Ra mắt Ban vận động thành lập Hội chăm sóc sa sút trí tuệ TP. Đà Nẵng

Chiều 22/3, Trường Đại học Đông Á phối hợp với Liên đoàn quốc tế chăm sóc sa sút trí tuệ (IFDC) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 về “Sa sút trí tuệ và chăm sóc sa sút trí tuệ”.

 

Quang cảnh hội thảo

Điểm đáng chú ý tại hội thảo lần này là đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã công bố Quyết định về việc thành lập Ban vận động thành lập Hội chăm sóc sa sút trí tuệ (SSTT) Tp. Đà Nẵng gồm 7 thành viên do ThS. Lương Minh Sâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á làm Trưởng Ban vận động. Đây là bước hợp thức hóa quan trọng nhằm tiến tới đại hội chính thức để sớm ra mắt Hội chăm sóc SSTT Tp. Đà Nẵng trong thời gian tới, góp phần vào công cuộc nghiên cứu, chăm sóc SSTT tại Tp. Đà Nẵng thời gian đến.

Ra mắt Ban vận động thành lập Hội chăm sóc SSTT TP.Đà Nẵng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. Lương Minh Sâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á nhấn mạnh: hiện nay Việt Nam đang đối mặt với thực trạng tỉ lệ người bị SSTT ở Việt Nam ngày một gia tăng; tuy nhiên việc thực sự quan tâm đến SSTT như là một bệnh lý để yêu cầu phải phát hiện sớm và điều trị sớm giúp cải thiện chất lượng sống cho người cao tuổi vẫn còn khá hạn chế. Do đó, đến với hội thảo lần này, ThS. Lương Minh Sâm mong muốn các diễn giả là các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực SSTT đến từ Nhật Bản và Việt Nam sẽ chia sẻ những kinh nghiệm hay, bổ ích trong lĩnh vực nghiên cứu SSTT nói chung và chăm sóc sa sút trí tuệ nói riêng.

ThS Lương Minh Sâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á phát biểu khai mạc hội thảo

“Qua hội thảo sẽ góp phần hun đúc sự say mê trong hợp tác nghiên cứu về chăm sóc sa sút trí tuệ giữa ĐH Đông Á với các cơ sở y tế trong và ngoài địa phương cũng như các đối tác từ Nhật Bản, từ đó đưa việc chăm sóc sa sút trí tuệ trở thành việc làm thường xuyên, được nhìn nhận đúng mực” ThS. Lương Minh Sâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á nói.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày một số báo cáo đáng chú ý như: Đánh giá chất lượng giấc ngủ bằng thang điểm PSQI ở người cao tuổi; Thực trạng chăm sóc SSTT tại các nước thuộc IFDC; Mô hình quản lý và kết quả một số nghiên cứu về SSTT tại Việt Nam; Đánh giá sự tương quan giữa lâm sàng và hình ảnh X-quang thoái hóa cột sống ở người bệnh SSTT;...

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực SSTT đến từ Nhật Bản và Việt Nam

Đông đảo sinh viên Khoa Y, ĐH Đông Á đến lắng nghe những chia sẻ bổ ích của các chuyên gia về SSTT tại hội thảo

Trong đó, nghiên cứu: “Bước đầu đề xuất mô hình quản lý và kết quả một số nghiên cứu về SSTT ở Việt Nam” do TS. Trần Thừa Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế trình bày cho biết: cùng với già hóa dân số, tỷ lệ mắc STTT ngày càng tăng, là thách thức cho chẩn đoán, điều trị và chăm sóc. Nghiên cứu cũng nêu ra đề xuất như: cần nâng cao vai trò của người dân và các hội, đoàn thể; trong đó chú trọng tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, tập trung vào việc theo dõi và quản lý bệnh SSTT tại cộng đồng.

Trong khi đó, nghiên cứu của TS.BS Nguyễn Anh Quân, Đại học Đông Á về tỷ lệ và các yếu tố liên quan đến SSTT của người cao tuổi tại các trung tâm chăm sóc ở Đà Nẵng đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý như: bệnh cao huyết áp gây SSTT gấp 7,6 lần so với người không bị bệnh này, trình độ học vấn thấp và không rèn luyện tâm trí gây SSTT gấp 3,5 lần so với người có trình độ học vấn và rèn luyện tâm trí…“Các trung tâm đều thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi đặc biệt là có nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn điều dưỡng chăm sóc SSTT, do đó Trường ĐH Đông Á có khả năng và sẵn sàng hợp tác để đáp ứng nhu cầu của các trung tâm về nâng cao chất lượng nhân lực” nghiên cứu nêu rõ.

Trình bày tại hội thảo, ông Shigeru Shimoda - Tổng thư ký IFDC giới thiệu khái quát về tổ chức IDFC, về chứng chỉ chuyên gia chăm sóc sa sút trí tuệ (DCE). Ông Shigeru Shimoda cho biết thời gian tới, trường Đại học Đông Á sẽ kết hợp với IFDC đào tạo chuyên gia chăm sóc sa sút trí tuệ (DCE) và cấp chứng chỉ quốc tế. “IFDC sẵn sàng hợp tác với ĐH Đông Á để đào tạo nhân lực về chăm sóc SSTT, góp phần tích cực vào việc nghiên cứu và chăm sóc SSTT tại TP.Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung” ông Shigeru Shimoda chia sẻ tại hội thảo.

SV Ngô Thị Thuận, Khoa Y, ĐH Đông Á trình bày Nghiên cứu chất lượng giấc ngủ bằng thang điểm PSQI ở người cao tuổi đến khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh - Bệnh viện C Đà Nẵng