Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 20-5 đã công bố dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến trước khi ban hành.
Theo đó, kỳ thi sẽ có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, văn, ngoại ngữ và bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) gồm các môn thi thành phần: lý, hóa, sinh; bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa, giáo dục công dân.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh (TS) phải dự thi 3 bài thi độc lập là toán, văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp tự chọn. TS học chương trình giáo dục thường xuyên dự thi toán, văn và 1 bài thi tổ hợp tự chọn; có thể dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Học sinh THPT Hà Nội chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Ngô Nhung
Các bài thi toán, ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm, bài văn thi theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài thi văn 120 phút; toán 90 phút, ngoại ngữ 60 phút và 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Dự kiến thời gian thi tốt nghiệp THPT 2020 từ ngày 8 đến 10-8, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.
Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) THPT tính theo công thức: Điểm các bài thi TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính ĐXTN. Những TS đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1 điểm theo thang điểm 10 và có ĐXTN từ 5 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo dự thảo, sẽ hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những TS vi phạm một trong các lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác dự thi thay...
Bộ GD-ĐT quy định cho điểm không (0) với các bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có 2 bài làm trở lên đối với một bài thi; bài thi có chữ viết của 2 người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định. TS bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo. TS sẽ bị hủy bỏ kết quả thi nếu có 2 bài thi trở lên bị điểm 0 hoặc viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.
Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm
Theo dự thảo, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức (CC-VC) vi phạm Quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý CC-VC xử lý kỷ luật. Cụ thể, vi phạm một trong các lỗi: để cho TS quay cóp và mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi; chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định sẽ bị kỷ luật cảnh cáo.
Tùy mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác; buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của TS… |
Yến Anh (Người Lao động)