(Cadn.com.vn) - Dự án "Đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) cho người khuyết tật (NKT) do Tổ chức Catholic Relief Services (CRS) điều phối với nguồn tài trợ gần 9 tỷ đồng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã được khởi động giai đoạn 1 tại Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng vào ngày 3-12. Đây là cơ hội để NKT được học tập, làm việc và khẳng định khả năng của mình cũng như đóng góp cho xã hội.
* Đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ có thêm 200 người khuyết tật làm việc trong lĩnh vực CNTT
Chương trình đào tạo CNTT cho NKT đầu tiên tại miền Trung
Theo lộ trình, dự án Đào tạo CNTT cho NKT đầu tiên của khu vực miền Trung–Tây Nguyên với sự thông qua của Bộ GD-ĐT sẽ kéo dài từ nay đến năm 2015 với sự tham gia của hơn 250 học viên. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, dự kiến có khoảng 80% trong số này có việc làm và thu nhập ổn định. Tổng giá trị của dự án là 8,815 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của USAID và CRS là 6,15 tỷ đồng, Đại học Đông Á đóng góp gần 2,7 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án là khóa đào tạo cho 25 NKT với giá trị tài trợ hơn 800 triệu đồng. Các học viên sẽ được đào tạo kiến thức về CNTT như thiết kế đồ họa, lập trình, phát triển website... Theo đại diện của USAID và CRS, chương trình được xây dựng trên nền tảng mô hình tiên tiến đã thực hiện tại Hoa Kỳ và trải qua quá trình nghiên cứu chuyên sâu những đặc thù tại Việt Nam. Dự án hướng đến đào tạo những học viên có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà tuyển dụng không chỉ về chuyên môn CNTT mà còn là các kỹ năng mềm. Ông Richard Jonh Nyberg – Đại diện USAID cho rằng, dù đã nhận được sự quan tâm ngày càng cao của chính phủ, cộng đồng xã hội, nhưng NKT Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong giáo dục và tuyển dụng. Rất nhiều người trong số này không có cơ hội được học lên cao và vì thế tìm kiếm việc làm rất khó khăn. “Chương trình này tiếp tục là nội dung quan trọng trong sự hợp tác của chúng tôi đối với chính phủ Việt Nam. Chúng ta sẽ cùng tạo cơ hội đào tạo nghề, phát triển tiềm năng của NKT, xóa bỏ mọi kỳ thị để họ khẳng định mình”, ông Richard Jonh Nyberg nói.
Khai giảng khóa đào tạo đầu tiên của dự án Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật tại Đà Nẵng.
Khơi dậy tiềm năng của NKT
Khóa học đầu tiền gồm 25 học viên sẽ kéo dài 6 tháng với sự hỗ trợ hoàn toàn về chi phí học tập, ăn ở và đi lại. NKT được trang bị đầy đủ mọi dịch vụ tư vấn và làm quen, tiếp cận với các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực CNTT. Thạc sĩ Đỗ Sính – quyền Trưởng khoa CNTT Trường Đại học Đông Á, Phó ban phụ trách đào tạo của Dự án cho biết, ngay trong thời gian đào tạo, Dự án đã liên hệ với các doanh nghiệp để liên kết tuyển dụng ngay khi học viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, điều cơ bản nhất chính là chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu việc làm. “Ngoài việc học kiến thức chuyên môn, các em còn được trang bị các kỹ năng mềm nằm trong chương trình đào tạo đặc thù của nhà trường cũng như các kỹ năng hòa nhập cuộc sống cần thiết do các chuyên gia của dự án phụ trách”, Thạc sĩ Đỗ Sính cho hay.
Là một học viên được hỗ trợ tham gia khóa học này, anh Trương Tấn Dũng (trú P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ) cảm động: “Chúng tôi luôn luôn khát khao vươn lên trong cuộc sống để khẳng định rằng, dù mình có khiếm khuyết trên cơ thể nhưng không muốn là gánh nặng cho xã hội. Nếu được trao cơ hội, NKT hoàn toàn có thể làm việc, nuôi sống mình và đóng góp một phần cho xã hội”. Anh Dũng là một trường hợp có thể coi là “cử tuyển” vì trước khi tham gia khóa đào tạo này, anh đã tham gia dạy vẽ, dạy tin học cho nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng ở các trung tâm bảo trợ với mức lương gần 1 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2007, USAID và CRS đã hợp tác với Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội (ESTIH) và Đại học Văn Lang TPHCM tổ chức khóa đào tạo những kỹ năng CNTT như: thiết kế đồ họa, mô phỏng 3D và phát triển web cho thanh niên khuyết tật trong cả nước. Đến nay, đã có hơn 700 sinh viên khuyết tật tại Hà Nội và TPHCM tốt nghiệp, trong đó 80% đã có việc làm. |
Về cơ hội việc làm sau khi hoàn thành khóa học, ngay thời điểm triển khai, Dự án đã liên kết với các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực CNTT để tạo việc làm ngay khi học viên ra trường. Điều này đã nhận được sự chia sẻ, cộng tác của rất nhiều đối tác. Bà Nguyễn Phúc Quỳnh Loan–Chủ tịch Công đoàn Cty CP VBPO, một đơn vị công nghệ phần mềm nói: “Cty của chúng tôi hiện đang có 16 NKT làm việc. Chúng tôi nhận thấy, về lĩnh vực này, họ làm việc không thua kém những người bình thường. Nếu hội đủ điều kiện, chúng tôi sẵn sàng đón nhận cho dù người đó là ai”. Bản thân bà Loan cũng là NKT nên hiểu rất rõ “nội lực” cũng như khát khao của những người cùng cảnh ngộ.
Trong ngày khởi động, Dự án đã trao 25 suất học bổng cho các học viên với mức hỗ trợ từ 3-6 triệu đồng/suất. Ông Joakim Parker nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ sát cánh với chính phủ Việt Nam hỗ trợ chương trình này, vì đây là cơ hội giúp học viên phát triển đầy đủ tiềm năng của mình và đóng góp vào sự phát triển KT-XH của đất nước”.
Bảo Uyên
Link: http://cadn.com.vn/News/Giao-Duc-Y-Te/2012/12/4/88730.ca