Khai thác tài nguyên Giáo dục Mở

(GD&TĐ) - Khóa tập huấn Khai thác tài nguyên Giáo dục Mở theo phương thức giảng dạy trực tuyến do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức tại trường ĐH Đông Á trong 2 ngày 27 - 28/3

Các học viên khóa học được hướng dẫn các phương thức tận dụng nền tảng công nghệ mới vào dạy học.

Ông Phạm Ngọc Lan - Phó Ban Tổ chức và Phát triển, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: “Đây là khóa học đầu tiên về Giáo dục Mở của Hiệp hội thông qua phương thức giảng dạy trực tuyến. Mỗi lớp học trong thời điểm này sẽ được thiết kế không quá 20 người theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 26/3.”

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức khóa Tập huấn khai thác tài nguyên Giáo dục Mở đầu tiên tại Trường Đại học Đông Á.

TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Đại học Đông Á chia sẻ: “Khai thác tài nguyên giáo dục mở thông qua hình thức online là một chương trình rất hữu ích, nhất là tận dụng được nền tảng công nghệ mới vào giảng dạy trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. 

Khóa học được thiết kế không quá 20 người/lớp học

Trong đó giảng viên được hỗ trợ phương pháp khai thác theo hệ thống, hợp thức hóa nguồn tài nguyên Giáo dục Mở để nhiều người được tiếp cận và sử dụng. Từ khóa bồi dưỡng đầu tiên này, Đại học Đông Á sẵn sàng chia sẻ với các trường có nhu cầu để nhân rộng phương pháp này.”

Khóa tập huấn diễn ra trong 2 ngày, trong đó thời lượng thực hành chiếm ¾ thời gian toàn khóa. Giảng viên sẽ hướng dẫn qua hệ thống trực tuyến. Thầy Lê Trung Nghĩa - Phó Ban Phát triển Giáo dục mở, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam trực tiếp hướng dẫn thao tác các phương pháp khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở vô tận trên thế giới thành nguồn tài nguyên “sạch” về bản quyền với chi phí 0 đồng tại Việt Nam, dễ dàng chia sẻ và phát triển.

Các giảng viên tham gia tập huấn sẽ được chia sẻ về hệ thống giấy phép của thế giới Mở, công cụ và phương pháp khai thác tài nguyên giáo dục mở, chia sẻ tài nguyên được cấp phép trên internet, khai thác Tài nguyên Giáo dục Mở qua việc tạo video “sạch” về bản quyền,… 

Đồng thời, các chuyên gia cũng chia sẻ về một kịch bản giả tưởng cho giáo dục Việt Nam với tài nguyên Giáo dục Mở của nước ngoài bằng tiếng Việt, các kỹ năng cho Khoa học Mở, ma trận đánh giá sự nghiệp Khoa học Mở, khung năng lực cho giảng viên của UNESCO, V3,2018.

Ông Phạm Ngọc Lan cũng cho biết, trong thời gian tới Hiệp hội thành lập CLB Giáo dục Mở, trong đó Đại học Đông Á sẽ đóng vai trò cầu nối để nhân rộng các khóa học như thế này tại khu vực miền Trung. 

Các giảng viên có kết quả tốt nhất cuối khóa sẽ được chọn làm “hạt nhân” tham gia hỗ trợ giảng dạy cho các lớp kế tiếp. Đây là hoạt động quan trọng tiếp theo sau khi trang web về “Giáo dục mở - Tài nguyên Giáo dục mở - Ứng dụng và Phát triển” được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2019.

Để ứng phó với dịch Covid – 19, Trường Đại học Đông Á, đã và đang tổ chức các phương án học online qua hệ thống e-learning, livestream, tài liệu, hướng dẫn học tập và hình thức đánh giá, kiểm tra kiến thức trong quá trình tự học của SV toàn trường dưới sự hướng dẫn của giảng viên phụ trách học phần trong thời gian từ ngày 3/2 đến nay, giúp SV đảm bảo tiến độ học tập. 

Giảng viên, sinh viên Đại học Đông Á đã trao ủng hộ đợt 1 hơn 150 chai dung dịch sát khuẩn khô đến lực lượng kiểm tra đo thân nhiệt tại 7 chốt qua Trung tâm y tế các quận có chốt trên địa bàn.

Thông tin chương trình trên báo chí:

  1. Thời báo Ngân hàng: Khai thác tài nguyên giáo dục mở
  2. GD&TĐ: Khai thác tài nguyên Giáo dục Mở
  3. ĐCSVN: Khai thác tài nguyên giáo dục mở thông qua hình thức online
  4. NewThoiDai: Khai thác tài nguyên Giáo dục Mở
  5. GDVN: Tập huấn trực tuyến: Thực hành khai thác Tài nguyên Giáo dục Mở

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí