20.000 nhân lực trong lĩnh vực Du lịch đang thiếu hụt cùng với thành công từ mô hình đào tạo mang tính đột phá “Nhà trường – Sinh viên – Doanh nghiệp” đã và đang mở ra cơ hội nhận hợp đồng làm việc ngay sau khi kết thúc học kỳ đi làm cho đông đảo sinh viên ngành Du lịch tại Đại học Đông Á.
Nhận ngay hợp đồng làm việc
Ngày đầu tuần 29/7, Sandy Beach Resort thông báo sẽ trao quyết định tuyển dụng cho 4 SV Trịnh Thị Nguyệt (bộ phận Bếp); Nguyễn Trọng Tín (Lễ tân); Trương Thị Hiền Nhi và Trần Nguyệt Đông Ngân (Nhà hàng) khi vừa kết thúc Chương trình học việc (31/7). Đó là tin vui không chỉ riêng cho quá trình nỗ lực đào tạo của tập thể thầy và trò khoa Du lịch mà còn là kết quả tích cực từ định hướng đào tạo thực nghiệm của ĐH Đông Á những năm qua.
Đây là 4 trong số 25 SV ngành Du lịch đang tham gia học kỳ đi làm 2013 tại Sandy Beach đồng ý ký kết hợp đồng lao động, số còn lại chọn học liên thông lên các bậc cao hơn tại trường hay sẵn sàng gia nhập thị trường lao động Du lịch rộng mở tại chuỗi hệ thống resort, khách sạn hiện đại tại Đà Nẵng. Vui mừng trước thông tin này, SV Nguyễn Trọng Tín chia sẻ: “Chuẩn đầu ra cho SV, trong đó có kỹ năng ngoại ngữ là những điều kiện bổ trợ hiệu quả ngoài các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ mà SV được đào tạo theo tiêu chuẩn DN tại trường. Khi tham gia đợt học việc này, hầu hết SV đều tự tin thể hiện khả năng ở vị trí công việc mong muốn.”
Trao quyết định tuyển dụng và chứng nhận cho SV sau học kỳ đi làm
Phát biểu tại buổi tổng kết chương trình thực tập, SV Trần Lê Thụy Vy (thực tập bộ phận Lễ tân) cho biết: “Thực tập đóng vai trò như một điểm khởi đầu rất quan trọng để SV xây dựng sự nghiệp trong tương lai”. Cựu SV Nguyễn Minh Quốc – hiện đang là nhân viên bộ phận Nhà hàng tại Sandy Beach cũng có cùng chung suy nghĩ đó. Quốc cũng là một trong số SV thực tập và được Sandy tuyển dụng ngay sau học kỳ đi làm năm 2012. Quốc chia sẻ, môi trường DN, mà đặc biệt tại Sandy Beach, sẽ giúp SV có thêm nhiều trải nghiệm hay để rèn luyện bản thân và nâng cao kỹ năng đã được đào tạo.
Theo đánh giá của ông Tony Vatthanachai Phiphatthongpant - Tổng quản lý khu nghỉ dưỡng Sandy Beach, chất lượng làm việc vượt trội ngay trong thời gian học việc chính là yếu tố giúp SV “giành điểm” trong mắt các nhà tuyển dụng. Ông cũng bày tỏ sự hài lòng về khả năng cũng như thái độ làm việc của nhóm sinh viên thực tập: “Chúng tôi vui mừng về kết quả hợp tác đào tạo với Trường ĐH Đông Á. Các sinh viên học việc ở đây làm việc rất tốt, các em đã được đào tạo kiến thức, am hiểu kỹ năng và nhiệt huyết đam mê với nghề. Tôi rất vinh dự nếu tuyển dụng những sinh viên này sau học kỳ đi làm. Nếu các em có nguyện vọng, hãy nộp hồ sơ, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển dụng ứng viên của ĐH Đông Á”.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Sandy Beach tuyển dụng SV Đông Á ngay sau học kỳ đi làm, xuất phát từ sự tin cậy đối với chương trình đào tạo và xúc tiến hợp tác thường xuyên với ĐH Đông Á. Trước đó, trong chương trình hợp tác năm 2012, Sandy Beach cũng đã tiếp nhận 7 sinh viên của ĐH Đông Á ngay sau khi kết thúc học kỳ đi làm. Tuy nhiên, 4 sinh viên đã quyết định tiếp tục học liên thông tại trường, 3 sinh viên đồng ý ký hợp đồng và trở thành nhân viên chính thức của resort. Cho đến nay, 3 nhân viên này vẫn được đánh giá rất cao về chuyên môn cũng như lòng tận tâm với nghề.
Hiệu quả từ mô hình đột phá
Tại hội thảo "Nhân lực Du lịch: thực trạng và giải pháp" diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn của du khách với tổng lượt khách du lịch đến TP năm 2012 đạt 2,65 triệu lượt (tăng 12%), trong đó, khách quốc tế tăng 18%. Dự báo đến năm 2015, Đà Nẵng đang thiếu khoảng 20.000 nhân lực làm việc trong các khách sạn và khu nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhu cầu này ngày càng tăng cùng với sự nở rộ của các resort và khu phức hợp cao cấp. Trong khi đó, lượng SV tốt nghiệp mỗi năm từ các địa chỉ đào tạo trên địa bàn chỉ mới đáp ứng được 1/5 nhu cầu. Đáng lưu ý hơn nữa là số lao động có trình độ ngoại ngữ chỉ chiếm 38% trong tổng số lao động du lịch trên toàn TP.
Không đợi đến Hội thảo này các giải pháp căn cơ mới được đưa ra thảo luận như liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo; nhân rộng “Mô hình đào tạo thực nghiệm” tạo điều kiện để sinh viên được cọ xát thực tế; … Ngay từ năm 2010, với tầm nhìn chiến lược mang tính đón đầu xu thế nhân lực, Đại học Đông Á đã mạnh dạn ra mắt mô hình “Nhà trường – Sinh viên – Doanh nghiệp” như một bước đi tất yếu tháo gỡ đầu ra cho nguồn nhân lực được đào tạo tại trường.
Điểm khác biệt của mô hình này xuất phát từ việc xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ với cộng đồng DN tại miền Trung – Tây Nguyên để SV thường xuyên được trải nghiệm, thực nghiệm công việc thực tế tại DN trong suốt thời gian học. SV thì nhận được sự hướng dẫn, đào tạo bài bản như một nhân viên thực thụ từ DN, có thể thích nghi với công việc tại các loại hình DN ngay. Còn DN có quá trình đánh giá trực tiếp chất lượng lao động và “chấm điểm” các ứng viên phù hợp với vị trí công việc, có thể nhận việc ngay mà không tốn thời gian đào tạo lại. Đồng thời, Đại học Đông Á cũng là đơn vị đi đầu trong việc đưa tiếng Anh trở thành ngoại ngữ giao tiếp toàn trường, với mục tiêu đón đầu nhu cầu nhân lực trong xu thế hội nhập quốc tế đa chiều hiện nay.
Ban lãnh đạo ĐH Đông Á và Sandy Beach chia vui cùng nỗ lực và kết quả chương trình học việc của SV
Các hoạt động hợp tác DN được xúc tiến thường xuyên, đặc biệt là lĩnh vực Du lịch như Lễ ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch giữa ĐH Đông Á và Bà Nà Hills, KS Hoàng Anh Gia Lai ĐN và tiếp nhận SV thực tập hưởng lương với Angsana Hotels & Resorts... Thống kê trong năm 2012, Searee, Metro, Sandy Beach, Lotte, … là những đơn vị tiếp nhận học việc và tuyển dụng SV UDA làm việc chính thức nhiều nhất.
Thông thạo kiến thức về phương pháp quản trị, quản lý khách sạn, có kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp đang là những ưu thế giúp ĐH Đông Á “định vị” là địa chỉ uy tín để các doanh nghiệp "săn" SV học việc với mức lương hấp dẫn.
Phi Chương