(Thanh niên) - Đào tạo theo nhu cầu DN, đảm bảo mục tiêu SV ra trường cùng đề án Tuyển sinh riêng và nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho SV, ĐH Đông Á đang sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế miền Trung. Chúng tôi có dịp chia sẻ với TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á về vấn đề này.
* Thưa bà, 2014 được dự báo là năm có sự đột phá lớn về nhân lực ở khối ngành kinh tế, du lịch, KHXH, kỹ thuật, công nghệ… ĐH Đông Á đã có chiến lược đào tạo như thế nào để chuẩn bị nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp?
- Đào tạo theo yêu cầu DN luôn là đòi hỏi bức bách, nhưng không phải nói là làm được ngay. Nhiều năm qua dành thời gian tham gia cùng các hội DN, tôi hiểu cộng đồng DN đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, ở từng vị trí công việc. Tôi đơn cử như công tác quản trị tài chính (QTTC) tại DN. Hiện nay QTTC ở mỗi DN là vô cùng cần thiết, điển hình trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, DN nào trụ được đều có công tác QTTC tốt.
Trên thực tế, chuyên viên kế toán thiên về tư duy cụ thể, làm theo kế hoạch còn chuyên viên tài chính lại có tư duy mở, hoạch định tương lai tài chính cho DN. Thực tế trong giảng dạy và công việc phân định rõ ranh giới kế toán và tài chính cũng bắt nguồn từ chính tư duy xung đột vốn có trong con người được đào tạo quá riêng biệt giữa 2 vùng kiến thức này, mặc dầu các chủ DN luôn cần cả hai, nhất là một người làm kế toán nhưng am hiểu về tài chính và ngược lại.
Xuất phát từ hai phía mà tôi đã thâm nhập là CTĐT và nhu cầu DN, từ năm 2012 CTĐT Kế toán DN của nhà trường được cải tiến thành hai module là kế toán DN và QTTC. Theo đó, người học kế toán được học và thực hành nghề nghiệp tại trường đến hết học kỳ thứ 5, sang học kỳ thứ 6 đi vào học việc tại DN để đến cuối năm thứ 3 thì nghề kế toán đã thành thạo, và năm thứ 4 sẽ học về QTTC DN. Như vậy người học kế toán sẽ vừa giải quyết công tác quyết toán thuế với nhà nước và chính họ vừa hướng đến QTTC cho DN trong tương lai và giải quyết được mâu thuẫn nghề nghiệp từ nội tại của CTĐT mà lâu nay chưa giải quyết được.
Hội đồng sư phạm ĐH Đông Á và sinh viên trong niềm vui ngày lễ tốt nghiệp 2014 - Ảnh: B.Q
Với cách làm này, tất cả các CTĐT ở các ngành khác Điện-điện tử, Xây dựng, CNTT, Điều dưỡng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Du lịch, Quản trị văn phòng, Ngôn ngữ Anh… của ĐH Đông Á được cải tiến tương tự theo hướng đáp ứng nhu cầu DN. Các giảng huấn có trải nghiệm từ DN được nhà trường trân trọng mời tham gia giảng dạy các phần thực hành tại DN, cũng chính từ những giảng huấn có thực tiễn tốt này sẽ giúp cải tiến CTĐT hằng năm. SV ra trường sẽ đóng góp cho DN sớm hơn.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng thứ nhất trong 6 mục tiêu SV ĐH Đông Á đạt được khi ra trường là giỏi chuyên môn nghề nghiệp, thông thạo tin học, giao tiếp tiếng Anh, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, có lòng trách nhiệm, làm việc tốt để đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của DN và phụng sự đất nước, đó cũng chính là sứ mệnh mà ĐH Đông Á đeo đuổi.
* Thưa bà, trên thực tế có nhiều SV ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu DN. Bà suy nghĩ gì về “độ vênh” giữa mong muốn của nhà trường, DN và thực tế đáp ứng của SV?
Tôi hiểu điều này, trên thực tế, mức độ đồng đều của SV là không giống nhau, và còn nhiều yếu tố khác bị ảnh hưởng mà các nhà trường chưa thể đáp ứng. Nhưng rõ ràng rằng, một khi nhà trường có mục tiêu cho SV phù hợp với nhu cầu DN, SV được định hướng tốt sẽ thích nghi nhanh hơn, cũng như với CTĐT ngành Kế toán mà chúng tôi cải tiến theo nhu cầu DN ở trên, sau 3 đến 5 năm, SV ra trường sẽ đóng góp được cả hai công tác vừa Kế toán vừa QTTC cho DN.
* Năm 2014 cũng là năm Bộ GD&ĐT bắt đầu cải cách thi cử để đến năm 2017 sẽ gộp hai kỳ thi làm một. Bà có thể chia sẻ thêm phương thức tuyển sinh riêng dựa trên kết quả học bạ THPT tại ĐH Đông Á đến đông đảo thí sinh?
- Theo phương thức mới này, bậc Đại học xét tuyển dựa trên tiêu chí điểm trung bình chung của 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11, học kỳ 1 lớp 12) đạt >= 6 điểm và một trong 4 môn điều kiện đạt >=6.0 điểm; bậc Cao đẳng >= 5.5 điểm cùng với hạnh kiểm xếp từ loại Khá trở lên (theo hướng tăng dần). Đặc biệt hơn, ĐH Đông Á ưu tiên cộng điểm vào điểm tiêu chí 1 (hệ Đại học) đối với thí sinh có thành tích và năng lực cá nhân đặc biệt trong các lĩnh vực văn nghệ, TDTT, thẩm mỹ, NCKH, từ thiện xã hội,... Những học sinh có năng lực đặc biệt này, khi vào trường sẽ được xếp theo lớp để bổ sung, nâng cao, phát huy tối đa năng lực cá nhân cho các em.
Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nhà trường sẽ có chính sách hỗ trợ gì cho SV trong năm học mới này?
- Năm học 2014-2015 này, nhà trường ổn định mức học phí chỉ từ 4.480.000 đồng/học kỳ trong suốt khóa học. Đồng thời, dành 1 triệu đồng học bổng cho các thí sinh miền Trung khi nhập học, nhằm trang trải phần nào các khoản phải nộp trong đầu năm học, hỗ trợ SV và phụ huynh trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.
* Xin cảm ơn bà!
Bích Quân thực hiện
Nguồn: Báo Thanh niên