Khai mạc triển lãm mỹ thuật Miền ký ức tại Đại học Đông Á

Triển lãm mỹ thuật mang tên Miền ký ức đã chính thức khai mạc tại Đại học Đông Á.

Triển lãm mỹ thuật Miền ký ức quy tụ 30 tác phẩm của 5 tác giả, được sử dụng ở đa dạng chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic, đồ họa in,... "Miền ký ức" được đánh giá là sự gặp gỡ, tụ hội rất rộng về không gian và sinh động ở nội dung nghệ thuật với sự tham gia của các họa sĩ từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và cả họa sĩ từ Mỹ. 

Tại triển lãm trưng bày những tranh khắc gỗ truyền thống của tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước Trần Nguyên Đán thật sự là một “của hiếm” khi ngày càng ít thấy tranh đồ họa khắc gỗ truyền thống ở các triển lãm quốc gia, khu vực. Hơn nữa, những nỗi niềm, ký ức tươi nguyên và cả sự nuối tiếc về quá khứ đẹp đẽ trong tranh của Trần Nguyên Đán sẽ níu kéo chúng ta trong sự bồi hồi xao động trước những cái đẹp của mọi miền đất nước. Tranh của ông thể hiện rõ kỹ năng sáng tạo của một họa sĩ đồ họa có tay nghề vững vàng, điêu luyện và có tìm tòi kỹ thuật tạo hình khá độc đáo. Những suy tư, trăn trở về văn hóa cội nguồn ở họa sĩ dù rất kín đáo nhưng vẫn khó giấu được nét thoáng âu lo trước bao cái đẹp bình dị của cuộc sống dường như ngày càng rời xa, mất dấu.

Với tác giả Ngô Duy Cường - Việt kiều ở Mỹ, tranh của ông đầy sự suy tư, hoài nhớ quê hương. Điều này có thể làm cho nhiều họa sĩ trong nước cũng có chút ưu tư, tại sao nhiều vẻ đẹp quen thuộc quanh ta lại dễ bị bỏ qua mà một họa sĩ sống xa xứ, qua sáng tác của mình lại khắc sâu, đầy nhung nhớ một cách chân tình như vậy. Tác phẩm của họa sĩ có thể gợi mở về quá khứ trong hiện tại. Có lẽ là một người Việt sống xa xứ nên tình cảm của ông về quê hương luôn trở thành những cảm xúc sâu lắng, thân thương và lay động nhất.

Họa sĩ Phan Thanh Bình không giấu nổi hoài nhớ về những bóng giai nhân, có lẽ vì vậy chúng không bao giờ phôi pha mà trở nên ẩn hiện trong tranh của ông với màu lam xám sương khói mộng mị. Họa sĩ Nguyễn Vũ Lân có phong cách dễ nhận diện theo mỗi định hướng sáng tạo hoài cổ của mình và góp phần tạo nên miền ký ức đa diện.

Vẻ đẹp cổ thành rêu phong trầm mặc, những bức tường phế tích loang lổ ở xứ Huế quê hương nên tranh của anh dễ thấm vào lòng người bởi sự đồng cảm. Trong khi đó, họa sĩ Ngô Thanh Hùng lại mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết trong tranh trừu tượng như dòng chảy nối liền mạch lịch sử với bao khát khao của sự níu kéo thời gian. Có lẽ sự giống nhau và khác biệt ở mỗi họa sĩ đã đem lại cho công chúng những sự trải nghiệm và cảm nhận thú vị, tính tế từ mỗi tác phẩm của triển lãm.

"Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này chưa hẳn là những sáng tác tốt nhất nhưng đó là một phần của ký ức, là sự ghi nhớ về quá khứ luôn lay động trong tư duy và thôi thúc cảm hứng sáng tạo của người họa sĩ. Mỗi hình ảnh, hoài niệm khi lên mặt tranh dường như vẫn chưa thể buông bỏ hết màu thời gian nhưng đó là sự đam mê, niềm hạnh phúc, đầy day dứt và hoài niệm…", PGS.TS Phan Thanh Bình - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế chia sẻ tại khai mạc triển lãm.

TS. Nguyễn Vũ Lân - Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng Đại học Đông Á, cũng là một trong các tác giả có tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này, cho biết: "Triển lãm mỹ thuật là cơ hội cho sinh viên và các bạn yêu mến nghệ thuật gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và hiểu biết hơn qua những tác phẩm của từng họa sĩ khác nhau. Đồng thời cũng là không gian giao lưu nhằm khuyến khích sự sáng tạo và phát triển kỹ năng nghệ thuật của sinh viên thông qua việc tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật đa dạng và phong phú."

Được biết, triển lãm mỹ thuật Miền ký ức được kéo dài đến hết ngày 25-11 tại Đại học Đông Á.

Đại học Đông Á eMagazine khác