Vừa qua, nhân sự kiện Hội nghị Khoa học cấp trường lần 1 của Đại học Đông Á - Đà Nẵng, (đồng thời là lễ vinh danh những cá nhân có thành tích về lĩnh vực khoa học trong năm qua, PV) chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Lê Văn Hoàng, (Hiệu trưởng trường ĐH Đông Á - người vừa có đề tài công bố quốc tế, vừa đưa vào ứng dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Gia Lai và Kon Tum, PV) xoay quanh về những khó khăn và định hướng về công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và những định hướng cho việc này tại một trường đại học.
PV: Công tác NCKH tại Việt Nam nói chung và tại các trường đại học nói riêng, đặc biệt là tại các trường đại học công lập đang được Nhà nước đầu tư mạnh mẽ. Công tác NCKH tại khối đại học ngoài công lập cũng được xã hội rất quan tâm. Vậy theo thầy, các trường ngoài khối công lập cần có những cơ chế và chính sách nào cho việc NCKH?
GS. TSKH. Lê Văn Hoàng: Với giáo dục bậc đại học, như chúng ta đã biết, Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất một trường đại học lọt vào “Top 200 trường Đại học Thế giới”. Và vấn đề NCKH trong đại học được đặt lên hàng đầu để thực hiện mục tiêu này. Nhà nước đã dành nhiều ngân sách cho công tác NCKH. Vấn đề càng bức thiết hơn nữa khi hàng loạt thứ hạng của nước ta trên các bảng xếp hạng như xếp hạng chỉ số kinh tế tri thức (KTTT) (Ngân hàng Thế giới công bố năm 2009), đến chỉ số giáo dục, bảng xếp hạng tất cả các lĩnh vực khoa học (do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc công bố 2010) đều tụt hạng hoặc tụt hậu (có thăng hạng nhưng không kịp tốc độ các nước trong khu vực, PV.) Không so sánh đâu xa, ngay cả với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan chúng ta cũng đã tụt hậu so với họ một khoảng xa.
Mấy năm trở lại đây, Nhà nước đã cụ thể hoá mạnh mẽ tham vọng nâng cao vị thế khoa học, giáo dục cho Việt Nam, mà gần đây nhất là xác định đến năm 2020, nước ta sẽ có nền kinh tế công nghiệp hoá, KTTT cao bằng việc đầu tư nhiều tỷ đồng cho giáo dục nói chung và NCKH nói riêng. Như thế đủ biết, đầu tư cho công tác NCKH vô cùng quan trọng. Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN cũng đã đề xuất nhiều đề án, phương án cho công tác NCKH. Nhiều trường đại học công lập được hỗ trợ mạnh về kinh phí cho việc này. Nhưng với các trường đại học ngoài công lập, chúng ta xác định rằng chắc chắn có khó khăn về kinh phí hoạt động vì nhà trường ít được hỗ trợ từ ngân sách. Nhưng chúng ta cũng nhìn nhận là khó khăn này sẽ không là trở ngại lớn vì bên cạnh ngân sách của nhà nước, chúng ta cũng thấy được ngân sách từ các nguồn lực xã hội, các cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương cũng vô cùng lớn. Chỉ có điều chúng ta chưa khai thác được thôi. Ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này thì có nhiều rồi, tôi chỉ góp thêm vài hoạt động mà chúng tôi đang thực hiện. Kinh phí và quyết tâm theo chúng tôi là vấn đề quan trọng trong NCKH nhưng không phải là tất cả. Nhiều cái chúng ta thấy tiền được đầu tư không ít, quyết tâm cũng có thừa nhưng kết quả lại không như mong muốn. Vì vậy tôi nghĩ cách làm của chúng ta cũng rất quan trọng. Xác định như thế, chúng ta phải chú trọng tới từng cách thức trong mỗi hoạt động cụ thể.
Đối với các trường dân lập, theo thiển ý của chúng tôi, mỗi trường nên có một phòng NCKH đủ mạnh (cả về nhân lực, cơ sở vật chất…) để lựa chọn các đề tài cũng như quản lý chính sách cho việc NCKH. Bên cạnh định hướng phát triển KH&CN của mỗi trường, cần cập nhật tình hình, định hướng NCKH của địa phương, của Bộ để đề xuất các đề tài phù hợp. Công tác tăng cường bồi dưỡng có hiệu quả phương pháp NCKH cho đội ngũ giảng viên, người làm công tác khoa học nên được quan tâm. Chúng ta cần dành ra một khoản kinh phí riêng đủ lớn cho việc NCKH và công bố kinh phí này hằng năm để đánh giá được hiệu quả. Một vấn đề quan trọng nữa là ngoại ngữ mà đặc biệt là tiếng Anh, cần giải quyết triệt để kỹ năng tiếng Anh cho giảng viên, những người trực tiếp làm công tác giảng dạy và NCKH để hướng tới mục tiêu mọi giảng viên đều phải thông thạo ngoại ngữ. Về tập san khoa học, đó là việc cần thiết nhưng đầu tư, tăng cường cả lượng và chất, định kỳ phát hành càng cần thiết hơn. Song song đó xây dựng chính sách khen thưởng đãi ngộ cho những cá nhân có thành tích NCKH tốt và có hình thức phê bình hay xử phạt những giảng viên không có đề tài nghiên cứu hoặc làm không tốt. Một việc cấp thiết nữa là xây dựng và hình thành hệ thống thư viện với nhiều đầu sách chuyên mục NCKH, tủ sách NCKH. Đặc biệt, hệ thống thư viện nên chia nhỏ ra nhiều lĩnh vực. Mỗi đề tài trong mỗi lĩnh vực phải được cẩn thận thu thập thông tin của thế giới trong vòng 10 năm trở lại đây để cập nhật thông tin và hướng đi nghiên cứu cho chuẩn xác. Hướng tới mục tiêu 5 năm tới, các trường đều có một lĩnh vực nghiên cứu mà mình mạnh và ưu việt… Làm được những điều trên, chúng ta sẽ biết cách để từng bước rút ngắn khoảng cách khoa học giữa mục tiêu và hiện thực; giữa Việt Nam và thế giới.
