Thiết thực hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy 4/10

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Thực hiện tốt công tác PCCC, đảm bảo an toàn là việc phải làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương, các đô thị lớn, khu đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Ngày 28/6/2017, CBGVNV Đại học Đông Á đã được tập huấn về công tác PCCC tòa nhà

Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước, đã nói lên tầm quan trọng của công tác PCCC. Từ đó đã làm dấy lên các phong trào PCCC đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và xã hội.

Để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa X nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã thông qua Luật phòng cháy chữa cháy có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2001, Luật PCCC quy định lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.

Tập huấn xử lý sự cố cháy nổ bình gas

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, tình hình cháy, nổ trên phạm vi cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) - Bộ Công an, trong năm 2015 xảy ra 2.792 vụ cháy, làm chết 62 người, bị thương 264 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.498 tỷ đồng và 1.623,2 ha rừng. Xảy ra 35 vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 41 người, thiệt hại về tài sản 896 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ cháy tăng 417 vụ, về người chết giảm 28 người… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy, nổ là do sự cố Hệ thống điện và thiết bị điện chiếm 51%; sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 23,3%. Trong đó không ít những vụ cháy, nổ xảy ra là do ý thức chủ quan, sự bất cẩn của con người, không được phát hiện sớm và sử lý kịp thời, dẫn đến bùng phát thành đám cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Vào dịp “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” 04/10 hàng năm, nhiều hoạt động phòng cháy, chữa cháy sôi nổi, thiết thực đã được tổ chức, tạo sự chuyển biến tích cực, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trực tiếp tham gia diễn tập xử lý sự cố cháy nổ bình gas

Để nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả trong công tác PCCC, CBGVNV và sinh viên Đại học Đông Á luôn tích cực đề phòng không để nạn cháy xảy ra, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như sau:

1. Thường xuyên kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc, học tập và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.

2. Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện.

3. Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, dây dẫn gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng.

4. Không đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn.

5. Không tàng trữ các chất nguy hiểm dễ cháy như: xăng, dầu, gas tại nơi làm việc và trong khu vực học tập, bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn.

6. Dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Hưởng ứng "Ngày toàn dân PCCC" và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy, mỗi người dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.