Sáng nay, ngày 1/4, Hội đồng bảo vệ đồ án tốt nghiệp khoa KT Điện - Điện tử đã tổ chức buổi tổng kết và giới thiệu những mô hình tốt nghiệp được đánh giá tốt và mang tính ứng dụng cao.
Tham dự chương trình có GS. TSKH Lê Văn Hoàng - Hiệu trưởng, PGS. TS Trần Thị Hồng - Hiệu phó, PGS. TS Phạm Thượng Hàn - Trưởng khoa KT Điện - Điện tử cùng đông đảo sinh viên chuyên ngành Tự động hóa.
Trước đó, 43 đồ án của sinh viên đại học liên thông đã được bảo vệ tốt nghiệp trước Hội đồng khoa học khoa trong hai ngày 30 và 31/3. Mỗi đồ án là một sản phẩm khoa học, do một nhóm từ 3-5 sinh viên làm chủ nhiệm đề tài. Điểm khác biệt là trong mỗi đồ án, ngoài phần vận dụng linh hoạt lý thuyết ngành tự động hóa vào vận hành mô hình, sinh viên còn phải tự tìm tòi nghiên cứu để đề tài đạt tính ứng dụng cao vào thực tế.
PGS.TS Trần Thị Hồng tham quan mô hình
10 mô hình được giới thiệu sáng nay là những công trình đạt cả về lý thuyết tự động hóa và khả năng ứng dụng thực tế. Trong đó đề tài khá đa dạng, từ “Điều khiển giám sát và truyền thông hệ thống đèn giao thông”, “Thiết kế mô hình tự động hóa tòa nhà cao tầng”, đến “Thiết kế, lắp đặt bộ biến đổi năng lượng mặt trời kiểu OFF-GIRD”, “Bãi đỗ xe tự động”, “Bộ chuyển đổi nguồn tự động ATS”, “Điều khiển tốc độ động cơ bằng biến tần”, “Máy chấm công tự động”, “Cân băng tải”, … thể hiện mục tiêu phục vụ trực tiếp cuộc sống và sản xuất khá cao của các nhóm sinh viên.
Mô hình “Thiết kế mô hình tự động hóa tòa nhà cao tầng” do nhóm sinh viên Phan Như Lưu, Liên Thành Trung và Trần Thế Vũ thực hiện nhận được nhiều lời khen từ Hội đồng bảo vệ. Các bạn đã ứng dụng vi điều khiển để thiết kế mô hình sao cho tiết kiệm được nhiều diện tích nhất, tiện ích nhất với tầng hầm giữ xe thông minh và thang máy tự động trong tòa nhà cao tầng. Trần Thế Vũ chia sẻ: “Qua khảo sát thực tế, tại Đà Nẵng và các thành phố lớn chưa vận hành hệ thống này. Trong khi đó, với xu thế phát triển hiện nay, số lượng người tại các thành phố là rất lớn, xe ôtô lại chiếm dụng khá nhiều diện tích đường phố. Mô hình này giải quyết được nhanh chóng các vấn đề trên của cuộc sống đô thị hiện đại. Nhóm em tin tưởng khá cao vào khả năng ứng dụng trong thực tế của công trình.”
Còn mô hình “Thiết kế, lắp đặt bộ biến đổi năng lượng mặt trời kiểu OFF-GIRD” của nhóm sinh viên Võ Văn Đỡ, Lê Minh Hiếu và Nguyễn Văn Thái lại đưa ra giải pháp hữu ích, thân thiện với môi trường. Sử dụng tấm solar inverter (pin năng lượng mặt trời) để thu năng lượng, sau đó thông qua bộ biến đổi, điện sẽ được nạp vào ác-quy để cung cấp cho các phụ tải như TV, quạt, đèn, … Nhóm cho biết, công trình sử dụng năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch và vô tận, sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện, nhất là trong mùa nắng nóng. Đồng thời, tấm pin solar inverter cũng rất thích hợp trong sinh hoạt ở các vùng xa xôi mà lưới điện đưa được kéo đến.
Ông Đặng Lê Kim Hòa – Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Điện chiếu sáng Đà Nẵng, thành viên Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp, cho biết: “Làm việc trong môi trường doanh nghiệp, tôi đánh giá cao hướng đào tạo theo thực nghiệm tại Đại học Đông Á mà ít nhà trường khác có thể làm được. Sinh viên được ứng dụng các kỹ thuật mà doanh nghiệp cần vào việc học tập thường xuyên và làm đồ án tốt nghiệp như thế này sẽ dễ tiếp cận cơ hội việc làm ngay khi ra trường.”
Hoạt động nghiên cứu chú trọng thực nghiệm là định hướng được nhà trường đẩy mạnh trong những năm qua. Bằng thế mạnh của ngành, khoa KT Điện - Điện tử đã phát triển các bài tập nhóm và đồ án tốt nghiệp của sinh viên thành những công trình có giá trị cao về nghiên cứu khoa học và ứng dụng. Qua đó, sinh viên của khoa luôn được các doanh nghiệp trong lĩnh vực đánh giá cao, được thực tập có lương và đi làm ngay khi tốt nghiệp.
Phi Chương