự tin trong giao tiếp, vì tự tin giao tiếp sẽ giúp các em tự tin hơn vào bản thân mình, đây là yếu tố quan trọng mà các em sinh viên, nhất là sinh viên khối ngành sư phạm cần phải có.
“Lấy ví dụ như khi ghen tị với người khác, chúng ta chỉ nhìn thấy những điểm tốt của người khác mà không thấy được những điểm tốt của mình vì đơn giản là các em không tự tin vào bản thân mình. Sự tự tin sẽ giúp các em có thể làm được những điều lớn lao hơn và có được sự thuận lợi trong công việc cũng như trong học tập sau này” cô Kumi Kaise nêu quan điểm.
Theo cô Kumi Kaise, một Mentor bên cạnh sự tự tin vào bản thân, cũng phải là người có mục tiêu của riêng mình. Theo đó, mấu chốt của một con người thành công chính là sự cố gắng không ngừng nghỉ để đạt được mục tiêu của mình, theo đuổi khát vọng đến cùng. Lấy những dẫn chứng gần gũi về sự ra đời của smartphone, về những phát minh thú vị trong câu chuyện chú mèo máy Doraemon, cô Kumi Kaise khuyến khích các bạn sinh viên cần xác định được mục tiêu của mình trong tương lai và hết lòng theo đuổi đến cùng vì nó.
“Đối với những suy nghĩ tiêu cực, các bạn cũng đừng quá lo lắng mà hãy cố gắng suy nghĩ lạc quan nhất có thể. Cuộc sống vốn không trải hoa hồng, nên mỗi lần gặp khó khăn phải biết nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan; phải có sự nhìn nhận, đánh giá đúng mực của mọi sự việc, vấn đề. Sự khủng hoảng là cơ hội để phát triển bản thân, cho nên đừng bao giờ từ bỏ” cô Kumi Kaise chia sẻ.
Ngoài ra, để thiết lập được mục tiêu, các bạn sinh viên cần đặt điều ước và mục tiêu thật cao, phải thử thách bản thân với những điều tưởng như không thể, thay vì làm những việc mà bạn có thể làm. Bên cạnh đó, mỗi sinh viên ngay từ bây giờ nên hướng đến ước mơ lớn nhất có thể, đặt mục tiêu ở các lĩnh vực khác nhau và tưởng tượng rằng giấc mơ của bạn có thể khiến bản thân và người khác hạnh phúc thế nào.
“Dù diễn ra trong thời gian không dài, nhưng buổi talkshow thực sự đã mang đến cho em và các bạn có thêm kiến thức và trải nghiệm thú vị. Em nghiệm ra một điều rằng: một khi đã xác định được con đường tương lai thì bằng mọi giá phải đặt chân đi tới vì kế hoạch nếu không triển khai thì mãi mãi vẫn nằm trên giấy” Phạm Ngọc Luân Lý, sinh viên Khoa Du lịch nêu cảm nhận sau buổi talkshow.
Sinh viên Trường ĐH Đông Á nêu câu hỏi cho diễn giả
Được biết, cô Kumi Kaise là người sáng lập chương trình Mentor Aquistiton Program cho giáo viên và cha mẹ từ năm 2006. Cô tham gia giảng dạy cho sinh viên tại nhiều trường đại học tại Nhật Bản như Asahi JTB Culture school (Nagoya), Culture school of Kochi Newspaper (Kochi), Information Centre of Chugoku Newspaper (Hiroshima), đồng thời giảng dạy cho học sinh tiểu học và THCS ở Kochi, Nhật Bản về làm sao để đặt mục tiêu và biến giấc mơ thành hiện thực.
Cô Kaise đã sáng lập chương trình Mentor Aquistiton Program cho giáo viên và cha mẹ Nhật từ năm 2006. Đến nay chương trình đã hoạt động hơn 13 năm và chứng minh hiệu quả trong việc giúp giáo viên và cha mẹ có mối quan hệ tốt hơn, tích cực hơn, hỗ trợ hơn đối với trẻ nhỏ.
Bên cạnh những buổi talkshow chia sẻ kiến thức phục vụ cho ngành nghề chuyên môn, Trường ĐH Đông Á thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc tế ở các khối ngành Sư phạm, Du lịch, Quản trị…Cụ thể, vừa qua Thỏa thuận hợp tác toàn diện về đào tạo và việc làm cho nhân lực ngành Điều dưỡng, Giáo dục mầm non, Quản trị kinh doanh và Du lịch tại Nhật Bản đã được được ký kết giữa ĐH Đông Á và Học viện Junsei (Đại học quốc tế Kibi, Nhật Bản)
Theo đó, Học viện Junsei (Đại học quốc tế Kibi, Nhật Bản) và Đại học Đông Á xúc tiến hợp tác toàn diện trong chương trình đào tạo sinh viên các ngành Điều dưỡng, Giáo dục mầm non, Quản trị kinh doanh và Du lịch theo hình thức 2+2,5 và 2+3 từ năm 2018. Trong đó, SV sẽ dành 2 năm đầu để hoàn thiện trình độ Nhật ngữ tương đương N3 cùng chương trình chính khóa tại ĐH Đông Á. Từ năm 3, SV sẽ sang Nhật học chuyên ngành, thực tập nghề nghiệp và nâng cao năng lực tiếng Nhật trong 2,5 năm (đối với khối ngành Quản trị kinh doanh và Du lịch) hoặc 3 năm (đối với khối ngành Điều dưỡng và Giáo dục mầm non) và nhận bằng Cử nhân do trường ĐH quốc tế Kibi, Nhật cấp.
Cô Kumi Kaise cùng các em sinh viên chụp ảnh lưu niệm
Đặc biệt, tại Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật và Ngày hội việc làm Nhật Bản lần thứ hai tổ chức tại Đại học Đông Á vào ngày 21/3 vừa qua, Đại học quốc tế Kibi cũng tham gia phỏng vấn trực tiếp và tiếp nhận 12 sinh viên của trường ĐH Đông Á sang làm việc ở giai đoạn đầu là internship 1 năm tại Nhật Bản.