Trân trọng giới thiệu tản văn – nhân vật “Sự bất lực của ngôn từ” của tác giả Hà Văn Thịnh viết về hành trình mang đầy ước vọng và trăn trở, bản lĩnh cùng những thành công rất đáng trân trọng và truyền cảm hứng với thế hệ trẻ của TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Đại học Đông Á.
…những bước chân mải miết và cắm cúi, đăm chiêu và đầy khát vọng… của cô sinh viên khoá I “hoa khôi”, giảng viên đại học, rồi rời Trường Đại học Tổng hợp Huế, hội nhập vào vùng trời rộng lớn, tiếp tục thực nghiệm nghề nghiệp ở các doanh nghiệp để đi tìm "sự biết", đến “tạo con đường việc làm” ở trong nước và nước ngoài cho sinh viên của Trường Đại học Đông Á, sự khát khao hội nhập vươn xa cho con người ở dải đất miền Trung nắng gió này…
Trân trọng giới thiệu tản văn – nhân vật “Sự bất lực của ngôn từ” của tác giả Hà Văn Thịnh ghi lại hành trình mang đầy ước vọng và trăn trở, bản lĩnh cùng những thành công rất đáng trân trọng và truyền cảm hứng với thế hệ trẻ của TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Đại học Đông Á.

Sự bất lực của ngôn từ
Ước vọng và trăn trở (đảng viên làm kinh tế)
Khi tôi là giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Huế (1978), nay là Trường Đại học Khoa học Huế, thì Nguyễn Thị Anh Đào là sinh viên khóa I, Khoa Sinh, ngành Sinh hóa Vi sinh. Khóa I của bất kỳ trường đại học nào cũng có không ít tài năng. Không ai giải thích nổi vì sao, nhưng đó lại là sự thực.
Chị Anh Đào còn là một trong những hoa khôi của cái khóa I vừa ít vừa nghèo. “Sự đẹp” trong nỗi của cái nghèo là đẹp thực sự, đẹp không cần đến “nhiều son, đậm phấn” như bây giờ. Tôi còn nhớ những bước chân của Anh Đào hối ấy trên sân trường, mải miết và cắm cúi; đăm chiêu và đầy khát vọng.
Khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Huế những năm 1980, không ai không biết chị suốt ngày có mặt ở phòng thí nghiệm. Cuộc đời luôn bắt ta phải “thử” thật nhiều điều trước khi biết rõ thế nào là chân lý (sự thật) mà sự sống cần đến.
***
Như là một định mệnh, sau gần 30 năm, tôi được trường cử vào dạy ở lớp Công tác xã hội, một ngành mới, mà trường chị liên kết với trường tôi đào tạo. Chị là Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng (khóa 2004 - 2011), Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á.
Có lẽ cũng là “định mệnh” khi suốt trên con đường từ Huế vào Đà Nẵng tôi cứ nghĩ mãi về vấn đề “đảng viên làm kinh tế” mà dự thảo Báo cáo chính trị vừa đưa ra cho toàn dân thảo luận, mấy lâu nay báo chí nói rất nhiều: đảng viên tham gia vào guồng máy kinh tế là đúng hay sai? Không giới hạn về quy mô có nghĩa là gì? Và cụ thể là gì?...
Dù trước khi đến tôi đã hỏi, đã biết, nhưng khi gặp chị, tôi vẫn bất ngờ. “Sự biết” luôn ẩn chứa mọi cái bất ngờ. Đó là những điều chưa đủ của hiểu, những điều còn thiếu của đúng, cái mong manh của niềm tin và không ít cái sai của nhìn nhận.
Tôi hỏi như một kẻ lãng du: “Học xong, ở lại trường, trở thành đồng nghiệp của tôi. Đùng một cái chị rời trường sau ba năm công tác (1982 - 1984), vào làm việc ở Nhà máy Bia - Nước ngọt Đà Nẵng. Không ai giải thích nổi vì sao lại thế?”.
Chị cười thật nhẹ: “Hồi ấy, em cảm thấy trường đại học chỉ nặng về lý thuyết, thiếu hẳn thực hành. Nghề của em cần có thực tiễn soi xét, kiểm nghiệm mới có thể làm tốt được”.
Một câu trả lời hàm ẩn nhiều câu hỏi, cho đến tận hôm nay!
Các thầy giáo ở Khoa Sinh cho tôi biết: Anh Đào khi còn là sinh viên, đã đến Nhà máy Bia Sài Gòn, Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Đồ hộp Tương Mai (Nam Hà),... để tìm hiểu thực tế của “sự diễn đạt”: Như thế nào là mức độ chênh giữa lý thuyết và thực hành. “Học đi đôi với hành” là điều Khổng Tử nói cách đây 2.500 năm. Nhưng để “hiểu” đúng nghĩa của từ này, Anh Đào thực sự “học và hành”.
