Trong không gian thoáng đãng của quán cà phê Aloha trên đường Ngô Gia Tự, vừa nhâm nhi thưởng thức ly cocktail B52 vừa nghe câu chuyện về nghệ nhân Nguyễn Xuân Ra – người trực tiếp pha chế ra nó, mới thấy tình yêu và niềm đam mê như ngọn lửa cháy mãi trong tim người thầy đã 93 tuổi này.
Cái duyên và niềm đam mê
Gặp thầy Ra, khó ai nhận ra thầy đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm. Vóc người nhỏ nhắn, cặp mắt vẫn tinh anh, dáng đi nhanh nhẹn và trò chuyện hóm hỉnh, thầy làm chúng tôi phải ghen tỵ với “sức trẻ” của thầy. “Cái tuổi nó không làm nhụt đi niềm vui sống, mà ngược lại, tôi còn thấy mình như trẻ ra và khát khao cống hiến hơn”, thầy tâm sự.
Suốt cuộc đời đeo đuổi và đam mê việc pha chế cocktail, nên không có gì lạ khi phòng làm việc của thầy được trang trí như một quầy bar. Trên từng kệ tủ là đầy đủ các dụng cụ pha chế, ly tách, máy móc và hàng trăm loại rượu. Cùng với đó là hàng loạt cuốn sách dạy nghề pha chế, băng đĩa, … được xếp ngay ngắn và trang trọng. Thầy chậm rãi nhắc về cuộc đời mình…
Hồi nhỏ (12-13 tuổi), nghỉ hè thầy hay vào Sài Gòn. Để có tiền trang trải học hành, cậu bé Nguyễn Xuân Ra nhờ người chú đang làm việc trong nhà Pháp xin cho chân chạy bàn. Theo phong cách người Tây, họ thường uống cocktail nhiều hơn rượu, bia bởi đây không chỉ là một thứ thức uống thông thường mà còn là cả một nghệ thuật truyền từ người pha chế đến người thưởng thức.
Và niềm vui ban đầu từ những ly cocktail đã lớn thành miền đam mê và theo thầy như một cái nghiệp. Những năm sau đó, cứ vào dịp hè thầy tiếp tục vào Sài Gòn học cách pha chế cho đến khi kháng chiến chống Pháp nổ ra. Trong những năm 1945-1954, thầy là cán bộ chính trị Chi đội Phan Đình Phùng, Trung đoàn 120, rồi làm Trưởng ban Tình báo mặt trận An Khê.
Giai đoạn 1954-1975, làm chủ xưởng thuốc là Hoa Mai ở Nha Trang, đại diện các xưởng thuốc lá ở miền Trung, đồng thời là ký giả nhật báo Lẽ Sống; Chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ nhật báo Độc Lập và làm chủ nhân nhà in Liên Phong (Quy Nhơn).
Sau ngày đất nước thống nhất, thầy về làm Hiệu trưởng Trường Cơ khí Công Nhân 455 Cách Mạng tháng Tám-TPHCM; đến năm 1996 trở lại với nghề pha chế cocktail và thành một chuyên gia trong lĩnh vực này; từng tham gia giảng dạy ở nhiều trường ĐH, CĐ, nghiệp vụ du lịch, các khóa đào tạo nghề cocktail cho các khách sạn, resort, bar,... trong và ngoài nước.
Giấc mơ cocktail Việt
Từ trước cuộc thi Bartender đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2001, chuyên gia pha chế Nguyễn Xuân Ra đã nung nấu mong muốn “Việt hóa” để món cocktail rẻ hơn và trở nên "bình dân" hơn ở Việt Nam. Thầy cho biết: "Muốn biến cocktail thành thức uống phổ biến không có gì khó, chỉ cần sử dụng nguyên liệu trong nước để có giá thành thấp." Tuy nhiên, thầy bảo, có lẽ do lợi nhuận không cao nên Việt Nam mình mới chỉ có vài đơn vị sản xuất được một số loại rượu thích hợp với việc pha chế cocktail. Thành thử cứ dùng nguyên liệu ngoại nên giá thành cao, không trở thành thức uống đại trà bổ dưỡng được. Từ đó, thầy tự mày mò và sản xuất một số rượu mạnh và rượu mùi “made in Viet Nam” phục vụ cho học viên thực tập pha chế. Đồng thời cung cấp cho các bar những ly cocktail nội địa với giá chỉ khoảng 20.000đ/ ly.
