Sinh viên Đại học Đông Á: Trải nghiệm trong học tập và cơ hội việc làm

(CADN.com) - Trong khi nhiều trường Đại học đã phải xóa sổ một số chuyên ngành hay lâm vào “khủng hoảng thừa” do không quan tâm đến định hướng chiến lược, chỉ đào tạo cái “có” mà không tính đến cái “cần”, thì Đại học Đông Á Đà Nẵng vẫn được biết đến với hiệu quả trong việc đào tạo theo định hướng thị trường. Sau mô hình nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp khá thành công, giờ đây sinh viên của trường còn được trao cơ hội với chương trình tiếng Anh giao tiếp sẽ “phủ sóng” từ khi nhập môn đến ngày đi xin việc.

ĐÀO TẠO THEO HƯỚNG THỰC NGHIỆM

Trong những năm qua, khi lượng sức mình với cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường, hơn 70% thí sinh tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã không còn ảo tưởng thi vào các trường thương hiệu nữa mà đã có suy nghĩ rất thực tế. Họ đã khôn ngoan khi tìm đến những trường ngoài công lập đang đi đầu trong việc đào tạo cái xã hội cần. Vì xét cho cùng, không được đi học là một thiệt thòi nhưng đi học rồi mà trầm trầy trầm trật với chuyện xin việc lại càng khổ sở. Ở Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, Đại học Đông Á là một trong những lựa chọn khôn ngoan và thực tế. Lý giải chuyện này, các sinh viên đang theo học ở trường “hạch toán”: học phí không cao, đào tạo theo hướng thực nghiệm, được học tiếng Anh giao tiếp với giáo viên nước ngoài, nhiều cơ hội tìm việc làm và hội nhập, học gắn liên với hành, rèn kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Thậm chí có thể đi học mà ít tốn tiền từ gia đình vì dành được học bổng hoặc vừa học ở trường vừa làm ở doanh nghiệp.

Sinh viên ngành Xây dựng của Đại học Đông Á đi công trường trong thời gian thực tập. Nếu thực tập tốt, họ sẽ có thêm cơ hội tìm việc làm.

Một lợi thế rất lớn của Đại học Đông Á chính là từ lâu đã thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Và chiến lược đào tạo, tuyển đầu vào hàng năm cũng được thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu lao động có tay nghề của xã hội. Hầu hết từ năm áp chót của khóa học, sinh viên đã được gửi đi thực tập tại các nhà máy, công xưởng hay cơ sở du lịch, khách sạn, resort. Nếu thực tập tốt, họ có cơ hội được nhận lương và cam kết việc làm sau ngày tốt nghiệp. Cái được lớn nhất trước ngày bế giảng là mỗi sinh viên đều có kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, đối thoại, được va đập nhiều trong quá trình học, thực nghiệm nên luôn chủ động trước các cơ hội tuyển dụng. Thậm chí, ngay trước ngày bế giảng, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đã đặt bàn phỏng vấn tìm nhân lực tại trường để “săn” sinh viên. Theo lãnh đạo Cty Cơ điện lạnh Searee, một đối tác của Đại học Đông Á cho hay, từ nhiều năm qua, cty đã có chế độ trả lương cho sinh viên Đông Á trong quá trình thực tập và sẵn sàng nhận họ về làm việc nếu có đủ kỹ năng tay nghề. Ngoài các doanh nghiệp trong lĩnh vực Điện, Xây dựng, Kế toán thì hiện đã có rất nhiều sinh viên Đại học Đông Á thực tập và làm việc tại các khách sạn lớn, các khu resort, dịch vụ lữ hành như Sandy Beach, Furama, …

TIẾNG ANH GIAO TIẾP: TỪ LO LẮNG ĐẾN THÍCH THÚ VÀ TỰ TIN

Kể từ 2012, mỗi giờ giải lao, sinh viên lại thích thú ngồi nghe bản tin tiếng Anh của toàn trường. Trung tâm tiếng Anh cũng được thành lập để đón những bạn trẻ yêu thích loại ngoại ngữ phổ biến trên toàn thế giới này. Đó chính là bước khởi đầu cho chương trình Tiếng Anh giao tiếp được triển khai cho tất cả các lớp, các ngành, các khóa học với mục tiêu ban đầu là giao tiếp và mục đích lâu dài là sử dụng cho phỏng vấn và tìm việc làm cũng như trong suốt quá trình làm việc sau này. Ngoài sinh viên chuyên ngữ thì các ngành học còn lại cũng đều học tiếng Anh, vì chuẩn đầu ra của sinh viên trường sắp tới sẽ là TOEIC 450 điểm. Với Tiếng Anh giao tiếp, đầu tiên sinh viên sẽ được luyện âm với giáo viên bản ngữ. Tiếp đó, sẽ có các mức học dành cho sinh viên mới bắt đầu rồi đến tiếng Anh sơ cấp, tiền trung cấp, trung cấp và cao cấp. Trong khi đó, Tiếng Anh định hướng TOEIC, sau luyện âm thoải mái với giáo viên người Mỹ, Scotland thì người học bắt đầu bước vào chương trình Anh văn cơ bản 1,2 trước khi học các mức TOEIC 1, 2, 3, 4 hướng tới chuẩn đầu ra cho ngày tốt nghiệp.

Sinh viên Đại học Đông Á được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ

Nhiều sinh viên lúc đầu đã băn khoăn với việc đối mặt với những khó khăn khi phải “gặm” thêm ngoại ngữ vốn đã rất “chua” từ ngày học phổ thông. Tuy nhiên, PGS-TS Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng trường Đại học Đông Á chia sẻ: “Trực tiếp phụ trách chương trình này, tôi nhận thấy nhiều sinh viên đã rất hào hứng, nhưng cạnh đó một số em cảm thấy lo lắng. Tuy vậy, quan điểm của giáo viên và nhà trường là cứ nói tiếng Anh thoải mái. Phát âm chưa đúng thì sửa, ngữ pháp sai cũng sửa, trình bày lúng túng sẽ cải thiện. Giáo viên đứng lớp rất thích được nghe các em nói, vì như thế mới có sự tương tác”. Sau một năm triển khai, nhiều nhóm, câu lạc bộ Tiếng Anh đã ra đời và sinh viên đã rất hào hứng khi nói chuyện bằng tiếng Anh, kể cả với giáo viên và bạn bè. Và theo phó hiệu trưởng nhà trường, đây sẽ là hành trang cực kỳ quý báu cho tương lai của các em.

Giữa thời điểm mà tỉnh thành nào cũng có nhiều trường Đại học, việc chọn trường để có cơ hội học tập tốt và “từng trải” để đi xin việc không phải là vấn đề đơn giản. Đại học Đông Á từ lâu đã chuyển từ việc dạy những cái mình có qua đào tạo những cái xã hội cần. Với quan niệm của nhà trường “đầu tư kiến thức biến đổi cuộc sống, học gắn liền với ứng dụng”, đây là một cái nôi của việc đào tạo nguồn nhân lực cho miền Trung – Tây Nguyên.

Bảo Uyên