(Thanh niên) - Ngày 24.3 tại triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” ở ĐH Đông Á, ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng khẳng khái phát biểu: “Có thể nói, giờ đây mỗi người Đà Nẵng lúc nào cũng cháy bỏng khát vọng: Đòi lại Hoàng Sa!. Người Đà Nẵng bao giờ cũng luôn nhắc mình và dạy con cháu: Huyện đảo Hoàng Sa thân yêu đang bị ngoại bang chiếm đóng. Và, còn nhớ tức là chưa mất, chỉ mất khi đã lãng quên. Mà muốn nhớ thì lòng mỗi người Đà Nẵng phải trở thành một Vọng Hải đài luôn đau đáu nhìn về khơi xa”.
SV ĐH Đông Á tìm hiểu tư liệu chủ quyền Hoàng Sa tại triển lãm - Ảnh: P.V
Hàng trăm SV ĐH Đông Á có mặt tại buổi triển lãm đã chăm chú dõi theo như ghi sâu vào tâm can mình từng lời ý nghĩa đó. Giáo dục lòng trách nhiệm trong mỗi SV với Tổ quốc, với cộng đồng đã là kim chỉ nam hành động mang dấu ấn thương hiệu của ĐH Đông Á. Và qua mỗi chương trình như vậy, ngọn lửa yêu biển đảo quê hương, tự hào dân tộc lại sục sôi trong mỗi SV nơi đây.
Trước ngày diễn ra triển lãm, suốt hai tuần liền, các đoàn viên thanh niên ĐH Đông Á đã kỳ công thực hiện, tỉ mỉ từ khâu chọn chất liệu, vẽ mẫu, phối màu cát… bức tranh cát hình bản đồ Việt Nam (kích thước 74x104cm, tỉ lệ 1/9.000) để trao tặng Bảo tàng Đà Nẵng. Không chỉ vậy, các bạn SV cũng thực hiện dòng chữ “Hoàng Sa – chủ quyền của Việt Nam” (kích thước 1,2x7m) được dán từ gần 1.000 bức ảnh màu sưu tầm về Hoàng Sa, Trường Sa và các bài viết về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại sân trường. Mỗi tấm ảnh là tấm lòng của người trẻ ĐH Đông Á gửi gắm niềm tin yêu tới Hoàng Sa, Trường Sa – mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Tham gia trong nhóm làm tranh cát, Huỳnh Thị Thu Trang – SV lớp 13DHKD1A chia sẻ: “Ý tưởng chọn bản đồ Việt Nam để thực hiện tranh cát xuất phát từ tình yêu và tấm lòng hướng về biển đảo thân yêu, đặc biệt là trách nhiệm tuổi trẻ trước chủ quyền đất nước. Việc đảm bảo chính xác tỉ lệ và từng milimet đường biên giới và ranh giới các địa phương trên bản đồ càng làm SV chúng em thêm hiểu ý nghĩa chủ quyền thiêng liêng và yêu từng tấc đất trên quê hương đất nước mình nhiều hơn.”
Cũng mới đây thôi, khi Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, hưởng ứng lời hiệu triệu này, đích thân bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á đã vội mang 2 suất quà trị giá 10 triệu đồng đến văn phòng Báo Lao Động tại Đà Nẵng để ủng hộ. Bà Anh Đào còn trực tiếp đến thăm, tặng quà các gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma, thân nhân các tử sĩ Hoàng Sa. Món quà tuy chưa phải là lớn, nhưng hình ảnh người “tư lệnh” của ĐH Đông Á đi tiên phong đến với hoạt động vì chủ quyền biển đảo đã khiến nhiều người, nhất là các bạn SV như được tiếp thêm ngọn lửa truyền thống yêu nước.
Cũng cách đây không lâu, vào dịp 20.11.2013, sân trường ĐH Đông Á vừa kỷ niệm ngày NGVN vừa rợp cánh tay đưa lên nhắn tin ủng hộ Tấm lưới nghĩa tình cho bà con nghề biển nhằm hỗ trợ bà con bám biển do báo Lao động phát động với mỗi tin nhắn 14.000 đồng, kết quả được 43.150.000 đồng.
Đâu chỉ có vậy, ngôi trường này còn phối hợp cùng USAID (Hoa Kỳ) thực hiện dự án đào tạo CNTT cho học viên khuyết tật để giúp 250 mảnh đời có một nghề nghiệp để tự tin trong cuộc sống. Các học viên này được tài trợ 100% học phí từ 6-9 tháng cho mỗi khóa học, trong đó ĐH Đông Á đóng góp 1/3, tương đương 2,615 tỷ đồng. ĐH Đông Á còn là trường duy nhất trao học bổng toàn phần cho 7 SV là con các gia đình nạn nhân trong bão Chanchu trong suốt năm năm học từ 2006-2011.
Ở ngôi trường này, còn có hẳn một ngân hàng máu sống từ SV, để bất cứ ai bị bệnh hiểm nghèo cần máu thì SV ĐH Đông Á lại kịp thời có mặt để ứng cứu. SV còn sáng tạo ra “Tủ bánh mì SV” để dành những khoản tiền lời nhỏ nhoi (trong khi các bạn vẫn phải ăn cơm bụi) để có được nồi cháo tình thương hằng tuần tại các bệnh viện để giúp đỡ những phận đời kém may mắn hơn.
“Chúng tôi luôn ý thức được rằng: Trường không chỉ đào tạo ra những SV được trang bị kiến thức, kỹ năng mà một phần không thể thiếu là gieo vào các em hạt giống trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng. Bởi tương lai của đất nước không ở đâu xa mà nằm trong tay những bạn trẻ hôm nay” - bà Anh Đào chia sẻ.
Nguồn: Báo Thanh niên