(HNMO) - Sáng 19/5, tại trường ĐH Đông Á hơn 1.000 sinh viên đã tham gia “Kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sinh viên ĐH Đông Á kêu gọi bảo vệ hòa bình biển Đông”.
Từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình biển Đông nóng lên từng ngày do nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và hành xử ngang ngược, đầy bạo lực với tàu Việt Nam chúng ta đang thực thi nhiệm vụ chấp pháp, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, an toàn trên biển Đông.
Sinh viên ĐH Đông Á đóng góp ủng hộ chương trình “Hướng về biển Đông”
Nhằm phản đối hành động ngang ngược trên, cùng các hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở Đà Nẵng, hoà cùng nhịp đập hàng triệu trái tim người dân yêu nước đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng đã đối thoại trực tiếp với sinh viên về tình hình biển Đông, Công ước quốc tế về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC), thông báo tinh thần và ý chí bảo vệ biên cương Tổ quốc của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và toàn dân đang làm nhiệm vụ trên biển. Cung cấp thông tin, tài liệu chính xác về chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển đang bị Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép. Cuộc đối thoại còn định hướng tư tưởng cho sinh viên, giúp sinh viên ĐH Đông Á hôm nay thêm tự hào về truyền thống dân tộc và bản lĩnh trước những diễn biến của thời cuộc, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn qua những hành động tích cực.
Mỗi cán bộ, giảng viên trích ủng hộ mỗi người hai ngày lương; sinh viên toàn trường bớt một ly cà phê sáng vào quỹ ủng hộ của báo Thanh niên và Tuổi trẻ. Toàn bộ số tiền quyên góp 100 triệu đồng từ SV, thầy cô sẽ tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân đang ngày đêm kiên trì bám tàu bám biển, giữ bình yên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc qua chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” của báo Tuổi Trẻ và chương trình “Hướng về biển Đông” do Báo Thanh Niên tổ chức.
SV trường ĐHĐA cũng thông qua Hội nghề cá TP. Đà Nẵng trao tặng 200 lá cờ Việt Nam cho các tàu ngư dân Đà Nẵng đang đóng tại âu thuyền Thọ Quang. Mỗi lá cờ được gắn trên tàu tiến ra Hoàng Sa sẽ là một lời khẳng định mạnh mẽ nhất về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Động viên các ngư dân kiên cường bám tàu bám biển, bảo vệ ngư trường Hoàng Sa, gìn giữ công lao khai phá của ông cha để lại. Màu cờ dân tộc Việt Nam sẽ mãi tô đỏ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, ĐH Đông Á đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến các vấn đề về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ngày truyền thống Sinh viên Việt Nam (9/1/2013), ĐH phát động quyên góp Quỹ “Sinh viên Đông Á vì biển đảo quê hương” và đóng góp được số tiền 40 triệu đồng ủng hộ huyện đảo Hoàng Sa. Ngày 20/11/2013, hơn 2.000 sinh viên và giảng viên tham gia nhắn tin, ủng hộ ngư dân trong chương trình “Tấm lưới nghĩa tình, vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐVN, Báo Lao Động và Quỹ Tấm lòng vàng phối hợp thực hiện. Gần đây nhất, ngày 24/3/2014, ĐH Đông Á phối hợp với Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm "Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam" ngay tại trường, trong đó, cùng với 70 tư liệu, hiện vật được trưng bày, sinh viên ĐH Đông Á đã trao tặng bức tranh cát hình bản đồ Việt Nam, trong đó thể hiện đậm nét chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Bảo tàng Đà Nẵng.
Anh Thư
Nguồn: Hà Nội mới