Mang yêu thương đến với người nghèo

(QT) - Đầu năm 2014, thầy trò Trường Đại học Đông Á đã xác lập kỷ lục Việt Nam về số lượng người tham gia gói quà tặng nhiều nhất trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, đối với họ, điều ý nghĩa hơn là sau chương trình, những món quà nhỏ sẽ đến tận tay hàng ngàn người dân nghèo, trong đó có hơn 400 học sinh ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị).

Để có một cái tết đầm ấm

Trong tiềm thức người dân Việt Nam, hình ảnh “ông Bụt” luôn đại diện cho lòng tốt, sự nhân hậu, luôn có mặt khi ai đó cần giúp đỡ. Với tất cả tâm sức, thầy và trò Trường Đại học Đông Á, TP Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như: “Nồi cháo thanh niên”, “Tủ bánh mì sinh viên”, “6 tấn áo quần cho trẻ em và người già vùng cao”... Đặc biệt, chương trình “Quà yêu thương” đã thu hút đông đảo thầy cô và sinh viên trong trường tham gia. 

Học sinh sống tại khu bán trú Trường PTDT Bán trú THCS Pa Nang vui mừng khoác lên mình chiếc áo mới được tặng

Không khí rét buốt của những ngày đầu năm 2014 như bị xua tan bởi hơi ấm từ chương trình “Quà yêu thương”. Giữa sân trường rộng lớn, thầy trò Trường Đại học Đông Á chụm đầu vào nhau, tỉ mỉ gói những hộp bánh, chiếc áo ấm, sách vở... dành tặng đồng bào nghèo. Để có những phần quà ý nghĩa này, suốt mấy tháng qua, các thầy cô giáo và sinh viên Trường Đại học Đông Á đã tích cực triển khai nhiều hoạt động gây quỹ như: Đến từng lớp hoặc “đóng chốt” ở cổng trường để kêu gọi sự hỗ trợ của bạn bè; có mặt tại các hàng quán vận động quyên góp; thu gom giấy loại, bán bánh mì, đồ “handmade” nhằm gây quỹ...

“Một người khó có thể làm nên phong trào từ thiện xã hội lớn nhưng một trăm người, một nghìn người thì khác. Thấy các thầy cô giáo và sinh viên tham gia hoạt động rất đông nên chúng mình như được tiếp thêm động lực. Ai cũng quyết tâm giúp người nghèo có một cái tết đầm ấm hơn”, cô giáo Trương Thị Sông Hương chia sẻ.

Tặng quà tết cho người nghèo vốn là hoạt động thường niên của thầy trò Trường Đại học Đông Á. Tuy nhiên, năm nay, lần đầu tiên nhà trường phát động chương trình gói quà tập thể mang tính kỷ lục với số lượng người tham gia nhiều nhất, trong thời gian nhanh nhất. Hơn 2.700 thầy cô giáo và các bạn sinh viên đã cùng nhau đóng gói, trang trí 1.720 phần quà chỉ trong 5 phút. Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đến tận nơi và xác lập kỷ lục này. Tuy nhiên, đối với thầy trò Trường Đông Á, điều đáng mừng nhất là những món quà này nay mai sẽ đến với người dân nghèo.

Tỉ mẩn gói một tập vở kèm theo hộp mứt tết, anh Mason Wells, một giảng viên chia sẻ: “Nếu ở Mỹ, có lẽ giờ này tôi đang cùng gia đình sum vầy trong bữa tiệc mừng năm mới. Sự trống vắng đã giảm đi đáng kể khi tôi được đồng hành với các bạn sinh viên gói quà tặng những người kém may mắn. Tham gia chương trình, tôi được các bạn trẻ gọi một cách dí dỏm là... ông Bụt ngoại quốc”.

Ngay sau khi hoàn thành, 1.720 phần quà đã được chuyển đến Làng trẻ SOS, Làng Hy vọng, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, Chùa Quang Châu, Nhà tình thương quận Hải Châu và Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Chính nụ cười trên môi các em nhỏ mồ côi, giọt nước mắt xúc động của những sản phụ nghèo... đã tiếp thêm động lực để thầy trò Trường Đại học Đông Á quyết định đưa “Quà yêu thương” đi xa hơn. Chỉ sau vài ngày triển khai, mọi người đều vỡ òa hạnh phúc khi biết số lượng quà đạt đến con số 1.460. Trên những chuyến xe đường dài, hành trình mang “Quà yêu thương” đến với học sinh các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định bắt đầu.

Lời hứa với Đakrông

Chuyến xe chở cô trò Trường Đại học Đông Á chật cứng những phần quà được đóng gói ghém cẩn thận. Trên xe mọi người như cố gắng thu mình lại, dành phần diện tích rộng nhất cho những món quà. Cô Trần Hà Mỹ Lợi, trưởng đoàn chia sẻ: “Qua Báo Quảng Trị, chúng mình đã biết đến các học sinh nghèo ở huyện miền núi Đakrông. Để bám trụ con chữ, nhiều em phải lặn lội từ các bản làng xa xôi về học tập tại Trường PTDT nội trú huyện. Ở xã Pa Nang, hơn 100 học sinh đang sống chen chúc trong khu bán trú chỉ rộng 118,8 m2. Thông tin ấy làm ai cũng xúc động, chỉ muốn đến Quảng Trị thật nhanh”.

