(Công Thương) - Đây là mối quan tâm hàng đầu, là hành trang cần thiết của của những người trẻ cả trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như ngay khi bước vào cuộc đời này.
Kỹ năng làm việc nhóm và phỏng vấn xin việc
Bài tập thực hành của lớp tập huấn kỹ năng làm việc theo nhóm được chuyên gia Toshikazu Suzuki bắt đầu bằng việc phân nhóm sinh viên thành các vòng tròn và chuyền cho nhau một quả bóng nhựa. Tất cả sinh viên đều có một lượt nhận bóng và một lượt chuyền bóng, nhóm nào hoàn thành với thời gian ngắn nhất mà không để xảy ra lỗi là thắng. Đó là một ví dụ điển hình để ông chứng minh rằng khi đứng trong một tập thể, các cá nhân đều cố gắng hết sức vì một mục tiêu chung thì kết quả công việc sẽ tốt hơn so với các cá nhân tự làm hoặc là tập thể cùng làm nhưng không có sự cộng hưởng. Khái niệm làm việc theo nhóm (Teamwork) ở đây được cấu thành bởi 3 điều kiện: chia sẻ mục tiêu, cùng hợp tác hướng về mục tiêu chung và phát huy vai trò của từng thành viên trong nhóm.
Để đạt được mục tiêu cần có tinh thần phê bình, đóng góp ý kiến mang tính xây dựng; hỗ trợ lẫn nhau. Việc thừa nhận ưu điểm và biết được nhược điểm khác của thành viên trong nhóm là thành công bước đầu của hoạt động này. Không chỉ nhìn nhận mặt tốt của nhau mà còn dám thẳng thắn nói lên những điều mà mình cho là không đúng. Thêm vào đó, để tăng sức mạnh đoàn kết cần thiết phải phân chia nhiệm vụ thích hợp sao cho mỗi người phát huy được thế mạnh của mình, bổ sung hỗ trợ điểm yếu của người khác. Teamwork đối lập với hình thái độc tài và không đồng nhất với hình thái bạn bè - vốn làm việc dựa trên tình cảm. Sinh viên Trương Thị Song Hương (Khoa Xã hội nhân văn, Đại học Đông Á) nói: “Theo em được biết những cuộc thi như Robocon hay làm tiểu luận là những việc làm cần tính tập thể cao. Trong thực tế, rất nhiều sinh viên chưa có thói quen làm việc nhóm, vì vậy tính cộng hưởng chưa cao. Chương trình này rất bổ ích với chúng em”.
Ông Toshikazu Suzuki - Tổng giám đốc công ty, người đã gắn bó rất nhiều năm trong công tác tổ chức đào tạo, huấn luyện, tư vấn về xây dựng tổ chức và thiết lập chiến lược phát triển tại Việt Nam cho rằng: “Không thể phủ nhận sự thông minh, cần cù của sinh viên Việt Nam nhưng vẫn còn một bộ phận các bạn trẻ còn yếu về kỹ năng làm việc nhóm. Chúng tôi mong rằng với những gì đã tạo dựng bấy lâu, sẽ góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bằng việc rèn luyện kỹ năng này. Thiếu nó là thiếu đi một yếu tố quan trọng của sự thành công”.
Nhiều sinh viên còn yếu kỹ năng phỏng vấn, xin việc
Ông Lý Thang Cương – chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính- khẳng định, kỹ năng phỏng vấn xin việc là không thể thiếu đối với một sinh viên khi ra trường. Tất cả kiến thức, lý thuyết được học từ trong nhà trường sẽ được đưa ra cuộc sống bằng một gạch nối mang tính chuyển tiếp. “Nếu phỏng vấn không thành công, không xin được việc làm thì những trang bị từ nhà trường chưa có nơi để sử dụng. Nhà tuyển dụng kinh nghiệm sẽ biết được năng lực, sở trường của bạn qua cách bạn thể hiện ở lần gặp đầu tiên. Đó có thể là phong thái, là cách giao tiếp hay thậm chí là ăn mặc… Quan trọng hơn là những gì bạn có sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển của doanh nghiệp”. Ông cũng cho rằng đây không phải là khái niệm mới nhưng đối với sinh viên, rèn luyện kỹ năng này không bao giờ thừa. Sắp ra trường, sinh viên Giang Thanh Minh (ngành Quản trị kinh doanh, khoa Kinh tế trường Đại học Đông Á thừa nhận: “Việc cầm một bộ hồ sơ đi tham gia tuyển dụng, phỏng vấn trực tiếp với chủ doanh nghiệp là một thử thách với sinh viên mới ra trường. Chương trình này là điều kiện để mình có thêm cẩm nang xin việc. Nhiều khi, do không tự tin, lúng túng hoặc thiếu kinh nghiệm mà sinh viên đánh mất cơ hội ngay từ vòng phỏng vấn”.
Tại Đà Nẵng, trường Đại học Đông Á đã xây dựng chương trình đào tạo theo hướng đạt 8 mục tiêu cho sinh viên khi ra trường đó là: giỏi chuyên môn nghề nghiệp; thông thạo công cụ tin học;hiểu biết cơ bản một ngoại ngữ; vận dụng tốt các kỹ năng; có kiến thức về quản lý điều hành; có khả năng cảm nhận nghệ thuật âm nhạc dân tộc; đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cộng đồng; sau cùng là có việc làm tốt.
Theo Ngọc Hạnh (Công thương)