Ngoài những môn học đại cương và khối kiến thức chung như đồ họa ứng dụng, lập trình giao diện web, phân tích thiết kế phần mềm, lập trình web, ngành Công nghệ thông tin trường Đại học Đông Á còn chia ra 3 chuyên ngành với những chương trình đào tạo riêng biệt, cung cấp cho sinh viên định hướng nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn cần thiết cho từng mục đích học tập và định hướng việc làm tương lai. Cùng xem các chuyên ngành này có điều gì đặc biệt nhé!
Chuyên ngành Công nghệ phần mềm
Công nghệ phần mềm tập trung nghiên cứu về hệ thống kỹ thuật, phần mềm máy tính, hạ tầng phần mềm, cơ sở dữ liệu cũng như sự phát triển của các ứng dụng và hệ thống. Chương trình đào tạo giúp sinh viên học được cách thức tạo ra các chương trình, phần mềm với mục đích nâng cao đời sống con người, gia tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Với xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội trong thời đại cách mạng công nghệ, ngành này dần thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ khi đứng trước cánh cửa tương lai.
Kỹ năng chuyên ngành: Lập trình Mobile App; lập trình website; sử dụng thuật toán và mô hình học máy để xây dựng phần mềm thông minh nâng cao hiệu quả công việc; thiết kế chi tiết bản kế hoạch, dự án phần mềm; thiết lập hệ thống mạng theo mô hình Client - Server; quản lý hệ thống máy chủ, máy con, người dùng, dịch vụ, chính sách trên HĐH Windows kết hợp HĐH Linux…
Đây là ngành mang tính ứng dụng cao, sinh viên sau khi ra trường có thể tìm được cơ hội việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như lập trình viên; kỹ sư phần mềm; kỹ sư hệ thống; chuyên viên phân tích và phát triển phần mềm, hệ thống; quản lý dự án; phân tích an ninh; cố vấn IT…chuyên viên tin học ở các doanh nghiệp, tổ chức, nhà quản trị hệ thống công nghệ thông tin, kỹ sư phát triển phần mềm, nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo…
Chuyên ngành An ninh mạng
An ninh mạng là chuyên ngành bảo vệ mạng và máy tính khỏi các cuộc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Sinh viên ngành này, thông qua chương trình dạy - học tiên tiến, kết hợp ứng dụng và thực hành thực nghiệp , sẽ được đào tạo các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ tấn công từ cả bên ngoài và bên trong, xây dựng rào cản để tránh tình trạng gây hại cho máy tính và trộm cắp dữ liệu hệ thống. Bảo mật thông tin là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu trong thời đại công nghệ hiện nay. Vì vậy ngành An ninh mạng rất được chú trọng và đầu tư nhất là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kỹ năng chuyên ngành: Quản lý hệ thống máy chủ, máy con, người dùng, dịch vụ, chính sách trên HĐH Windows kết hợp HĐH Linux; thiết lập hệ thống mạng theo mô hình Client - Server; phân tích, thiết kế hệ thống mạng cho quán net, doanh nghiệp vừa và nhỏ đến doanh nghiệp lớn có dự phòng hoặc không dự phòng; xây dựng, triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ IoT; xây dựng giải pháp ngăn ngừa và phát hiện tấn công mạng; xác định điểm yếu lỗ hổng trong hệ thống sau đó khắc phục những lỗi tìm được; lập trình blockchain cho các ứng dụng thanh toán điện tử, chuỗi cung ứng và website thương mại điện tử…
Trên thế giới, nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu ngày càng cao nên các tổ chức, doanh nghiệp đều tìm cho mình các biện pháp bảo mật thông tin hiệu quả. Vì lẽ đó, cơ hội việc làm ngành An ninh mạng rất cao. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại bất kỳ công ty IT nào. Ngoài ra, các chuyên gia an ninh mạng còn có đầy đủ kiến thức và kỹ năng trong vấn đề xử lý an toàn thông tin nên có thể làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau như thương mại, ngân hàng, hàng không… ở các vị trí: Kỹ sư lập trình, kỹ sư an ninh mạng, chuyên viên tư vấn bảo mật thông tin, tư vấn lập trình, quản trị viên hệ thống thông tin…
Chuyên ngành Thiết kế đồ họa
Thiết kế đồ họa là ngành nghệ thuật ứng dụng, thông qua việc sắp xếp hình ảnh, chữ cái, màu sắc, bố cục để tạo ra các sản phẩm đẹp, bắt mắt, từ đó truyền tải thông điệp, ý tưởng sáng tạo và tư duy thẩm mỹ của cá nhân hay tổ chức. Sinh viên Công nghệ thông tin chuyên ngành Thiết kế đồ họa ngoài nền tảng cơ bản về kỹ thuật phần mềm và lập trình web, còn được trang bị nhiều kỹ năng chuyên môn về nghệ thuật, thiết kế, kết hợp giữa công nghệ và đồ họa, tư duy sáng tạo và cách nắm bắt các xu hướng thiết kế mới.
Kỹ năng chuyên ngành: Thiết kế dàn trang cho các ấn phẩm tạp chí, sách báo; diễn họa các công trình kiến trúc nội - ngoại thất bằng AutoCAD; thiết kế 2D, 3D - sản xuất game, hoạt hình, quảng cáo, diễn họa 3D; kỹ thuật làm phim - viết kịch bản, quay phim, xử lý hậu kỳ…
Sinh viên ra trường có kiến thức nền tảng kết hợp giữa công nghệ máy tính, truyền thông, mỹ thuật cùng với kỹ năng thiết kế và tư duy thẩm mỹ, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của nền công nghiệp giải trí, sáng tạo và công nghệ hiện đại. Các cử nhân sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa có thể làm các công việc như: chuyên viên thiết kế 2D, 3D; thiết kế logo, nhận diện thương hiệu; thiết kế game, hoạt hình; diễn họa nội thất; xử lý tiền kỳ - hậu kỳ; nghệ sĩ minh họa hình ảnh…
Điều kiện để đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ thông tin:
Năm 2022, trường Đại học Đông Á dự kiến xét tuyển ngành Công nghệ thông tin với 3 phương thức:
- Xét điểm thi TN THPT
- Xét điểm học bạ THPT
- Xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Để tìm hiểu thêm các thông tin có liên quan đến ngành như: Phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, cơ hội việc làm,… bạn có thể vào website, fanpage của trường để xem xét chi tiết hơn nhé!
Đăng ký trực tuyến tại đây:
XEM THÊM CÁC THÔNG TIN HỮU ÍCH KHÁC
Đề án tuyển sinh ĐH Đông Á năm 2022
Lý do bạn nên học Công nghệ thông tin tại ĐH Đông Á
Vai trò và cơ hội việc làm nhóm ngành máy tính và Công nghệ thông tin hiện nay
THAM KHẢO HỌC PHÍ NĂM 2021 THEO NGÀNH