Trung Quốc không thăm dò dầu khí mà thăm dò lòng dân Việt!

(Infonet.vn) - Đó là phát biểu của ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng tại buổi mittin của Đại học Đông Á (Đà Nẵng) phản đối giàn khoan trái phép của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam.

Hãy yêu nước với tinh thần của một dân tộc có văn hóa!

Sáng 19/5, nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên sân trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), hơn 1.000 sinh viên đã xếp hình dòng chữ “Hoàng Sa thân yêu”. Và khối người ấy đã thắm đỏ màu cờ Tổ quốc, hừng hực khí thế phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay không điều kiện giàn khoan Hải dương 981 cùng lực lượng tàu hộ tống của họ ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Sinh viên Đại học Đông Á xếp hình thành dòng chữ "Hoàng Sa thân yêu"... (Ảnh: HC)

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nhấn mạnh, địa điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 không phải vùng biển tranh chấp mà hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước quốc tế về luật biển năm 1982.

“Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà cái chính là thăm dò sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt Nam. Chúng ta là một nước văn minh, thể hiện lòng yêu nước sôi sục với khí thế của Bạch Đằng, Đống Đa nhưng phải hết sức phân biệt giữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc với chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

và sôi sục quyết tâm đòi Trung Quốc chấm dứt ngay những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam (Ảnh: HC)

Thái độ kỳ thị dân tộc sẽ chỉ làm ảnh hưởng không tốt đến cuộc đấu tranh chính nghĩa của chính chúng ta hiện nay. Chúng ta không bài Trung, không chống lại nhân dân Trung Quốc mà chống lại hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc vi phạm pháp lý và đạo lý!” – ông Bùi Văn Tiếng nêu rõ với các sinh viên Đại học Đông Á.

Từ đó, ông đề nghị thế hệ trẻ nói chung, sinh viên nói riêng cũng như mọi người dân hãy thể hiện lòng yêu nước với tinh thần của một dân tộc có văn hóa. Cần phải có “trái tim nóng và cái đầu lạnh” để đủ sức kìm chế trước mọi sự khiêu khích của Trung Quốc nhằm tạo cớ gây thất thế cho Việt Nam về mặt đấu tranh ngoại giao; và làm cho thế giới thấy Hoàng Sa là yết hầu của biển Đông. Nếu vùng biển này bị một thế lực có dã tâm đen tối cát cứ thì chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh và tự do hàng hải quốc tế.

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Phát biểu tại buổi mittinh, luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cũng nhấn mạnh, các nhà nghiên cứu luật pháp của Việt Nam cũng như quốc tế đã nghiên cứu rất kỹ và có đầy đủ cơ sở, các bằng chứng về lịch sử cũng như pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế do những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

Luật sư Đỗ Pháp: Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nhưng nhân dân Việt Nam luôn đặt nặng nền tảng đạo lý, coi đạo lý là cái gốc của pháp lý! (Ảnh: HC)

Cơ hội để người lớn hiểu và tin thế hệ trẻ hơn!

Trong âm vang hào hùng của các ca khúc “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình”, “Nơi đảo xa”, “Khát vọng tuổi trẻ”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”…, hàng ngàn sinh viên và tập thể cán bộ, giảng viên trường Đại học Đông Á đã cùng ký tên vào băng rôn kêu gọi hòa bình cho biển Đông, đóng góp hơn 100 triệu đồng và 200 lá cờ Tổ quốc ủng hộ các lực lượng chấp pháp cùng bà con ngư dân Việt Nam đang ngày đêm đứng đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền của đất nước trước sự xâm lấn của Trung Quốc.

Thay mặt bà con ngư dân nhận những lá cờ Tổ quốc do các sinh viên trao tặng, ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Đà Nẵng xúc động bày tỏ, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Hoàng Sa là thách thức cực kỳ lớn đối với chủ quyền của đất nước chúng ta, nhưng đây cũng là cơ hội “để chúng ta nhìn lại mình, nhìn nhau và hiểu nhau hơn”.

Sinh viên Đại học Đông Á cùng ký tên kêu gọi bảo vệ hòa bình trên biển Đông...

quyên góp ủng hộ hơn 100 triệu đồng hướng về biển Đông

“Đôi khi chúng tôi, những người lớn, cứ nghĩ các em “ăn chưa no, lo chưa tới”. Thậm chí đôi khi chúng tôi bi quan nghĩ rằng nếu có biến cố gì xảy ra với đất nước thì không biết mấy đứa con cưng của mình có dám dấn thân không? Buổi mittinh này đã cho chúng tôi cơ hội để hiểu các em hơn. Rằng, người Việt Nam luôn luôn có dòng máu yêu nước tiềm tàng trong huyết quản, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và tôi thấy giữa chúng ta dù cách thế hệ nhưng lại gần gũi, hiểu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn!” – ông Trần Văn Lĩnh nói.

Ông cho hay, trong những ngày này, sát cánh cùng các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đang đấu tranh ngặn chặn giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng Sa còn có hàng chục tàu cá của ngư dân Việt Nam, trong đó có 4 tàu cá công suất lớn của ngư dân Đà Nẵng do ngư dân Lê Văn Toàn Em làm tổ trưởng, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để tiếp tục khai thác trên vùng biển này, và biến mỗi ngư dân thành một cột mốc sống giữa biển khơi để khẳng định chủ quyền lãnh hải của đất nước.

và trao tặng Nghiệp đoàn Nghề cá Đà Nẵng 200 lá cờ Tổ quốc (Ảnh: HC)

“Khi các em trao cho chúng tôi lá cờ là đã trao cho chúng tôi trách nhiệm đối với Tổ quốc cũng như những tình cảm dành cho bà con ngư dân. Mỗi lá cờ gắn trên những chiếc tàu cá tiến ra ngư trường Hoàng Sa sẽ là lời khẳng định mạnh mẽ nhất về chủ quyền biển đảo Việt Nam, động viên các ngư dân kiên cường bám tàu bám biển, bảo vệ ngư trường Hoàng Sa, gìn giữ công lao khai phá của ông cha để lại. Màu cờ dân tộc Việt Nam sẽ mãi tô đỏ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam!” – ông Trần Văn Lĩnh nhấn mạnh.

Buổi mittinh khép lại trong âm vang hào hùng của bài hát kêu gọi toàn dân kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước trên biển Đông được một nhóm sinh viên Đại học Đông Á tự viết lời và cover trên nền nhạc bài hát “Nối vòng tay lớn” (cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) với những lời ca sôi sục.

Hải Châu (Infonet.vn)