Khảo sát nhiều nơi, đến nay, thầy tâm đắc và mong mỏi được kết hợp kinh nghiệm và kỹ thuật pha chế của mình với các kỹ sư Công ty Thực phẩm Minh Anh cho ra đời các loại rượu phù hợp ngay tại quê hương mình. “Vẫn biết việc sản xuất rượu là của các doanh nghiệp, còn tôi chỉ chuyên tâm giảng dạy. Nếu kết hợp được thì sản phẩm của doanh nghiệp sẽ bán chạy trong khi người học có thêm nhiều cơ hội được thực tập trực tiếp với nguyên liệu hơn.”, thầy nhẹ nhàng thổ lộ “dụng ý” của mình.
Hiện là chủ nhiệm CLB Bartender Đà Nẵng, thầy quyết tâm hiện thực hóa cho ước mơ ấp ủ từ lâu bằng việc tổ chức Hội thi pha chế cocktail Việt Nam dùng nguyên liệu Việt Nam tại Đà Nẵng vào tháng 6 tới. Thầy xem đây là “cuộc chạy đua cuối cùng với cuộc đời”, lặn lội bay giữa Hà Nội và Hồ Chí Minh để tìm gặp và mời những nghệ nhân giỏi nhất vào thành phần ban giám khảo. Và trong hành trình ấy, thầy không quên tìm chọn những vỏ chai rượu đủ chủng loại phục vụ việc giảng dạy của mình.
Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á Nguyễn Thị Anh Đào trao tặng bức tranh chữ "Tâm" đến người thầy cả đời tâm huyết
Quả ngọt cho đời
93 tuổi, thầy hối hả trong từng dự định, muốn đặt một dấu chấm hết thật tròn với cuộc đời. Từ hai năm nay, cảm thấy sức khỏe đã “không còn như xưa”, thầy cho ghi hình thật cụ thể các bài giảng, làm thành từng video hướng dẫn nghiệp vụ pha chế. Vào lúc tinh thần minh mẫn nhất trong ngày, tức là từ khoảng 4h đến 8h sáng, thầy lại miệt mài viết sách, biên soạn sâu hơn 23 ấn phẩm đã xuất bản. Tất cả không ngoài mong mỏi không bỏ sót một hiểu biết nào để truyền lại cho thế hệ sau.
Một lần tình cờ được một thầy giáo mời đến tham quan cơ sở, đúng vào lúc sinh viên đang tổ chức thực hành trực tiếp với nguyên liệu. Nhìn thấy nhiều sinh viên có sở thích với nghề, khát khao tìm hiểu, thầy tâm nguyện được để lại toàn bộ tài liệu nghiên cứu và giảng dạy, bao gồm rất nhiều cuốn sách dạy pha chế, nhiều bài báo, giáo trình, … cho giảng viên và sinh viên Đại học Đông Á. Đồng thời sẽ bồi dưỡng thêm về kỹ thuật và quy trình pha chế để các em tiếp nối niềm đam mê và tự tin lập nghiệp với nghề.
Thầy bảo, đứng lớp như một cái nghiệp đeo đuổi suốt cuộc đời. Lên lớp không chỉ là truyền nghề mà còn là học từ học trò để bổ khuyết cho kiến thức của mình. Nên dù đã cao tuổi, thầy vẫn hằng ngày hướng dẫn kỹ thuật pha chế cho những học viên đam mê ngành này ngay tại nhà. Và một tuần vài lần, thầy lại đến phòng thực hành để quan sát, hỗ trợ cho sinh viên Đông Á.
Buổi lễ trao "di chúc" tại ĐH Đông Á
Hiện nay, nhu cầu thưởng thức cocktail của thực khách ngày càng lớn, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Một khi đội ngũ bartender am hiểu kỹ thuật pha chế và “nặng nợ” với nghề cũng là cách “níu chân” du khách, đóng góp vào sự phát triển du lịch của khu vực miền Trung Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Và Đại học Đông Á là địa điểm tin cậy để thầy hiến tặng thành tựu, chuyển giao toàn bộ công nghệ và đam mê cả cuộc đời mình.
Phi Chương