Nghiệm thu đề tài nghiên cứu chiết xuất curcumin, dầu từ bã trong quá trình sản xuất tinh bột nghệ

(QNO) - Sáng nay 8/12, Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả Đề tài nghiên cứu chiết xuất, phân lập curcumin, dầu từ bã của quá trình sản xuất tinh bột nghệ từ một số giống nghệ vàng tại tỉnh Quảng Nam.

Đây là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, do Trường Đại học Đông Á là cơ quan chủ trì, TS.Nguyễn Thị Anh Đào làm chủ nhiệm.

Đề tài được thực hiện trong thời gian từ tháng 11/2020 - 10/2023, nhằm góp phần nâng cao giá trị cây nghệ, giảm ô nhiễm môi trường từ quá trình sản xuất tinh bột nghệ.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài, nghệ vàng là một dược liệu phổ biến, được trồng tại nhiều địa phương ở Quảng Nam.

Tinh bột nghệ là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, tinh bột nghệ chủ yếu được sản xuất theo phương pháp truyền thống bằng cách xay nghiền, để lắng trong nước, tách lấy tinh bột và loại bỏ các thành phần khác. Phần lớn các thành phần ít tan trong nước lại có giá trị hơn như curcuminoid, tinh dầu nghệ… đã bị loại bỏ theo bã nghệ. Như vậy, sẽ làm thất thoát lượng lớn curcuminoid và dầu nghệ, làm giảm giá trị kinh tế và gây ô nhiễm môi trường.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Đông Á đã khảo sát, thu thập mẫu nghệ vàng tại 4 địa phương Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức và Đông Giang để lựa chọn giống nghệ vàng có chứa hàm lượng curcuminoid cao tại Quảng Nam giúp định hướng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây nghệ đạt năng suất và chất lượng cao. Theo đó xác định mẫu nghệ vàng thu tại xã Tam Thành (Phú Ninh) cho hàm lượng curcuminoid cao nhất.

Ban chủ nhiệm đề tài cũng nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình công nghệ sản xuất tinh bột nghệ có chứa hàm lượng cao hoạt chất curcuminoid. Chiết xuất, phân lập tinh dầu nghệ và curcumin có hàm lượng cao từ bã thải của quá trình sản xuất tinh bột nghệ để làm nguyên liệu dược, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tại buổi nghiệm thu, đánh giá đề tài, các thành viên trong hội đồng phản biện đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình triển khai đề tài, các phương pháp nghiên cứu, thông tin số liệu có tính tin cậy cao.

Thành viên Hội đồng nghiệm thu cũng góp ý một số nội dung cần hoàn thiện để đề tài trở thành cơ sở khoa học triển khai áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao giá trị cây nghệ tại Quảng Nam.

Báo Quảng Nam