Sinh viên Truyền thông đa phương tiện và Marketing ĐH Đông Á: Học nhiếp ảnh từ triển lãm ảnh

Triển lãm ảnh “Đà Nẵng ký ức và hiện tại” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh đang hiện hữu tại không gian Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Sau nghi thức khai mạc vào chiều ngày 8/3/2023, sáng ngày 9/3/2023, tác giả của triển lãm đã có buổi nói chuyện với các bạn sinh viên chuyên ngành Trường Đại học Đông Á.

Một giờ học đầy thú vị và xúc cảm khi chung quanh “lớp học” là “sản phẩm của quá trình sáng tạo, lao động miệt mài”. Tác giả sử dụng ngay tác phẩm để trả lời câu hỏi từ phía người xem, người nghe và ngược lại, các bạn sinh viên cũng chọn chính các tác phẩm để đặt (hay minh họa) cho câu hỏi của mình.

Không gian trưng bày chuyên đề tầng 1 của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sáng ngày 9/3/2023 dường như nhỏ lại, chật chội hơn trước số lượng sinh viên đến tham dự chương trình giao lưu. Trong bầu không khí đồng điệu ấy, tác giả cũng tâm sự sâu về nghề, về bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi. Có cả những thổ lộ, tâm tình, lần đầu tiên Nghệ sỹ Ông Văn Sinh mở lời…

Triển lãm với góc nhìn từ công chúng trẻ

“Gây bất ngờ và ấn tượng mạnh cho em là bức ảnh Cầu vượt ngã ba Huế (Đà Nẵng) với hiện trạng khi chưa có cầu vượt, so sánh với khi đã có cầu vượt. Bức ảnh khơi lại ký ức, nên nhiều kỷ niệm trong em tràn về. Nhà em ở khu vực ngã ba Huế, từng khổ sở với cảnh kẹt xe mỗi khi đi học hay lúc có việc phải ra đường. Nhưng em cảm nhận rằng, đó cũng chính là quê hương, quê nhà, nơi em được sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành. Mỗi bức ảnh như cùng em, có một chuyến hành trình tìm lại những kỷ niệm, gợi lên một cảm xúc riêng. Bức ảnh so sánh của hiện tại cho em nhận ra những đổi thay bất ngờ của quê hương em: thành phố Đà Nẵng. Và một tấm ảnh của ký ức thì giúp em hiểu hơn, ngày xưa các thế hệ ông, bà, cha, mẹ mình đã sống, sinh hoạt, làm lụng mưu sinh như thế nào…, vùng đất ấy, nơi chốn ấy, ngày xưa là thế!

Khi xem gần hết các tác phẩm triển lãm, trong em, nhận thức cũng thay đổi nhiều, biết thêm nhiều điều về chính quê hương mình. Em như được mở mang tầm mắt, niềm tự hào về quue hương Đà Nẵng dâng trào”, bạn Nguyễn Trang Hoàng Ái, sinh viên trường Đại học Đông Á, bộc bạch cảm xúc.

Còn với Lê Thanh Phúc, một “đồng môn” khác của Hoàng Ái, thì “triển lãm cho em thêm nhiều kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa của quê hương Đà Nẵng. Có những địa danh (được tác giả chú thích kỹ càng cho tác phẩm, cùng thời điểm bấm máy), thôi thúc em tìm hiểu rõ hơn địa danh đó bây giờ là ở đâu ? cộng đồng ở địa danh ấy gắm với mưu sinh bằng nghề gì ? tập tục văn hóa có nét gì đặc trưng thông qua sinh hoạt, lễ hội… Đúng là một buổi học thực sự cho chúng em.

Có những tác phẩm bao gồm 2 ảnh (Ký ức và Hiện tại), giúp em hiểu hơn một Đà Nẵng khi em và các bạn còn chưa ra đời với một Đà Nẵng của ngày nay trong xu thế phát triển. Em đặc biệt chú ý những bức ảnh của ký ức, bởi hình ảnh đó giờ không còn nữa, nhường chỗ cho một đô thị, một khu dân cư hay công trình mới. Trong em, ngày xưa, Đà Nẵng có phần nhỏ bé và lạc hậu. Còn ngày nay, thành phố bên sông Hàn là một đô thị hiện đại, nhiều ngôi nhà cao tầng, nhiều cây cầu đã trở nên nổi tiếng. Em đã hiểu rõ hơn chiều dài lịch sử phát triển của quê hương mình”.

