(Thanh niên) (Cadn.com.vn) - Cùng nhau hát Quốc ca, dán hình cờ Tổ quốc lên khuôn mặt, cầm hàng trăm lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, xếp dòng chữ “Hoàng Sa thân yêu”, cover clip Nối vòng tay lớn và ký tên kêu gọi bảo vệ hòa bình biển Đông, quyên góp ủng hộ... là cách riêng mà hàng nghìn sinh viên (SV) ĐH Đông Á thể hiện lòng tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo thiêng liêng.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng đón nhận cờ Tổ quốc từ SV ĐH Đông Á
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á về vấn đề này.
Thời gian qua Đại học Đông Á được cả nước biết đến như một đơn vị có các hoạt động SV hướng về biển đảo mạnh mẽ, gần đây nhất là chương trình SV kêu gọi bảo vệ hòa bình biển Đông (19-5) với nhiều hoạt động thiết thực. Vì sao SV lại có ý tưởng tổ chức những chương trình như vậy, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Anh Đào: Theo tôi, đó là ý thức trách nhiệm của người SV trước thời cuộc – lực lượng trí thức trẻ trong thời đại phẳng; họ luôn muốn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và nhận lãnh trọng trách của mình với cha anh trước tình hình đất nước. Nhà trường chỉ định hướng về thái độ và lòng trách nhiệm đúng hướng cho SV, SV sẽ hành động đúng. Thầy trò chúng tôi xác định: “Khi đất nước có biến, Thầy trò phải làm việc gấp nhiều lần hơn, phải học tập xuất sắc hơn, nung nấu ý chí, khát vọng, lòng tự trọng và danh dự của người Việt Nam, nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh tri thức để làm giàu cho đất nước, phụng sự đất nước”.
Trong chương trình hướng về biển Đông 19-5 vừa qua, thầy và trò nhà trường cũng đã gom góp ủng hộ số tiền 100 triệu đồng, không nhiều, chỉ để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân đang ngày đêm kiên trì bám tàu bám biển, giữ bình yên vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. SV cũng đã trao tặng 200 lá cờ Tổ quốc cho các tàu ngư dân Đà Nẵng đang đóng tại âu thuyền Thọ Quang thông qua Hội Nghề cá TP Đà Nẵng. Mỗi lá cờ được gắn trên tàu tiến ra Hoàng Sa sẽ là một lời khẳng định mạnh mẽ nhất về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Là một đại biểu HĐND thành phố, bà đã nhiều lần hỗ trợ, cổ vũ về chủ quyền biển đảo và hỗ trợ ngư dân bám biển trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam. Bà kỳ vọng gì khi đưa những nội dung này vào nhà trường?
TS Nguyễn Thị Anh Đào: Giáo dục lòng trách nhiệm là một trong các mục tiêu quan trọng đầu tiên mà nhà trường luôn đeo đuổi bên cạnh các mục tiêu quan trọng khác của SV nhà trường như: giỏi chuyên môn nghề nghiệp, thông thạo tin học, giao tiếp ngoại ngữ, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đào tạo lực lượng lao động không chỉ chú trọng đến chất lượng, giỏi chuyên môn, kỹ năng làm việc mà đặc biệt chú trọng trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Một khi có đầy đủ tâm và thế trên, con người được giáo dục sẽ không thấy khó khăn hơn thuận lợi, sẽ nỗ lực vươn lên, sống có ích hơn và chính họ cũng có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Những năm qua, thầy và trò chúng tôi âm thầm làm những việc nhỏ như hỗ trợ 3 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 5 triệu đồng cho 3 gia đình liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ Trường Sa do Báo Lao Động tổ chức. Cũng trong ngày Hiến chương nhà giáo vừa qua, đã có hơn 2.000 SV và giáo viên tham gia nhắn tin ủng hộ ngư dân được 43,150 triệu đồng trong chương trình “Tấm lưới nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Báo Lao Động phối hợp thực hiện. Gần đây nhất, ngày 24-3-2014, ĐH Đông Á phối hợp với Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, UBND H. Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa-Chủ quyền của Việt Nam” ngay tại trường, trong đó, cùng với 70 tư liệu, hiện vật được trưng bày, SV ĐH Đông Á đã trao tặng bức tranh cát hình bản đồ Việt Nam gồm những hạt cát màu được chọn lựa rất công phu và kết lại thành bức tranh đủ các màu sắc vùng miền các vùng chủ quyền Việt Nam thân yêu, xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Bảo tàng Đà Nẵng. Và ngày 19-5 là ngày kỷ niệm 124 năm ngày sinh của vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh, SV chúng tôi dành buổi cà-phê, thầy cô dành từ nửa ngày lương trở lên, người ít người nhiều ủng hộ. Chi bộ chúng tôi sẽ còn tiếp tục thực hiện bền bỉ chương trình này.
SV ĐH Đông Á chung sức hướng về biển Đông.
Để “ra lò” nguồn nhân lực như thế, trong chiến lược đào tạo của mình, trường đã đưa ra những bước đột phá như thế nào về chương trình đào tạo và chính sách hỗ trợ cho SV?
TS Nguyễn Thị Anh Đào: - Hiện nay, chương trình đào tạo ở tất cả các ngành tại ĐH Đông Á đều theo hướng thực tiễn mạnh mẽ với thời lượng thực hành chiếm hơn 50% cùng với 2 học kỳ đi làm, 1 học kỳ thực tập tốt nghiệp. Bên cạnh đó, trường còn tăng cường kỹ năng tin học chuyên ngành, ngoại ngữ giao tiếp chuẩn TOEIC, và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Chúng tôi hướng nghiệp cho SV ngay từ đầu khóa, đầu năm để SV có mục tiêu và kế hoạch học tập. ĐH Đông Á cũng đã ký kết hợp tác với hơn 220 DN, trong đó có hơn 45 DN thuộc lĩnh vực CNTT, trên 15 bệnh viện lớn ở Đà Nẵng, Quảng Nam, hơn 60 đơn vị thuộc lĩnh vực du lịch và gần 100 DN thuộc các lĩnh vực Điện–điện tử, tập đoàn viễn thông, xây dựng, thương mại, kinh doanh... Tất cả SV ngành tiếng Anh được thực tập trong các tổ chức phi chính phủ,...
Năm học 2014-2015 này, nhà trường ổn định mức học phí chỉ từ 4.480.000 đồng/học kỳ trong suốt khóa học. Đồng thời, dành 1 triệu đồng học bổng cho các thí sinh miền Trung khi nhập học, nhằm trang trải phần nào các khoản phải nộp trong đầu năm học, hỗ trợ SV và phụ huynh trong giai đoạn kinh tế khó khăn này. Nhà trường cũng ưu tiên xét tuyển đại học từ kết quả học bạ THPT. Thí sinh đạt 6 điểm trở lên và hạnh kiểm Khá sẽ được chấp thuận là đủ điều kiện học đại học.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.
Nguồn: Báo Thanh niên, Báo Công An Đà Nẵng
BÍCH QUÂN thực hiện