Thực hiện học chế tín chỉ được đánh giá sẽ đem lại cho hệ thống đại học một chương trình đào tạo có thể chuyển đổi được, có thể so sánh được, có tính linh hoạt, minh bạch và tạo điều kiện cho việc tiếp cận thị trường lao động. Đây là phương thức không mới tại Việt Nam, tuy nhiên cần xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện đạt mục tiêu và đem lại hiệu quả.
Triển khai từ năm học 2009-2010 khi chuyển từ trường Cao đẳng thành đại học Đông Á, việc đào tạo theo tín chỉ ở đại học Đông Á giai đoạn 1 bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Sinh viên các bậc học Đại học, Cao đẳng và TCCN tại trường được tiếp cận với hệ thống tín chỉ qua cách tính điểm theo thang 4 và quy về A - F, làm việc với cố vấn học tập, làm việc nhóm – thuyết trình đề tài trên lớp, tăng thời lượng tự học ở nhà… Đây là bước khởi đầu rất cần thiết cho việc xúc tiến đào tạo tín chỉ ở mức chuyên sâu hơn, toàn diện hơn.
Đến nay, lộ trình đào tạo tín chỉ đã bước vào giai đoạn 2, trong đó đi sâu vào chất lượng dạy và chất lượng học. Vừa qua, trường đại học Đông Á ban hành Quy định số 153/QĐ-ĐHĐA ngày 1/10/2011 triển khai những vấn đề cơ bản về đào tạo theo học chế tín chỉ, được chính thức áp dụng từ năm học 2011-2012 này. Theo đó, ở giai đoạn 2 này, việc đào tạo theo học chế tín chỉ sẽ có nhiều đổi mới phù hợp để sinh viên chủ động hơn trong việc lựa chọn kiến thức, môn học, giáo viên, giờ học, quản lý được thời gian và nâng cao được khả năng tự học.
Quy định 153 nêu cụ thể các điểm mới trong đào tạo tín chỉ mà đại học Đông Á sẽ triển khai đồng bộ từ năm học này, trong đó có một số điểm nổi bật sau:
Đối với khóa luận tốt nghiệp (KLTN), một GV công bố 2 đề tài hướng dẫn chuyên sâu cho 1 nhóm 3 SV/ 1 đề tài để SV lựa chọn làm khóa luận và bảo vệ. SV được bốc thăm trình bày khi bảo vệ và điểm trình bày chiếm 70% tổng điểm bảo vệ KLTN tính chung cho cả 3SV để khuyến khích SV làm việc nhóm và tăng khả năng thuyết trình. Điểm trả lời các câu hỏi trước hội đồng bảo vệ sẽ chiếm tỉ lệ 30% tổng điểm bảo vệ KLTN và được tính riêng cho mỗi SV.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí cho SV và cũng để phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ, đối với mục tiêu Ngoại ngữ (đạt trình độ TOEIC phân theo bậc học), ngay từ khi mới vào trường, SV sẽ được khảo sát phân loại trình độ và xếp lớp học theo các cấp độ tiếng Anh. Những SV đã có chứng chỉ quốc tế về TOEIC, TOEFL, IELTS sẽ được miễn học tương ứng với trình độ của từng tín chỉ, nhưng phải kiểm tra và thi cuối học kỳ.
GV đảm nhận các lớp tiếng Anh sẽ thực hiện nghiêm túc việc nói tiếng Anh 100% trong giờ lên lớp và khích lệ SV yêu thích học tiếng Anh. Tất cả nhằm hiện thực hóa mục tiêu toàn trường giao tiếp tiếng Anh vào đầu năm 2013.
Các học phần về kỹ năng làm việc được phân thành 4 tín chỉ với Kỹ năng làm việc nhóm; Phương pháp học đại học; Phương pháp nghiên cứu; Kỹ năng giao tiếp (giao tiếp bằng lời, giao tiếp thông qua thuyết trình, trình bày, thuyết phục, thương lượng, kỹ năng viết và trình bày văn bản); Văn hóa tổ chức và trách nhiệm của người được giáo dục; Kỹ năng tìm việc. Đây là những kỹ năng thực sự bổ ích và cần thiết cho sinh viên trong quá trình học tập tại lớp cũng như sẵn sàng cho tiếp cận công việc ngay sau khi ra trường.
Để thực hiện được những thay đổi mang tính bước ngoặc này, nhà trường đã chú trọng xây dựng lộ trình phù hợp và đầu tư hệ thống thư viện điện tử và các phần mềm quản lý đào tạo tiện ích; xây dựng Ngân hàng đề thi; cải tiến chương trình và hồ sơ môn học; tổ chức cho SV phương thức tự học; hỗ trợ và nâng cao phương pháp giảng dạy cho GV, tổ chức các phần mềm quản lý, hạ tầng CNTT tiện ích nhất, đảm bảo SV thông qua công cụ tin học để thực hiện phương thức tín chỉ như các trường ở các nước tiên tiến, …
Như vậy, đào tạo theo tín chỉ đem lại cơ hội cho các trường đại học thay đổi mô hình giảng dạy để trở thành một hệ thống dựa trên mục tiêu học tập, đặt trọng tâm vào việc học tập của sinh viên, và có thể so sánh được với hệ thống tín chỉ của các trường đại học khác trên phạm vi quốc tế.