Triển lãm ảnh nghệ thuật, chủ đề “Đà Nẵng ký ức và hiện tại” của tác giả Ông Văn Sinh là một trong nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 2023); chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 2023, triển lãm sẽ kéo dài đến 31/3/2023 ); kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam và chào mừng Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Ban Tổ chức (Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng), khẳng định - trong thông điệp gửi đến các cơ quan báo chí rằng “đây là triển lãm giúp công chúng và du khách thêm một góc nhìn về lịch sử phát triển của mảnh đất và con người Đà Nẵng qua nghệ thuật nhiếp ảnh”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng – chia sẻ thêm: Bảo tàng đã lên ý tưởng từ hơn nửa năm trước, khi tác giả Ông Văn Sinh lần đầu tiên ra mắt tập sách ảnh cùng tên. Nhận thấy rõ những giá trị nghệ thuật cũng như giá trị về mặt tư liệu, mà những bức hình quý giá đó mang lại, Bảo tàng đã sớm liên hệ với tác giả, và chúng tôi cùng hình thành một triển lãm đầy ấn tượng hôm nay.

Triển lãm lần này (với 52 tác phẩm chia thành 2 chủ đề: Đà Nẵng ký ức và Đà Nẵng hiện tại), có những điều ý nghĩa và thú vị. Thứ nhất, triển lãm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh chân thực, sinh động, đẹp đẽ về Đà Nẵng cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Và một điều thú vị nữa, khi xem triển lãm, chúng ta cảm nhận người nghệ sĩ đã kiên trì và kỳ công khai thác cùng một góc máy, để ghi lại giữa cảnh xưa và nay. Một và nhiều câu chuyện về sự thay đổi, phát triển đi lên của thành phố xuyên suốt chiều dài lịch sử cả gần nửa thế kỷ, giúp công chúng và du khách hiểu hơn về mảnh đất và con người Đà Nẵng qua ngôn ngữ nhiếp ảnh”.

Được biết, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh đã quyết định hiến tặng toàn bộ 52 tác phẩm ảnh (in trên chất liệu canvas) cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Để phát huy tối đa giá trị, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục trưng bày giới thiệu đến công chúng vào những dịp đặc biệt; cũng như phối hợp thực hiện các chương trình triển lãm lưu động đến trường học, địa điểm công cộng, điểm đến văn hóa trên địa bàn thành phố...

Học nhiếp ảnh từ triển lãm ảnh

“Thưa bác Ông Văn Sinh, để có một đam mê và quá trình sáng tạo kỳ công như thế này, bác đã đến với nhiếp ảnh như thế nào ạ ? Hay cơ duyên nào đã đưa bác đến với nhiếp ảnh ?”.

“Theo cháu được biết, chân dung là một thể loại khó của nhiếp ảnh, càng khó hơn khi chụp và thể hiện một ảnh chân dung với thần thái bộc lộ cảm xúc của nhân vật. Để chụp được, chúng cháu phải chụp như thế nào ?”.

“Để chụp một tác phẩm ảnh nghệ thuật, người chụp cần những gì và kỹ thuật chụp phải thế nào để tính nghệ thuật nổi bật lên tác phẩm ?”.

“Thưa bác Ông Văn Sinh, triển lãm của bác, giới thiệu cả hình ảnh ký ức lẫn hiện tại của Đà Nẵng, cháu muốn biết cảm xúc của bác khi so sánh giữa 2 tác phẩm, được chụp ở hai thời điểm cách nhau rất xa. Đặc biệt, cảm xúc của bác khi xem lại bức ảnh của giai đoạn Đà Nẵng ký ức ?” ….

Đây là một số câu hỏi trong những câu hỏi được các bạn sinh viên chuyên ngành Trường Đại học Đông Á, gửi đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh, tại buổi giao lưu. Sau mỗi câu hỏi hay phần trả lời, đều có những tiếng vỗ tay vang lên, trân trọng cả hai. Thắc mắc, hỏi cũng là cách học; đón nhận câu trả lời cùng những kinh nghiệm trao truyền của “người Thầy” đã cầm máy mấy chục năm, đã thành danh, giàu tâm huyết với Nghề, với Đời, là cơ hội bồi đắp thêm kiến thức và được truyền cảm hứng. Tràng vỗ tay nào cũng xuất phát từ tán thưởng giá trị của nội dung hỏi, lẫn trả lời.

“Thầy và trò chúng tôi vô cùng vui mừng khi được gặp gỡ và nghe nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh chia sẻ. Trong thời đại số hóa và phát triển của công nghệ thông tin, ngôn ngữ ảnh đã trở thành phương tiện truyền thông quan trọng, không thể thiếu trong các hoạt động truyền thông.

