Sáng nay (17-9), Phòng Bảo vệ an ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng (BVANNB & VHTT) CATP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết công tác đảm bảo ANCT và quản lý học sinh, sinh viên (HSSV) ngoại trú các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), THCN theo tinh thần thực hiện nội dung Thông tư liên tịch số 10/2002TTLT/BGD&ĐT - BCA giữa Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ CA.
Nhìn lại hơn 6 năm thực hiện nội dung thông tư tại TP Đà Nẵng, phong trào đã có những tiến triển tốt, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, QPAN của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian đến ngành Giáo dục và CA cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc thực hiện các quy chế, mô hình quản lý HSSV, bởi trên thực tế, những biểu hiện vi phạm pháp luật trong HSSV ngày một nhiều...
Những con số buồn
Đại tá Nguyễn Ngọc Dương, Trưởng phòng BVANNB & VHTT - CATP trăn trở: “Những năm gần đây, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin, internet kéo theo những mặt trái tiêu cực đã tác động không nhỏ vào học đường dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ANTT, làm gia tăng tội phạm và TNXH, đặc biệt là tội phạm ma túy, thi thuê, thi hộ, sử dụng văn bằng chứng chỉ giả... ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục. Trong khi đó, nhiều trường chỉ quan tâm đến đầu tư cho đào tạo chuyên môn, ít quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm và TNXH, quản lý giáo dục HSSV... nên những hành vi vi phạm pháp luật ở học đường ngày một diễn biến phức tạp”.
Đà Nẵng là thành phố trọng điểm kinh tế của miền Trung, hiện có 8 trường ĐH, 18 trường CĐ, 11 trường THCN với khoảng 120.000 HSSV, trong khi đó ký túc xá các trường chỉ đáp ứng được 15%, nên công tác quản lý của các ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBNDTP về công tác đảm bảo ANCT và TTATXH trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, lực lượng CA các cấp đã triển khai nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ chuyên trách các trường, cơ sở đào tạo, tuy nhiên số lượng HSSV vi phạm pháp luật vẫn âm ỉ diễn ra.
Từ năm 2003 đến 2009, lực lượng CA đã xử lý 755 đối tượng HSSV vi phạm pháp luật, trong đó 87 trường hợp bị khởi tố. Riêng năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, đã tiến hành khởi tố 17 vụ/57 đối tượng liên quan đến hành vi cướp, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, trộm cắp và xử lý hành chính 116 vụ. Tình trạng HSSV liên quan đến vấn nạn ma túy, vi phạm luật giao thông cũng đang ở cấp báo động đỏ với 2 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, 5 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy (so với năm 2007 tăng 2 vụ, 3 đối tượng); 457 trường hợp vi phạm luật giao thông các lỗi vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng bị xử lý, phạt tiền hàng chục triệu đồng...
Chung tay xây dựng giảng đường không tội phạm và TNXH
“Nếu tất cả các trường đều chung tay phối hợp, ký kết quy chế liên tịch với cơ quan CA các cấp để thường xuyên trao đổi thông tin, xây dựng những mô hình hay trong công tác quản lý HSSV, giải quyết tận gốc những vấn đề nảy sinh phức tạp về ANCT trong nhà trường và xã hội, tôi tin hằng năm cuộc vận động xây dựng mái trường “2 không” - không tội phạm và TNXH- sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt”, đại tá Nguyễn Ngọc Dương bộc bạch.
Với những gì chúng tôi ghi nhận được thì từ khi ngành CA, GD- ĐT Đà Nẵng phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2002TTLT/BGD&ĐT - BCA về công tác đảm bảo ANTT và quản lý HSSV ngoại trú các trường ĐH, CĐ, THCN, nhiều trường đã có những cách làm hay từ các cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng đội thanh niên tình nguyện, công tác xã hội, tuần giáo dục pháp luật”, “Ban tự quản ký túc xá”... nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh phức tạp liên quan đến HSSV về ANCT trong nhà trường và các khu dân cư.
Ở Trường ĐH Đông Á, không chỉ tập trung đầu tư cho đào tạo, Ban giám hiệu (BGH), Phòng Công tác HSSV trường luôn đặt vấn đề an sinh ngoại trú của HSSV lên hàng đầu. Ngoài việc ký kết phối hợp công tác quản lý HSSV với CA các phường, nhà trường còn duy trì khá tốt quy định giao ban thường niên giữa BGH với ban cán sự, ban chấp hành chi đoàn các lớp để phản ảnh tình trạng vi phạm pháp luật của HSSV. Ở đó, mọi người có quyền thảo luận thoải mái, thẳng thắn phê bình, đưa ra hình thức kỷ luật đối với những HSSV vi phạm pháp luật, qua đó răn đe những HSSV khác.
Thầy Hoàng Ngọc Phi, Trưởng phòng Công tác HSSV tự hào về những kết quả nhà trường đã đạt được trong những năm qua: “Trong tổng số hơn 5.000 HSSV chúng tôi đang quản lý, trước khi thực hiện quy chế phối hợp, mỗi năm nhà trường xử lý tới trên dưới 20 HSSV vi phạm pháp luật (từ cảnh cáo đến đình chỉ học 1 năm, buộc thôi học). Nhưng những năm gần đây, số lượng HSSV vi phạm chỉ tính trên đầu ngón tay, chủ yếu rơi vào lỗi vi phạm luật ATGT, bị đưa ra cảnh cáo trước lớp”.
Cũng như ĐH Đông Á, Trường ĐH Duy Tân thông qua quy chế phối hợp với lực lượng CA, cuối mỗi kỳ học, HSSV phải làm thủ tục xin giấy xác nhận xét phẩm chất công dân, quan hệ cộng đồng tại địa phương mình cư trú để nhà trường có cơ sở xếp loại đạo đức, hạnh kiểm... Đây cũng là 2 trong số những đơn vị trường học được lãnh đạo Phòng BVANNB & VHTT đánh giá cao tại những đợt sơ kết đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp hằng năm.
Đại tá Nguyễn Ngọc Dương một lần nữa nhấn mạnh: “Sau hội nghị đánh giá tổng kết lần này, đơn vị sẽ cùng với BGH các trường cùng nhau xây dựng chương trình, tập trung đẩy mạnh các phong trào phát động toàn dân BVANTQ, vận động tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, HSSV trong phạm vi trường học cũng như ngoài cộng đồng. Mục tiêu chung mà chúng tôi hướng tới trong những năm tới đây là phải chung sức, chung lòng, làm sao xây dựng được những giảng đường bình yên, không có tội phạm và TNXH...”.
Công Hạnh (Theo CAĐN)