Chị sinh ra ở đất Tam Kỳ (Quảng Nam). Nơi đó, sỏi đá nhiều hơn cả nỗi nhọc nhằn, thắp đèn dầu hỏa mà học. Mọi khó khăn của việc học cũng như rất nhiều đêm thức để cảm nhận được thế nào là “Cảo thơm lần giở trước đèn”, theo như chị nghĩ, không thể nào sánh với nỗi khổ, vất vả của những người dân quanh năm trầm đẫm với gió sương. Đem kiến thức đã học được để ích nước, lợi nhà là bổn phận của kẻ sĩ, trách nhiệm của mỗi con người.
Có lẽ chính vì thế, nên từ khi là giảng viên đại học, rồi rời Trường Đại học Tổng hợp Huế, hội nhập vào vùng trời rộng lớn, tiếp tục thực nghiệm nghề nghiệp ở Nhà máy Bia Sông Hàn tại Đà Nẵng.
Không bao lâu sau, chị rời Nhà máy Bia Sông Hàn trong một duyên và phận khác, cùng với phong cách học và hành chị đã đảm nhận vai trò là phó Giám đốc kinh doanh của Công ty Thực phẩm miền Trung, thuộc Bộ Nội thương (1986 - 1993), và chị đã theo học tại Trường Đại học Ngoại thương để phục vụ cho công việc kinh doanh ở công ty này.
Nhưng điều chị vẫn giữ và đã ấp ủ ước mơ được tự mình thực hiện những điều theo phương thức “học thực nghiệp” bắt đầu từ trường đại học, chị vững tin là đúng, là cần thiết. Chị từ bỏ một vị trí phó Giám đốc kinh doanh ở một công ty nhà nước lớn, nghĩa là rời cơ chế nhà nước trong những năm tháng này là điều mà khó ai có thể làm được.
Chị Anh Đào đứng ra thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh (năm 1993). Suốt tám năm liền, cái nóng bỏng và có phần dữ dội của hương rượu Bàu Đá của đất Bình Định; cái đậm đà thơm ngát đầy quyến rũ của rượu Hồng đào Quảng Nam đã trở thành những sản phẩm gắn liền với tên tuổi của thương hiệu Minh Anh.
Để cho Bàu Đá và Hồng đào “sống” được, là bao nỗi lo toan vất vả, đảm bảo việc làm thường xuyên cho hơn 200 người.
Tôi hỏi chị nghĩ gì về trách nhiệm của một đảng viên, khi làm công việc mà không ít người đang quan niệm là “bóc lột”, Anh Đào nói: “Thầy có công nhận với em không? Hiểu khái niệm bóc lột theo công thức tích luỹ giá trị thặng dư của K. Marx ngày xưa cũng chưa tính hết các yếu tố quản trị, công nghệ mà chỉ thấy sự bóc lột sức lao động. Bây giờ, ngược lại, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đa số là “cổ trắng”, “cổ xám”; người công nhân làm việc có trình độ và có cả một phần trí tuệ nên lao động của họ cũng khác ngày trước. Tiến tới được công bằng phải bắt đầu từ chỗ ít công bằng. Nếu cho rằng những đảng viên có tâm, có trí không thể làm kinh tế; vậy, ai sẽ tạo ra việc làm cho công nhân đây? Không lẽ đảng đứng chờ người bên ngoài hoặc nước ngoài “làm hộ” việc đảng không thể không làm?”
Tôi tin chị nói đúng bởi tôi biết khá rõ những việc chị làm. Trường Đại học Đông Á, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh hiện đang đảm bảo việc làm thường xuyên cho gần 500 con người. Đó là một con số đầy ý nghĩa. Mà những người thầy cũng không hình dung sau khi ra trường, những sinh viên của mình đã đóng góp sức mình vào xã hội lớn như vậy.
Khi tôi hỏi về những khó khăn của một doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn hiện nay, Anh Đào cho biết những chuyện khá bất ngờ. Chị nói, khi anh Lương Minh Sâm chồng chị, tốt nghiệp học viện Quan hệ Quốc tế, rồi được cử đi học tiếp ở Học viện Hành chính Quốc gia Pháp, chị có sang Pháp hai lần (chồng chị hiện nay là Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng).
Chị kể lại chuyện năm 1993, Tổng Bí thư Đỗ Mười có mời chị ra Hà Nội để góp ý về việc đảng viên làm kinh tế. “Vậy mà”, chị nhìn ra phía xa thật xa, qua khung cửa sổ hẹp của căn phòng: “Mười ba năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, bây giờ đất nước ta đã đi những bước dài”.
Chị cho rằng thật tiếc là giai đoạn trước: “Mình đã đi chậm quá. Ước gì đừng để chậm thêm bất cứ phút giây nào. Một giai đoạn quá đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, rồi cổ phần hóa xí nghiệp nhà nước, chấp nhận “cái hại ít nhất”; rồi lăn tăn việc Đảng viên làm kinh tế trong khi chính họ là nội lực đáng kể, một sức mạnh thực sự của đảng trong kinh tế thị trường?”.
