Trong hai ngày 3 và 4 tháng 8 năm 2009 tại Hà Nội, trường đại học Đông Á cùng tham gia với Viện tâm lý học cùng 5 trường Đại học đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam và 2 trường đại học Hoa Kỳ đồng tổ chức Hội thảo quốc tế "Nhu cầu, định hướng và đào tạo tâm lý học đường tại Việt Nam".
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á phát biểu tại Hội thảo "Nhu cầu, định hướng và đào tạo tâm lý học đường tại Việt Nam"
Hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức và mối quan tâm của xã hội về vai trò của tâm lý học đường ở Việt Nam. Đồng thời, vận động sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan Việt Nam và quốc tế, các trường đại học, các tổ chức và cá nhân trong việc xây dựng ngành Tâm lý học đường tại Việt Nam về lý luận, hoạt động đào tạo và ứng dụng để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Hội thảo còn là cơ hội để thảo luận nhu cầu của học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh về sự hỗ trợ của tâm lý học đường và thực trạng đáp ứng các nhu cầu đó từ góc độ nghiên cứu, đào tạo và thực hành. Qua đó, tạo một môi trường thuận lợi cho sự hợp tác sâu rộng giữa các nhà nghiên cứu/giảng dạy và thực hành ở Việt Nam và Hoa Kỳ trong một Dự án phát triển Tâm lý học đường đang được hai bên đề xuất.
Đến tham dự hội thảo, có gần 150 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, Ngành, cơ quan chức năng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các Viện khoa học, Viện nghiên cứu, 6 trường Đại học đồng tổ chức…Về phía quan khách quốc tế, Hội thảo vinh dự đón tiếp đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam UNICEF, Save the Children Thụy Điển, Save the Children Vương quốc Anh, Plan International…
Hội thảo "Nhu cầu, định hướng và đào tạo tâm lý học đường tại Việt Nam" do Viện Tâm lý học và 6 trường đại học Việt Nam tổ chức, trong đó đại học Đông Á là trường đại học tư thục duy nhất và 2 trường đại học nổi tiếng Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo ngành tâm lý học đường là CSULB (California State University - Long Beach) và Chapman University.
Đại diện ĐH Đông Á cùng các đại diện Ban tổ chức hội thảo
Ngày làm việc đầu tiên (03/8), PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng, P.CT Viện KHXH VN, Đại sứ Mỹ tại VN ông Michael W. Michlak và đại diện của các trường, các viện đã phát biểu khai mạc, trình bày báo cáo. Bàn về thực trạng tình hình dạy và học tại Việt Nam, Chủ tịch Đại học Đông Á, bà Nguyễn Thị Anh Đào phát biểu: “Chúng ta và con em chúng ta đã mất 12 năm học phổ thông, 4 năm học ở đại học là khoảng thời gian quá dài của 1 đời người, nhưng kết quả, hiệu quả vẫn còn quá nhiều rủi ro trong suốt 16 năm đó và cả nhiều năm sau. Chúng ta đã nhìn thấy gia đình thì luôn trông cậy và chờ đợi ở nhà trường, còn nhà trường thì đỗ lỗi cho gia đình và xã hội. Người Thầy thì vẫn cứ đứng bên ngoài trách nhiệm của các hậu quả này, còn người học và xã hội âm thầm gánh chịu hậu quả…”.
Hội thảo đã tiến hành làm việc tại 3 tiểu ban với 3 chủ đề chính:
- Nghiên cứu thực trạng tâm lý học đường ở VN, kinh nghiệm nghiên cứu vấn đề tâm lý học đường tại Hoa Kỳ.
- Hoạt động trợ giúp tâm lý cho học sinh ở VN và kinh nghiệm của Hoa Kỳ.
- Đào tạo tâm lý học đường ở VN và kinh nghiệm của Hoa Kỳ.
Ngày 04/8, Hội thảo tiếp tục với các báo cáo và bế mạc. Các đơn vị đồng tổ chức đã họp bàn về việc thành lập 1 tổ chức tiên phong trong việc phát triển giáo dục tâm lý học đường tại VN trong đó hình thành cơ cấu tổ chức gồm 1 Ban Chỉ đạo bao gồm các chủ tịch, hiệu trưởng, viện trưởng của các đơn vị đồng tổ chức (VN và Hoa Kỳ), 1 Ban Điều hành gồm các nhà khoa học, các cán bộ chuyên môn, và thảo luận về các bước triển khai kế tiếp cho tổ chức này. Hội thảo Quốc tế Tâm lý học đường tại Hà Nội là một bước khởi đầu quan trọng trên con đường xây dựng một ngành Tâm lý học đường từ cả phương diện lý luận, lẫn thực hành và đào tạo ở Việt Nam.
"Tôi rất vui mừng thấy kết quả nghiên cứu của quý vị là vô cùng giá trị và ý kiến đóng góp của tôi thiên về tư cách là một phụ huynh và của một người học nhiều hơn.
Tôi nghĩ chúng ta và con em chúng ta đã mất 12 năm học phổ thông, 4 năm học ở đại học là khoảng thời gian quá dài của 1 đời người, nhưng kết quả, hiệu quả vẫn còn quá nhiều rủi ro trong suốt 16 năm đó và cả nhiều năm sau. Chúng ta đã nhìn thấy gia đình thì luôn trông cậy và chờ đợi ở nhà trường, còn nhà trường thì đỗ lỗi cho gia đình và xã hội, người Thầy thì vẫn cứ đứng bên ngoài trách nhiệm của các hậu quả này, còn người học và xã hội âm thầm gánh chịu hậu quả.
Chúng ta đang tìm cách đào tạo của các Bác sĩ tâm lý học đường, và nghiên cứu xây dựng chương trình tâm lý học đường là rất cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiến đến xây dựng CẨM NANG HỌC ĐƯỜNG ở từng bậc học trong đó phân định rõ:
- Trách nhiệm của gia đình
- Trách nhiệm của nhà trường
- Trách nhiệm của thầy giáo
- Trách nhiệm của người học
Và đưa vào chương trình chính khóa ở các bậc học như là 1 môn quan trọng nhất, 1 cam kết trách nhiệm nhất của các bên cùng thực hiện và chịu trách nhiệm một cách rõ ràng hơn. Bởi lẽ tâm lý học đường giúp cho các em ngăn ngừa bệnh, làm cho không em nào mắc bệnh nên lợi ích của nó là to lớn cho tất cả mọi người. Và kết quả của nó cũng mang lại cho cả đời người và xã hội.
Bác sĩ tâm lý học đường là rất cần thiết nhưng cao cả hơn là làm sao ai cũng không bệnh, hoặc chỉ còn rất ít người mắc bệnh và một xã hội khoẻ mạnh. Tôi cũng thiết nghĩ các nhà lãnh đạo XH, cũng cần ưu tiên 1 khoản ngân sách thoả đáng vào vấn đề nầy".
(Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á)
|
Nội dung chủ yếu của Hội thảo
- Một số vấn đề tâm lý của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay : nhận thức, cảm xúc, tâm trạng, thái độ và hành vi ...
- Thực trạng công tác thực hành đối với tâm lý học đường: hoạt động trợ giúp tâm lý học đường, sự hỗ trợ của xã hội và các cơ quan chức năng
- Thực trạng nghiên cứu và đào tạo Tâm lý học đường tại Việt Nam
- Công tác nghiên cứu, đào tạo, cũng như các mô hình trợ giúp tâm lý học đường tại Mỹ và kinh nghiệm cho Việt Nam
- Xây dựng chương trình đào tạo Tâm lý học đường cho Việt Nam và định hướng phát triển.
|
Hoàng Nam