Hình ảnh trong truyền thông, giúp truyền tải thông điệp sinh động, chân thực và ấn tượng khi quảng bá một nội dung đến công chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ ảnh cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp mới tạo ra hiệu quả tốt nhất trong truyền tải thông điệp. Người sử dụng phải có khả năng lựa chọn, sắp xếp hình ảnh, tạo nên một câu chuyện, một thông điệp thú vị, dễ hiểu. Một buổi học bổ ích cho các em sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện và Marketing”, TS Lê Bách Giang – Trưởng khoa Marketing, trường Đại học Đông Á bày tỏ.

“Xem triển lãm và tham dự buổi nói chuyện, được giao lưu cùng tác giả bộ ảnh “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại”, nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh, em rút ra được nhiều bài học riêng cho bản thân.

Trước hết, phải nắm vững các kỹ năng và những yêu cầu của kỹ thuật nhiếp ảnh, có tư duy sáng tạo trong cách chụp và đặc biệt, để có tác phẩm tốt người chụp phải lao động thật sự, như bác Ông Văn Sinh. Bác không ngại lặn lội, đi lại nhiều lần và tìm kiếm những vị trí bấm máy để có tác phẩm ưng ý nhất, hiệu quả truyền thông tốt nhất. Thứ hai, phải đọc, phải học thêm để có kiến thức nền vững vàng, cũng như luôn cập nhật hiểu biết về văn hóa, địa lý, lịch sử. Khi đã vững kiến thức nền, kết hợp kỹ năng nhiếp ảnh, mới có thể tạo ra tác phẩm giàu nội dung, có cảm xúc. Người xem tinh ý sẽ nhận ra bức ảnh muốn nói gì với họ ?”, bạn Lê Thanh Phúc chia sẻ.

Còn với bạn Nguyễn Trang Hoàng Ái, thì “em đã hiểu hơn sức mạnh, giá trị của ngôn ngữ ảnh. Khi truyền gửi một thông điệp đến công chúng, bằng kỹ thuật, bằng chuyên môn và trách nhiệm, tâm huyết với công việc, người gửi đi thông điệp phải tạo nên một tác phẩm, một sản phẩm có chất lượng, có sức thuyết phục. Người xem phải cảm nhận được, nhận diện được nhiều yếu tố thông tin, chủ đề tư tưởng, giá trị thông điệp; nếu là sản phẩm dịch vụ thì nhận diện được thương hiệu, bắt đầu sự quan tâm đến sản phẩm dịch vụ đó. Mà muốn vậy, ngay từ khâu bấm máy đã phải là một quá trình hành nghề nghiêm túc, có trách nhiệm, thành thạo kỹ năng”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh lưu ý với các bạn trẻ: Nhiếp ảnh ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong truyền thông hiện đại, giúp chúng ta truyền tải thông tin và trải nghiệm một cách rõ ràng, mạch lạc và đầy cảm xúc. Nhiếp ảnh được sử dụng rộng rãi trong báo chí vừa tham gia vào quá trình để truyền tải thông tin, vừa làm sáng tỏ thêm tính chân thực, tính khách quan, của sự kiện được phản ảnh trong bản tin, bài viết. Có trường hợp, hình ảnh có giá trị như một minh chứng, hay một khoảnh khắc lịch sử.

Trong quảng cáo, hình ảnh quảng cáo đẹp, có tính nghệ thuật cao, có thể giúp tăng độ nhận biết, thương hiệu, gợi cảm xúc và thu hút khách hàng. Đôi khi một bức ảnh quảng cáo chất lượng cao, còn tạo sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ của nhà sản xuất.

Truyền thông xã hội, các trang web, các mạng xã hội sử dụng rất nhiều hình ảnh để truyền tải và giao tiếp với người dùng, hình ảnh đẹp và ấn tượng trên trang web của cá nhân hay trên mạng xã hội hay của doanh nghiệp có thể thu hút sự chú ý , tăng lượt tương tác của người dùng. Theo nghiên cứu, 85% người dùng trên internet có ấn tượng nhiều hơn với những bài viết có kèm hình ảnh. Nhiếp ảnh, rõ ràng có vai trò quan trọng không nhỏ trên nhiều lĩnh vực và hình thái tương tác. Có khi, chỉ cần có một vài hình ảnh cũng đã nói lên được khá nhiều vấn đề.

Mong các em luôn nỗ lực cao hơn, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo, tình yêu nghề nghiệp và cả đam mê đối với lĩnh vực này, và hãy sử dụng tốt ngôn ngữ ảnh trong công việc, trong đời sống, khẳng định giá trị của bản thân, đóng góp cho cộng đồng.

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí