Chuyện học hành tưởng chừng đã “đứt gánh giữa đường” với tấm bằng THCS nếu tháng 11 năm 2002 ấy, anh công nhân kỹ thuật trẻ Trần Thế Tuân không tình cờ đọc được thông tin tuyển sinh từ ĐH Đông Á (mà lúc bấy giờ là trường TCCN CKN Đông Á Đà Nẵng).
Tờ thông báo “để đời”
Nhắc lại ký ức của quãng thời gian 1998-2005, Trần Thế Tuân vẫn “như in” khoảnh khắc đầu tiên bước chân đến ngôi trường Đông Á sau chặng hành trình dài từ công trình Cty Xây lắp 96 Bộ quốc phòng tại Quảng Trị vào Đà Nẵng. Là thí sinh đến nộp hồ sơ và nhập học muộn nhất, lại không được theo đúng ngành như nguyện vọng là KT Xây dựng, nhưng cậu học trò nghèo quê tận Hà Nam vẫn quyết tâm theo học và chọn Kế toán để mở cánh cửa cuộc đời mình. Để rồi không biết từ lúc nào, cái duyên và cái nghiệp Kế toán như đã “vận” vào anh, để anh gắn bó và theo đuổi đến giờ nhưng vẫn không quên “nguyện vọng” học Xây dựng khi đang tiếp tục đề tài nghiên cứu sinh về Kế toán xây dựng cơ bản và nhiều bài báo khoa học về Kinh tế thế giới và thanh toán quốc tế đăng trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Chủ tịch HĐQT đón nhận món quà thơm thảo từ người học trò cũ
“Có những điều tưởng chừng bình thường nhưng không phải người bình thường nào cũng làm được. Điều trân quý nhất ở Tuân chính là với xuất phát điểm không mấy thuận lợi cả về hoàn cảnh và học vấn, nhưng bằng nghị lực vươn lên không ngừng và quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp đến cùng, biết nắm bắt cơ hội ngay từ "tờ thông báo" và những tháng ngày rèn luyện dưới mái trường Đông Á để tự thay đổi chính cuộc đời mình và mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác”.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào
Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á
|
Không những thế, từ những giờ học với thầy cô dưới mái trường này, Tuân còn ấp ủ ước mơ được trở thành giảng viên đứng lớp, để đem cơ hội học tập và phát triển như mình đã từng được thụ hưởng đến với những lớp sinh viên đi sau. Cởi mở khi nói về quá khứ, Tuân cũng vui vẻ kể về “xuất xứ” có phần “yếu thế” nhất của mình trong số hồ sơ đăng ký tiến sĩ đợt này khi phải vừa tự lực mưu sinh vừa theo học để hoàn thành từng bậc, bắt đầu là bậc TCCN năm 2005, Đại học năm 2010 để rồi kiên quyết đi theo con đường học thuật với bằng Thạc sĩ năm 2012. Và rồi, đam mê nghề nghiệp và nỗ lực không ngừng của cậu học trò năm nào đã được bù đắp, hiện ngoài công việc chính là đào tạo và nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Đào tạo Kiểm toán nhà nước (thuộc Kiểm toán Nhà nước), Tuân cũng đã có thâm niên 4 năm giảng dạy tại ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Điện lực.
Trở về…
Trở về trường cũ đúng dịp tân sinh viên khóa 2014 nhập học, cái háo hức của buổi đầu nhập trường ngày nào lại rạo rực trong lòng “tiến sĩ tương lai”. Dường như mới đó thôi là những ngày vừa đi học vừa chạy việc, từ bốc vác ở bến cảng Thuận Phước đến đan vòng hoa nhựa, … để trang trải học phí và sinh hoạt, nhưng Tuân luôn kịp những giờ học chuyên đề. Đi dọc hành lang, sân trường, Tuân như thấy lại mình của năm nào khi bắt gặp những góc quen, những gương mặt đã một thời thân thuộc của thầy cô cũ, của chú bảo vệ, cô phục vụ, anh thu ngân vốn hơn mình một khóa, …chỉ khác chăng hôm nay trường khang trang hơn, bề thế hơn.
Niềm vui hội ngộ GVCN và các thầy cô cũ
Chia sẻ niềm xúc động cao độ đó với cô Chủ tịch HĐQT và cô giáo chủ nhiệm Ngọc Phúc sau gần “một thập kỷ” về lại trường, trong mắt Tuân là cả một sự hàm ơn quá lớn. Bởi theo anh, việc tình cờ đọc được tờ thông báo tuyển sinh để rồi được nhận vào học tại trường Đông Á ngày ấy đã trao cho anh chiếc chìa khóa quan trọng để anh có cơ hội học tập và phát triển tương lai như hôm nay. Tuân cũng thổ lộ, là một cựu sinh viên bước ra từ mái trường này, anh luôn quay quắt được đóng góp một điều gì đó cho nhà trường, mà bắt đầu có thể là những giờ “truyền lửa” đam mê và nỗ lực đến các bạn sinh viên, nhất là sinh viên ngành Kế toán.
Mong muốn được chia sẻ và ghi lại khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc đời chồng mình, người vợ tương lai của Tuân cũng đã quyết định chọn Đà Nẵng để thực hiện bộ ảnh cưới ngay trong chuyến “trở về” này.