PV: Xin thầy cho biết thêm về khó khăn cũng như định hướng khắc phục trong công tác NCKH của Trường Đại học Đông Á trong năm 2011-2012?
Trước hết, khó khăn theo tôi là khó khăn chung cho chúng ta chứ không chỉ tại trường ĐH Đông Á. Đó là thiếu đội ngũ người làm khoa học (chuyên gia và thiếu những nghiên cứu thực sự nghiêm túc về khoa học), đặc biệt là khoa học giáo dục là vấn đề bức thỉết. Đầu tư cho khoa học nghiên cứu về giáo dục ở Việt Nam còn chưa đúng mức, chưa thu hút được nhiều người giỏi, chưa được đánh giá đúng về mức độ quan trọng của nó. Sau nữa, việc xem xét kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong việc xây dựng và phát triển khoa học giáo dục cũng chưa được coi trọng. Thừa nhận rằng chúng ta đang yếu để từ đó, mở rộng tầm nhìn, củng cố chiến lược hoạt động của về NCKH giáo dục ở các trường và việc đổi mới giáo dục là một việc cần thiết và cấp bách. Có như thế mới vạch ra được chiến lược và tầm nhìn phát triển. Từ tầm nhìn và chiến lược phát triển của nhà trường, chúng tôi đã định hướng những mục tiêu cụ thể. Bám sát định hướng của Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN và theo dõi định hướng NCKH của thành phố. Thực hiện các đề tài thuộc các lĩnhvực KHCN ứng dụng như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... Về khoa học giáo dục, chúng tôi chú ý đến NCKH trong việc phục vụ công nghệ đào tạo tại nhà trường đặc biệt là kỹ năng giảng dạy đại học. Mục tiêu là tất cả giảng viên thông thạo tiếng Anh, kỹ năng nghiên cứu và kỹ năng dạy học. Trang bị cho giảng viên và sinh viên kỹ năng làm việc hiệu quả và phương pháp quản lý hiện đại. Đưa kỹ năng làm việc nhóm vào chương trình đào tạo. Bên cạnh đó trang bị và phát triển phương pháp NCKH cho mỗi thành viên của nhà trường. Sớm xác định NCKH sẽ nâng cao hiệu suất giảng dạy để đầu tư. Bên cạnh đó việc thành lập các nhóm nghiên cứu các chuyên ngành ở các khoa được lập thành một kế hoạch cụ thể có phương hướng và mục tiêu hành động rõ ràng. Song song, NCKH phải phối hợp với doanh nghiệp, đi vào các doanh nghiệp để thấy cái họ cần, cái họ thiếu từ đó xác định đề tài nghiên cứu phù hợp với thực tiễn. Việc nâng cao hàm lượng khoa học và trí thức trong việc biên soạn giáo trình cho chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao là nhiệm vụ phải làm tốt. Việc thiếu nhân lực NCKH là do chúng ta thiếu cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và môi trường làm việc. Để khắc phục tình trạng ấy, năm nay, nhà trường đã xây dựng một chính sách rõ ràng để “chiêu hiền, đãi sĩ”, một điều kiện tuyển dụng giảng viên mà ứng viên bắt buộc phải có đó là kỹ năng NCKH.
Ngoài ra, mục tiêu là năm nay nhà trường sẽ trình lên Bộ một đề tài NCKH cấp Bộ về Công nghệ sinh học sau thu hoạch. Đây là mảng mang tính ứng dụng cao và thu được nhiều hiệu quả. Bên cạnh đó, nó còn là đề tài cần thiết để kiểm định chất lượng đào tạo tại Đại học Đông Á.
PV: Được biết, nhà trường đã có hơn chục đề tài được công bố trên các tập san uy tín cả trong nước lẫn quốc tế. Đặc biệt, tháng 3 năm nay, tạp chí Journal of Agricultural Science, thuộc Canadian Center of Science and Education, Canada đã công bố một đề tài do thầy làm chủ nhiệm được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá rất cao. Vậy theo thầy, những khó khăn nào người làm NCKH thường gặp phải trong việc công bố đề tài trên các tạp chí trong nước và quốc tế?
Công bố khoa học là việc cần thiết phải có và phải làm được với một đề tài NCKH. Nó là sinh mệnh của đề tài. Đối với việc công bố trên các tập san khoa học trong nước, việc này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn về nội dung; tính ứng dụng… Công bố trên tập san quốc tế càng cam go hơn nữa vì phải qua hàng loạt ‘hàng rào’ tiêu chí học thuật, sự kểim doát của cộng đồng khoa học quốc tế. Hiện tại, ở Việt Nam, công bố quốc tế thường là do 1 tập thể các nhà khoa học nổi tiếng, hoặc một, một vài tác giả trong nước liên kết với học giả quốc tế. Một vài tiêu chí các tập san quốc tế thường yêu cầu như: Về nội dung, phải hoàn toàn mới, có tính khoa học cao; Về uy tín học thuật phải được công nhận và đáng tin cậy, tính thực chứng; Về tính đạo đức, phải được hội đồng đạo đức (hội đồng này ở nước ta chưa có, PV) cho phép… đang là khó khăn lớn với chúng ta. Bên cạnh đó, tính ứng dụng của đề tài được yêu cầu rất cao. Đề tài phải thực sự vừa có tính ứng dụng vừa đáp ứng nhu cầu tham khảo. Đó chỉ là một số tiêu chí nhìn nhận chung, không phải là đúc kết và tất cả. Trước mắt, chúng ta xác định phải phấn đấu nhiều năm, phải biết được một số lý do cơ bản mà các đề tài thường bị từ chối công bố như thiết kế nghiên cứu có vấn đề, diễn giải kết quả nghiên cứu sai, đề tài nghiên cứu không quan trọng. Và cũng cần tìm hiểu cả quy trình kiểm duyệt, biên tập của từng tập san quốc tế. Biết được điều đó chúng ta sẽ có cách khắc phục để làm hiệu quả hơn. Hiện tại, việc chúng ta nên làm đó là phải làm quen với các tập san khoa học quốc gia. Song song đó, công tác theo dõi, tìm hiểu và nghiên cứu về các tập san quốc tế để ngày càng có nhiều đề tài đựơc công bố. Có như thế hiệu quả và hiệu suất NCKH của chúng ta mới được cải thiện và nâng cao.
PV: Thầy muốn khuyên hay nhắn nhủ gì với đội ngũ trẻ đang làm công tác NCKH hiện nay?
Khuyến nghị hay khuyên nhủ thì không dám (Cười..) Tôi chỉ có đôi lời tâm niệm thế này. Mỗi người làm công tác NCKH cần phải hiểu đó là việc làm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện đời sống cá nhân đáng kể và đóng góp cho địa phương, phát triển đất nước; là góp thêm một viên gạch nhỏ trong con đường tiến trình lịch sử tri thức của nhân loại. Hiểu được như thế, tôi tin rằng các anh chị làm công tác NCKH sẽ có được nhiệt tình với khoa học và năng nổ NCKH.
Mỗi người phải tạo cho mình một thế năng dự trữ, tức là những tiềm lực cần thiết. Phải thông thạo một ngoại ngữ để mở cánh cửa nhìn ra thế giới xem họ NCKH như thế nào. Phải có văn hoá và kỹ năng đọc sách, dành nhiều đầu tư cho truy cầu và chọn lọc thông tin qua sách, báo, internet, và từ bạn bè đồng nghiệp. Kỹ năng đọc sách nghe ra tưởng giản đơn nhưng thật sự để hình thành kỹ năng này ngoài tình yêu sách ra phải rèn luyện và tích luỹ, ‘tích luỹ’ (nhấn mạnh, PV) chứ không phải là ‘mọt sách’. Chỉ đôi lời như vậy thôi.
PV: Và với các bạn sinh viên?
Riêng với các em sinh viên, trước hết là phải có ham muốn với khoa học, ham muốn đến độ đam mê. Công tác NCKH trong sinh viên là quan trọng nhưng cần nghiên cứu dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của giảng viên trong việc xác định cho mình đề tài thích hợp. Một điều nữa, sinh viên NCKH nên làm việc theo nhóm, ví như bạn A có kỹ năng đọc sách, bạn B có kỹ năng ngoại ngữ, bạn C lại có kỹ năng giao tiếp thực tế… để có thể vận dụng và phát huy hết kỹ năng và khả năng của mỗi người.
Ngoài ra, mỗi sinh viên nên có nhiều kinh nghiệm tri thức (intellectual experience) càng tốt. Kinh nghiệm này chỉ thu đựơc trong quá trình học hỏi, cọ xát và sự trực nghiệm cuả bản thân, không ai cung cấp được. Và nó vô cùng quan trọng mà họ cần trải qua. Khi càng có nhiều kinh nghiệm tri thức, bản lĩnh khoa học sẽ hình thành, có như thế mới có tự tin để làm NCKH.
Xin cảm ơn thầy!