***
Cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Huế Nguyễn Thị Anh Đào không nói nhưng tôi biết từ năm 1996 đến nay, chị luôn trợ cấp cho ba bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Điện Nam và Điện Ngọc. Số tiền là không lớn nhưng cái thường xuyên của tấm lòng suốt 10 năm qua, cái trăn trở của con tim là sự lớn lao. Đặc biệt, năm 1996, phong trào “đóng góp vì người nghèo” còn ít lắm. Chị là một trong những người có thể gọi là tiên phong. Không thể kể hết những đóng góp của doanh nghiệp của chị cho các hội từ thiện, giúp đỡ những người nghèo... Tôi còn biết chị đang có dự định về “tạo con đường việc làm” ở trong nước và nước ngoài cho sinh viên của Trường Đại học Đông Á, sự khát khao hội nhập vươn xa cho con người ở dải đất Miền Trung nắng gió này. Như chị đã đi lên vậy!
Tại sao những đảng viên như chị - tôi tin chắc có rất nhiều người như thế - lại không thể vừa làm kinh tế, vừa đóng góp cho đời, vừa làm giàu hợp pháp và hợp lý, vừa góp sức dẫu chỉ là nhỏ bé để làm nên hình ảnh đẹp đẽ của sự đổi mới của một Việt Nam hoàn toàn mới trong cuộc sống hôm nay, cho Đất Nước Ngày Mai?
Sự bất lực của ngôn từ (gần 14 năm sau)
Trong cuộc đời 40 năm đi dạy của mình, chưa bao giờ tôi gặp khó khăn trước bất kỳ đối tượng nào, với bất kỳ chương trình được mời dạy nào... Thậm chí, sinh viên càng đa dạng, kiến thức nền càng cao thì tôi sẽ dạy càng hay hơn, cuốn hút và hấp dẫn hơn...
Thế nhưng, có một người BẠN - mà đứng trước tấm lòng, nhân cách, bản lĩnh cùng năng lực của người đó, tôi luôn cảm thấy mọi ngôn từ đều bất lực!
Đó là TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á, ở Đà Nẵng.
Sự quý trọng của tôi đối với Anh Đào rất tự nhiên: Chị ấy dám bỏ cái “chức” giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Huế để vào Đà Nẵng làm việc trong một nhà máy sản xuất nước ngọt! Với tôi, dám thay đổi (nhất là nữ), luôn là sự ngưỡng mộ vì đó là những người luôn sẵn sàng với thách thức, khó khăn...
Nói là “thầy trò”, nhưng tôi chẳng dạy Anh Đào tiết học nào (chị ấy học ngành Sinh học, tôi dạy ngành Sử). Anh Đào gọi “thầy” theo sự quan tâm của vô thức biểu đạt và, cái chủ yếu là, hai thầy trò quý trọng nhau qua cuộc sống, cống hiến, việc làm...
Cho đến nay, theo tôi biết, ít có trường đại học mà hiệu trưởng là Nữ lại có thể hợp tác thành công với các nước: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức..., để đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập (có lương), cũng như xin tài trợ một lúc cả 12 tỷ đồng học bổng cho sinh viên từ Nhật Bản (mỗi suất học bổng 10.000.000 đồng, cho 12.000 sinh viên); liên kết với hàng trăm doanh nghiệp trong nước để bố trí công ăn, việc làm cho sinh viên khi ra trường... Thực hiện dự án tài trợ cho 250 học viên khuyết tật lên đến hơn 8,26 tỉ đồng với tổ chức USAID để đào tạo công nghệ thông tin cho 250 học viên là người khuyết tật và còn nhiều điều chị chưa kể hết.
Đó là những thành công rất đáng trân trọng với thế hệ trẻ trong những năm tháng khó khăn nhất của nền giáo dục hiện nay. Tôi tin trong tương lai chị sẽ thành công nhiều hơn nữa.
Nếu trường đại học nào cũng làm được những gì như Trường Đại học Đông Á đã làm thì quả thật, đó là “món quà” tốt đẹp nhất mà các thầy cô giáo có thể làm để giúp đỡ sinh viên... Tôi luôn cầu mong sao cho nhiều trường đại học có thể vươn lên với cái TÂM và TẦM nhìn cao quý ấy.
Hôm nay là sinh nhật Nguyễn Thị Anh Đào. Tôi viết vội ít dòng để chúc chị hạnh phúc, thành công hơn nữa!
Chúc mừng Trường Đại học Đông Á đang đổi thay từng ngày, từng giờ một cách mạnh mẽ và, rất đáng để tự hào!
Huế, 13.3.2006 - 08.10.2019
Tập Truyện ngắn và Tản văn - tác giả Hà Văn Thịnh – NXB TT&TT