Nhà tuyển dụng “săn” sinh viên

Ngày 25-8, Trường Đại học Đông Á tổ chức Lễ tốt nghiệp và Ngày hội việc làm thường niên cho 1.094 học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc hệ CĐ, CĐ liên thông và Trung cấp. Ngay trong ngày, 19 doanh nghiệp (DN) đã đón đầu sinh viên, trực tiếp tuyển dụng 920 vị trí làm việc. Ngoài những SV đã xin bảng điểm học tập để đi liên hệ việc làm trước đó, nhiều em đã tìm thấy cho mình cơ hội hoặc ít nhất là một liều thuốc thử khi trực tiếp được doanh nghiệp phỏng vấn và đã qua được vòng sơ khảo đầu tiên.

Trong tổng số 920 vị trí tuyển dụng của 19 DN, nhiều đơn vị có nhu cầu nhiều vị trí cùng một lúc như: Cty TNHH Du lịch Silver Shores Hoàng Đạt (390 lao động), Cty TNHH Minh Phúc (100 lao động), Cty CP du lịch Việt Đà (50 lao động), Khu du lịch Furama (40 lao động) và Cty Bảo hiểm Cathay Life (20 lao động). Theo đại diện nhà trường, năm nay phần lớn các vị trí tuyển dụng là công việc có vai trò quản lý, giám sát chuyên môn, kinh doanh và thương mại.

Cho đến ngày tổ chức lễ tốt nghiệp, đã có 264 SV chủ động xin bảng điểm kết quả học tập để tự liên hệ việc làm trước, phần lớn trong số này tiếp tục thi liên thông để học cao hơn. Qua tham khảo từ các DN tuyển dụng, rất nhiều SV hôm nay họ gặp lại đều đã có kết quả thực tập tốt và làm quen với môi trường làm việc cách đây một vài tháng, từ đó giúp nhà tuyển dụng có thêm căn cứ để phỏng vấn, đánh giá đúng năng lực của SV, yên tâm nối kết hoạt động tuyển dụng nhân lực từ nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng phòng Kinh doanh Cty TNHH Việt Đà Liên cho biết: “Qua phỏng vấn trực tiếp, tỷ lệ các em đạt tiêu chuẩn để lọt vào vòng phỏng vấn của Cty tương đối cao. Số ứng viên này chúng tôi sẽ sát hạch một đợt nữa tại nơi làm việc. Như vậy, em nào có mặt để làm việc trong thời gian đến nghĩa là em đó đã qua được 3 vòng tuyển chọn kể cả thời gian thực tập”. Tại phòng phỏng vấn của Báo Người Lao động - một đơn vị trung gian tìm nhân lực giới thiệu cho các DN, có tới gần 40 SV tập trung đăng ký phỏng vấn và đăng ký việc làm.

Sinh viên vừa ra trường được các doanh nghiệp trực tiếp phỏng vấn, tuyển chọn. Ảnh: C.K

Ông Trần Hân - người đại diện của Báo Người Lao động cho biết: “Hiện tại, có 3 DN lớn đã cung cấp nhu cầu tuyển dụng, chúng tôi sẽ giới thiệu các em trực tiếp đến gặp họ để thử lửa. Cơ hội để có việc làm dành cho các em không phải là ít nếu chứng tỏ được những kỹ năng đã được học trong nhà trường”. Có một điều mà chúng tôi nhận thấy khi trực tiếp chứng kiến tại các phòng phỏng vấn là đa số SV đã tương đối tự tin và chứng tỏ khả năng cùng bản lĩnh khi đối mặt với các nhà tuyển dụng. Đây là kết quả của việc các SV đã được tham gia rất nhiều sân chơi như hoạt động nhóm, các chiến dịch từ thiện, tự liên hệ chỗ thực tập và đối thoại với các DN trong quá trình học tập. Bạn Trương Đức Mãnh (khoa Tin học) cho biết: “Em đã qua vòng sơ khảo của Cty TNHH Vũ Bình Minh, họ đã hẹn phỏng vấn tại Cty và cho đưa sản phẩm về nhà làm.

Trong năm 2008 và đầu năm 2009, Trường ĐH Đông Á đã cấp 118 suất học bổng với tổng trị giá 72,5 triệu đồng cho SV nghèo, con em gia đình chính sách; miễn giảm học phí cho nhiều em khác.

Trong thời gian này, SV Trường ĐH Đông Á đã tình nguyện hiến 1.400 đơn vị máu cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Nếu đáp ứng được yêu cầu công việc, họ sẽ nhận. Nhưng để cho chắc, em sẽ tham gia phỏng vấn tại 2 Cty khác nữa. Chẳng ngại gì, họ cho mình cơ hội mình cứ nắm lấy”. Chung quan điểm này, SV Nguyễn Thị Phương (khoa Kế toán) nói: “Em nộp hồ sơ và tham gia dự tuyển vào Cty Thực phẩm Minh Anh và Cty Ngọc Phương Nghi. Nếu qua vòng sát hạch thứ hai, có thể em sẽ có công việc đi giới thiệu sản phẩm. Cứ cho là không ổn định thì mình cũng có cơ hội được làm việc và lấy kinh nghiệm”.

Kết thúc buổi tuyển dụng, 345 SV đã đủ tiêu chuẩn vượt qua vòng sơ tuyển đầu tiên và có cơ hội đi làm khi trực tiếp đến phỏng vấn lần cuối và thử việc tại Cty. Đã có nhiều kinh nghiệm trong việc liên kết với các DN để tìm đầu ra cho SV, bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Đông Á cho biết: “Chúng tôi khảo sát nhu cầu của các DN song song với tuyển sinh.

Trong quá trình học, các em có điều kiện rèn luyện kỹ năng cũng như tiếp xúc với các DN, nên khi ra trường có thể xin được việc làm ngay hoặc phải bầm dập một thời gian nhưng không còn rụt rè và bị động nữa. Về phía trách nhiệm của nhà trường, chúng tôi vẫn tiếp tục nắm bắt tình hình của HSSV sau khi tốt nghiệp thông qua ban liên lạc của lớp để nếu có cơ hội lại tiếp tục làm cầu nối đưa các em đến với nhà tuyển dụng. Chúng tôi hướng đến mục tiêu hơn 80% SV có việc làm sau 1 năm ra trường. Điều đó có nghĩa là trách nhiệm chúng tôi chưa hết, kể cả khi các em đã tốt nghiệp”.

Công Khanh (Báo CAĐN)