Cô Lợi cho biết thêm, đoàn khởi hành từ Đà Nẵng lúc mờ sáng và đã trao 200 suất quà cho học trò ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đến Quảng Trị, đoàn trao 400 suất quà cho học sinh Trường PTDT nội trú huyện và Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang. Tối cùng ngày, đoàn ra Quảng Bình để lên xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch trao 260 suất quà.

Trong số 10 thành viên mang “Quà yêu thương” đến với học sinh vùng khó, Phan Văn Minh Vĩnh là người hoạt náo, vui vẻ nhất. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, Vĩnh hiểu sâu sắc nỗi vất vả của người dân quê mình. “Bố mẹ em bám ruộng đồng nuôi ba người con ăn học. Quanh năm cả nhà luôn đối diện với cảnh thiếu trước, hụt sau. Thế nhưng, em biết, sự khó khăn ấy không thấm thía gì so với người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Ở đây, nhiều gia đình còn không có cơm ăn, áo mặc”, Vĩnh chia sẻ.

Cũng từ nghèo khó đi lên nên Vĩnh rất dễ đồng cảm, sẻ chia. Bước vào trường đại học, cậu nhanh chóng hòa mình vào các phong trào từ thiện xã hội và được bầu là Chủ nhiệm CLB Sức trẻ Đông Á. Để có những phần quà ý nghĩa dành cho người nghèo, thời gian qua, Vĩnh cùng 40 thành viên trong CLB đã dầm mưa, dãi nắng đi khắp nơi để vận động tài trợ. Mỗi lần nhận được 5.000 - 10.000 đồng từ tay các nhà hảo tâm, ai nấy đều mừng khôn xiết.

Đến Trường PTDT nội trú huyện Đakrông và Trường PTDT bán trú THCS Pa Nang, các thành viên trong đoàn đã nhanh chóng tổ chức các hoạt động giao lưu, đồng thời trao quà tận tay những học sinh nghèo. Một số thành viên trong nhóm nghẹn ngào xúc động khi thấy những đôi dép lê mòn vẹt, cũ kỹ của học sinh Trường PTDTN nội trú huyện. Khi được hỏi: “Các em muốn quà gì nhất?”, một số em rụt rè nhìn xuống đôi dép cũ và hồn nhiên bảo rằng: “Dép em sắp đứt rồi, áo cũng vừa bị rách. Thiếu thốn nhiều nhưng các anh chị tặng quà gì chúng em cũng thích cả”.

Tại Trường PTDT bán trú THCS Pa Nang, nhóm thiện nguyện Trường Đại học Đông Á đã đến tận nơi ăn ngủ của học sinh. Ai cũng chạnh lòng khi thấy khu bán trú đã xuống cấp nghiêm trọng; những cánh cửa được thưng che bằng bìa cứng; manh chiếu rách lỗ chỗ. Ướm thử chiếc áo còn thơm mùi mới, em Hồ Văn Đờn, học sinh lớp 6A chia sẻ: “Tối qua, em vừa mơ có một chiếc áo mới để mặc. Nhờ các anh chị mà giấc mơ của em đã thành hiện thực rồi. Em rất mong các anh chị sẽ quay lại với chúng em nhiều lần hơn nữa”.

Chuyến xe chở các tình nguyện viên Trường Đại học Đông Á quay bánh về xuôi. Không gian trên xe cũng bớt chật chội phần nào vì những món quà đã được trao phân nửa. Thế nhưng, dường như các thành viên trong đoàn đều trầm lắng hơn.

Cô Mỹ Lợi chia sẻ: “Lúc lên đường, mình đã mường tượng sự khó khăn, thiếu thốn của học sinh nơi đây. Thế nhưng, đến tận nơi, mới thấm thía và thấy thương các em nhiều hơn. Hai ngôi trường này có lẽ là địa chỉ khó khăn nhất trong 6 tỉnh miền Trung mà mình đã đi qua”. Một sinh viên trong đoàn nhẹ nhàng hỏi: “Rồi trường mình sẽ trở lại Đakrông chứ cô?”. Khẽ mĩm cười, cô Mỹ Lợi nhìn các thành viên trong đoàn và bảo: “Chắc chắn thầy trò trường mình sẽ trở lại. Mình đã hứa với các em học sinh nơi đây rồi mà”.

Bỗng chốc hình ảnh về những chiếc dép lê mòn vẹt; cậu bé bại liệt Hồ Văn Đào “bước đi” trên hai đầu gối; khu nhà bán trú xập xệ... như ùa về trong tâm trí mọi người. Đakrông, mới xa vài cây số mà chẳng hiểu sao ai cũng cảm thấy nhớ, thương và mong muốn trở lại.

Bài, ảnh: QUANG HIỆP (Báo Quảng Trị)