Sinh viên hứng thú với những kỹ năng nhiếp ảnh bằng điện thoại

Ngày 10/3, trường Đại học Đông Á cùng Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức chương trình tọa đàm mở với chủ đề “Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập”.

Ngày 10/3, trường Đại học Đông Á cùng Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức chương trình tọa đàm mở với chủ đề “Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập”.

NSNA Ông Văn Sinh-Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật,
Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP. Đà Nẵng khai mạc chương trình

Tọa đàm là chương trình giao lưu, trao đổi mở vừa mang tính lý luận học thuật, vừa mang tính ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực nhiếp ảnh, thu hút đông đảo những người cầm máy chuyên nghiệp đến từ Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật, các Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Báo chí; các Phóng viên ảnh, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí, những người cầm máy không chuyên, sinh viên và đặc biệt là các bạn sinh viên QTKD – Quản trị truyền thông tích hợp ĐH Đông Á.

Ông Phạm Trường Quốc Vương - Phó TBT Tạp chí điện tử ICT Đà Nẵng và
TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á tặng hoa 2 diễn giả

Tọa đàm lần này được tổ chức tại Đại học Đông Á cũng đánh dấu 1 năm ra mắt chương trình đào tạo Quản trị Truyền thông tích hợp. Với chủ đích xây dựng một ngành học của thời đại số, chương trình đào tạo Quản trị truyền thông tích hợp tại Đại học Đông Á chú ý những yếu tố mới mẻ và thực tiễn khi tích hợp 3 module nghề nghiệp (1) Truyền thông – Quan hệ công chúng – (2) Báo chí – (3) Marketing – Quảng cáo. Tính ưu việt khác của chương trình là bắt kịp với các xu hướng truyền thông trên thế giới, trong đó, chuyên ngành mới tích hợp giữa “Marketing - Truyền thông - Báo chí và Doanh nghiệp” đang là xu hướng mới mà doanh nghiệp nào cũng cần trong thời kỳ giao thương sale–e-marketing.

Tại tọa đàm, nhiều câu hỏi thú vị đã được các nhà nhiếp ảnh tại Đà Nẵng, các giảng viên và sinh viên QTKD-Quản trị truyền thông tích hợp ĐH Đông Á gửi đến các diễn giả. Trả lời cho câu hỏi các sân chơi về nhiếp ảnh tại Đà Nẵng dành cho sinh viên, NSNA Ông Văn Sinh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP. Đà Nẵng cho biết, hiện sân chơi về nhiếp ảnh tại thành phố rất rộng mở, thu hút nhiều đối tượng tham gia với nhiều CLB nhiếp ảnh. Hội nhiếp ảnh TP rất mong các bạn sinh viên dành thời gian tham gia cùng các chương trình, cuộc thi của Hội nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp thêm nhiều ảnh đẹp về thành phố.

NSNA Lê Hồng Linh

“Trong xu thế công nghệ số phát triển mạnh như hiện nay, và mỗi người đều có thể chụp một bức ảnh bằng điện thoại thông minh, Hội nhiếp ảnh nghệ thuật TP Đà Nẵng cần nhân rộng những buổi bồi dưỡng chụp ảnh bằng điện thoại di động căn bản dành cho sinh viên, cũng nhằm phát huy hết tính năng của thiết bị và sức sáng tạo của các bạn trẻ”, NSNA Lê Hồng Linh chia sẻ thêm sau câu hỏi từ một bạn sinh viên về ảnh đẹp với điện thoại di động.

NSNA Harto Solichin Margo - Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức Nhiếp ảnh Indonesia

Thông qua phần trình chiếu hơn 30 bức ảnh đẹp được tác giả chụp tại các địa điểm du lịch, lễ hội nổi tiếng ở Indonesia, NSNA Harto Solichin Margo - Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức Nhiếp ảnh Indonesia khẳng định, chính hình ảnh, mà cụ thể là những bức ảnh đẹp là cách hiệu quả nhất để quảng bá hình ảnh văn hóa, con người của vùng đất hay đất nước đến với thế giới, mà Việt Nam đang sở hữu rất nhiều cảnh đẹp cần được quảng bá rộng khắp để phát triển du lịch.

Phần trao đổi giữa diễn giả và các bạn sinh viên trở nên sôi nổi hơn với những câu hỏi mang tính thực tế và những câu trả lời đầy tính gợi mở: “chuẩn” tối thiểu của một bức ảnh có thể làm truyền thông được là gì?, ảnh có nhiều lượt like/share trên mạng xã hội có phải là một bức ảnh đạt “chuẩn” truyền thông tốt?,... NSNA Lê Hồng Linh cho rằng, một bức ảnh để truyền thông phải tổng hòa nhiều yếu tố, không chỉ là “ánh sáng và bóng tối” mà phải chứa thông tin, truyền tải thông điệp đi được vào lòng người.

“Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong năm 2018 của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP. Đà Nẵng nói riêng, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật TP. nói chung. Trong năm nay, Hội còn có một sân chơi nữa là Trại sáng tác nhiếp ảnh chuyên đề. Những hoạt động này được mở ra không ngoài mục đích tạo những sân chơi, giao lưu giúp những người cầm máy, những ai yêu thích bộ môn nhiếp ảnh có cơ hội nâng cao kỹ năng, tay nghề. Thông qua đó, phong trào và hoạt động nhiếp ảnh thành phố chúng ta có thêm những tác phẩm mới, đóng góp cho yêu cầu sáng tạo và đổi mới trong quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, con người Đà Nẵng đến với công chúng”, NSNA Ông Văn Sinh-Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP. Đà Nẵng phát biểu tại chương trình.

“Chúng tôi hy vọng những nội dung mà 2 diễn giả tên tuổi truyền đạt tại tọa đàm, cũng như phần trao đổi mang tính mở rất cao sẽ mang đến cho các đại biểu tham dự tọa đàm nhiều kiến thức và quan điểm về xu thế của nhiếp ảnh hội nhập. Cũng có những vấn đề còn đang tranh luận, giữa các xu thế nhiếp ảnh, hay cách nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm ảnh, hay vấn đề ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự nghệ thuật…. Đây là chuyện thường ngày của đời sống sáng tạo nhiếp ảnh cũng như trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Tọa đàm mở lần này, cũng đánh dấu bước phát triển mới của Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông trong năm tờ báo lên 8. Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ của một tòa soạn báo chí, chúng tôi vươn đến những bàn tròn sự kiện ngoài mặt báo, khẳng định khả năng kết nối, tương tác và chung tay cùng đồng nghiệp, cùng các đối tác góp tiếng nói, giải pháp cho những vấn đề mà chúng ta đã-đang quan tâm” – Nhà báo Phạm Trường Quốc Vương, Phó TBT Tạp chí ICT Đà Nẵng chia sẻ.

Thông tin về diễn giả

- NSNA Lê Hồng Linh - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh bậc thầy (Master Photographer of  FIAP) do Ban Giám đốc điều hành của FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế) trao tặng; Nghệ sĩ đang giữ kỷ lục giải thưởng quốc tế với gần 400 giải thưởng, đồng thời, ông còn có hơn 20 tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn trong các bảo tàng, thư viện ảnh của Tây Ban Nha, Italia, Ấn Độ… Hiện NSNA Lê Hồng Linh là Giảng viên trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh.

- NSNA Harto Solichin Margo - Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức Nhiếp ảnh Indonesia. Ông đã được FIAP phong tặng tước hiệu “HonEFIAP” dành cho những người có cống hiến và phát triển cho lợi ích của trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Hiện ông là đại diện FIAP tại Indonesia. NSNA Harto Solichin Margo rất gần gũi với đời sống nhiếp ảnh Việt Nam. 2013, ông đã đến Hà Nội, với tư cách là Giám khảo “Cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt Nam”.

Thông tin về tọa đàm trên báo chí:

  1.  Báo Giáo dục VN: Sinh viên hứng thú với những kỹ năng nhiếp ảnh bằng điện thoại
  2. Báo Người đưa tin: Nghệ sĩ nhiếp ảnh giữ kỷ lục giải thưởng quốc tế mong muốn gì từ giới trẻ?
  3. Báo điện tử ĐCSVN: Chia sẻ kinh nghiệm về nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập
  4. Báo ANTT&TT: Lấy nhiếp ảnh để quảng bá hình ảnh thành phố, con người
  5. Báo GD&TĐ: Sinh viên Đà Nẵng hứng khởi với chương trình “Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập”
  6. Thời báo Ngân hàng: Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập
  7. Văn nghệ Đà Nẵng: Tọa đàm mở “Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập”
  8. TTXVN: Đà Nẵng: Tọa đàm "Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập"
  9. Chia sẻ kinh nghiệm về nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập
  10. Sinh viên Đà Nẵng hứng khởi với chương trình “Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập”
  11. Báo Mới: Sinh viên Đà Nẵng hứng khởi với chương trình 'Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập'
  12. Nghệ sĩ nhiếp ảnh giữ kỷ lục giải thưởng quốc tế mong muốn gì từ giới trẻ?
  13. Sinh viên hứng thú với những kỹ năng nhiếp ảnh bằng điện thoại