Xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ giảng đường

Sáng ngày 19/11/2014, trường ĐH Đông Á tổ chức buổi tọa đàm “Từ văn hóa giảng đường đến văn hóa doanh nghiệp” nhằm giúp sinh viên được trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp những tình huống có thật trong thực tế học tập cũng như công việc.

Tham gia buổi tọa đàm có bà Lê Thị Châu - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Châu, ông Nguyễn Quan Hoàng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster (Đà Nẵng), ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó giám đốc Công ty cổ phần du lịch Việt Nam Vitours và gần 10 doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Buổi tọa đàm được dẫn dắt bằng tiểu phẩm được xây dựng từ những hình ảnh rất đời thực, một câu chuyện về văn hóa giao tiếp nơi công sở, hay nói rộng hơn là văn hóa doanh nghiệp để đặt ra câu hỏi mà những sinh viên sắp sửa rời giảng đường đều lo lắng là làm thế nào để phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

Trả lời cho câu hỏi “Sinh viên được trang bị đầy đủ về văn hóa doanh nghiệp trước khi hòa nhập vào công việc thì có lợi thế gì và doanh nghiệp được lợi như thế nào?”, ông Lê Tấn Thanh Tùng chia sẻ: “Đã là doanh nghiệp thì cần đạt hiệu quả, vì vậy chúng tôi cần nhân viên làm tốt, có kinh nghiệm. Sinh viên ra trường thường mắc lỗi quá tự ti vì thiếu kinh nghiệm, hoặc quá tự tin vì cho rằng mình giỏi, rất nguy hiểm. Tôi thấy phương châm của sinh viên ĐH Đông Á Sống đẹp – Chất lượng – Trách nhiệm là rất đúng. Không tự mãn, chịu làm việc nhỏ và tạo thiện cảm với doanh nghiệp sẽ tốt hơn cho các bạn ngay cả khi thực tập hay vào làm việc chính thức”.

Đối với vấn đề “sai vặt” để xem xét thái độ hay là không tin tưởng khi học việc, thực tập của doanh nghiệp đối với sinh viên mới ra trường, bà Lê Thị Châu cho rằng: “Với tôi, khi tuyển dụng nhân viên, tôi luôn khuyến khích sự tự tin nhưng thêm chút khiêm tốn, khuyến khích sáng tạo nhưng phải tôn trọng những người đi trước. Tôi rất quý sinh viên mới ra trường vì kiến thức các em mới cập nhật, năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, mình là lính mới, cần vui vẻ làm nhiệm vụ. Chúng tôi hoàn toàn khuyến khích các bạn thể hiện bản thân và cống hiến kiến thức đã học”.

Bàn về vấn đề sinh viên mới ra trường làm thế nào để có đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quan Hoàng nói: “Doanh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng thường phân ra hai nội dung người có kinh nghiệm và sinh viên mới tốt nghiệp, do nhu cầu đặc thù của công việc khác nhau và cũng để đảm bảo nguồn nhân lực cân đối trong công ty. Đối với sinh viên mới ra trường chúng tôi cũng rất muốn tiếp nhận để có thể tạo ra môi trường cạnh tranh cho nhân viên cũ. Khi bước vào doanh nghiệp, điều đầu tiên là các em thể hiện thái độ tốt, hòa nhập với môi trường bằng thiện ý cầu thị nhất, biết đề bạc ý kiến, nguyện vọng với người hướng dẫn để đạt kết quả tốt nhất”.

Rất nhiều câu hỏi khác do sinh viên đặt ra xung quanh vấn đề làm thế nào để sinh viên tích lũy được kinh nghiệm phù hợp với công việc thực tiễn; Làm thế nào để doanh nghiệp tin tưởng giao việc cho sinh viên, hay sinh viên cần làm gì để hiểu biết và có sự chuẩn bị tốt hơn về văn hóa doanh nghiệp trước khi chuyển tiếp từ môi trường giảng đường sang doanh nghiệp đều được giải đáp cụ thể. Các doanh nghiệp đa phần đề cao tinh thần cầu tiến, sáng tạo của sinh viên, khuyến khích các em tự tin thể hiện năng lực của mình. Tuy nhiên cũng nhấn mạnh về yêu cầu khiêm tốn học hỏi, chấp nhận thực hiện những công việc nhỏ nhất và phải luôn học hỏi bằng các hoạt động ngoại khóa ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Kết thúc buổi tọa đàm, sinh viên ĐH Đông Á đã rút ra cho mình nhiều bài học, và khẳng định chắc rằng tất cả sinh viên hôm nay sẽ cùng quyết tâm xây dựng nét đẹp văn hóa giảng đường trong sinh viên Đông Á, để góp phần đóng góp cho doanh nghiệp nhiều hơn, tin rằng họ sẽ là người rất trách nhiệm với công việc và xả thân vì tổ chức sau này.